30/11/2013 10:59 GMT+7

Trăm dâu đổ đầu... cứu hộ

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - “Khu vực quận 9, H.Cần Giờ và quận 2, TP.HCM hoặc các công trình xây dựng chưa hoàn thiện hoặc chưa được sử dụng, các bầy ong rất dễ đến làm tổ. Nếu cứ bình yên thì không sao, nhưng nếu chạm phải thì bầy ong ấy sẽ kéo cả đàn ra để tấn công bất cứ vật gì cử động được” - trung sĩ Nguyễn Chí Thanh, 26 tuổi, Đội cứu hộ cứu nạn TP.HCM, kể về những công việc hi hữu nhưng các anh lại phải làm thường xuyên khi bầy ong đông hàng ngàn con tấn công người.

I9mtBzUf.jpgPhóng to
Lực lượng cứu hộ đưa một nạn nhân vào bờ - Ảnh: Hoàng Dũng

Đi... bắt ong

“Tôi còn nhớ đó là bầy ong đông tới hàng triệu con tấn công khiến một cô giáo trên đường đi làm về bị nguy kịch và nhiều người đi đường khác phải nhập viện ở Bình Quới, Thanh Đa” - ông Nguyễn Ngọc Tốt, Đội cứu hộ cứu nạn TP.HCM, kể.

Đó là một tổ ong vò vẽ có đường kính to đến cả nửa mét khiến không chỉ ông mà nhiều người lính cứu hộ khác đã bị tấn công khi tham gia cứu nạn nhân của bầy ong này. Cứu hộ đuối nước, cứu hộ trên cao hay cứu hỏa, nhà sập... đều được coi là những công việc mà lính cứu hộ thường làm, và ít nhất cũng có những bài học kinh nghiệm không chỉ của người đang làm công việc này ở Việt Nam, thì cứu hộ ong đốt lại là một “giáo trình đặc biệt”. Sở dĩ ông Tốt nói đó là cứu hộ đặc biệt bởi ngoài kỹ năng cứu người thì những người lính cứu hộ phải có kỹ năng ứng phó với bầy ong.

Một tổ ong to thì có hàng trăm cửa ra vào, không thể nào “bắt gọn” được chúng. Ong sợ khói, nhưng chiếc tổ to và thiết kế đặc biệt cũng không thể khiến toàn bộ bầy ong rời bỏ khỏi tổ. “Vậy nên chỉ còn một cách là đánh thuốc mê” - thượng úy Huỳnh Văn Tuấn, đội trưởng Đội cứu nạn cứu hộ, hóm hỉnh chia sẻ kinh nghiệm “bắt ong” như vậy. Và đương nhiên, dù được trang bị quần áo, khí tài đầy đủ nhưng đã không ít lần bầy ong len lỏi qua những kẽ hở nhỏ để tấn công người. “Chân tay người ngợm bị sưng cả mấy ngày mới hết. Còn nhiều người bị ong tấn công phải đi lọc máu khẩn cấp và tính mạng vô cùng nguy hiểm” - anh Tuấn nói.

Những tình huống khó lường

Người dân báo tin có đôi nam nữ cãi nhau, rồi người thanh niên trèo lên cầu nhảy tùm xuống nước. Bạn gái đứng trên bờ khóc lóc và người hiếu kỳ dừng lại rất đông. Lính cứu hộ được huy động đến cả một đội, lần lượt chia nhau xuống sông mò từ 21g đến 7g sáng hôm sau nhưng không tìm thấy nạn nhân. “Tìm nguyên một đêm không thấy, chúng tôi ra về. Vài ngày sau có tờ báo đăng nạn nhân đã tự tìm về nhà” - thượng úy Tuấn nói.

Một lần khác có một ngôi nhà bị cháy ở chợ Hòa Bình. “Người dân báo còn một phụ nữ trong căn phòng ở tầng hai. Lúc ấy tầng một đang cháy rất lớn. Nhiều người gào khóc lo cho tính mạng người thân vẫn còn trong lửa nên thượng úy Tuấn đã tìm cách vào được căn nhà”. Thượng úy Tuấn bèn tiếp cận bằng cách đi từ nhà bên cạnh sang, tiếp cận được căn phòng tầng hai nhưng vào trong phòng không tìm thấy ai. “Thế nhưng khi trở ra thì khói lửa đã tấn công vào phòng rồi. Tôi mau chóng lao ra khỏi phòng và cảm giác tê buốt khắp người”. Lần ấy anh Tuấn phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Còn người dân cho biết người phụ nữ nghi là ở trong căn phòng tầng hai đã nhanh chân thoát ra ngoài nhưng những người dân và người thân không biết.

Mỗi năm trên địa bàn TP.HCM có hàng trăm vụ đuối nước xảy ra cần phải gọi cứu hộ. Tuy nhiên, vài chục năm làm nghề nhưng ông Tốt mới ghi nhận cứu hộ được một người sống sót. “Ở những lĩnh vực khác như sập nhà, cháy nhà, sập công trình hay ong đốt, việc cứu sống được nhiều người là hết sức bình thường, nhưng tai nạn đuối nước thì hầu hết khi lính cứu nạn đến chỉ là để tìm xác nạn nhân.

Trường hợp đuối nước mà đội cứu nạn cứu hộ TP.HCM cứu được chính là một thanh niên bị kẹt dưới cầu tàu (cảng Sài Gòn): hai công nhân thách nhau bơi và lặn xem ai về đích trước. Lúc cùng lặn xuống thì không sao, nhưng lúc một thanh niên lên bờ thì không thấy bạn mình đâu, đúng lúc ấy nước triều lên ngập cầu tàu cảng, đêm tối cũng buông xuống rồi. “Lúc ấy chúng tôi phán đoán có thể anh ấy đã tử vong, bởi nếu không thì đã lên bờ, nhưng cũng phán đoán có thể bị mắc kẹt dưới gầm cầu tàu của cảng”, thượng úy Tuấn nhớ lại. Và khi anh cùng một đồng nghiệp khác lặn xuống dưới gầm cầu đã tìm thấy người công nhân kia đang ở dưới gầm cầu tàu, chỗ này còn chưa kịp ngập tới, chỉ cần thêm một thời gian nữa, nước triều lên ngập hết gầm cầu cảng là tính mạng anh ta không có gì được bảo đảm.

flNss9Qq.jpgPhóng to
Lực lượng cứu hộ chuẩn bị cứu nạn dưới kênh ở TP.HCM - Ảnh: H.Dũng

Chỉ biết cho đi

Mỗi năm Đội cứu nạn cứu hộ TP.HCM tham gia cứu nạn cứu hộ hàng trăm vụ, cũng đã có hàng trăm người được cứu sống nhờ sự nhanh trí, dũng cảm và bất chấp hiểm nguy của người lính cứu hộ. Ông Nguyễn Ngọc Tốt, người dành trọn cả đời mình cho công tác cứu nạn, cười trừ mà nói: “Cả đời tôi chưa được gặp lại những nạn nhân mình đã cứu nạn bao giờ. Cũng chẳng bao giờ gặp lại thân nhân những nạn nhân mà chúng tôi cứu hộ. Chỉ đơn giản bởi vào những tình huống phải cứu hộ là những tình huống oái oăm và đau thương mất mát lắm rồi. Làm nghề này vất vả nhưng tôi chỉ mong sao đừng có những tình huống hi hữu như vậy xảy ra nữa. Bởi vụ tai nạn nào, thảm họa nào cũng là đáng tiếc và mang lại nhiều mất mát cả vật chất lẫn tinh thần, cả con người lẫn của cải”.

Để trở thành người lính cứu hộ dạn dày nhiều kinh nghiệm hôm nay, thượng úy Huỳnh Văn Tuấn, thượng úy Nguyễn Chí Thành hay trung sĩ Nguyễn Chí Thanh giống như hàng trăm cán bộ chiến sĩ khác thuộc lực lượng này ở TP.HCM đều đã “lén lút” giấu gia đình để tham gia công việc. Nếu thượng úy Tuấn, Thành phải đến khi vụ cứu hộ cháy tòa nhà ITC cách đây hơn 10 năm, báo chí đăng ảnh các anh đã xông vào đám cháy để cứu hộ như thế nào thì lúc ấy cha mẹ nhìn ảnh con mình trên báo mới biết lâu nay con đã âm thầm làm công việc này mà không báo. Chỉ đơn giản bởi bố mẹ đều nghĩ công việc nguy hiểm quá, các con phải đến những nơi mà người dân đang phải tìm cách tránh xa. Hay cũng có người nghĩ rằng làm việc gì cũng được chứ làm cứu hộ là con người thuộc đội cứu hộ, chẳng có lúc nào thảnh thơi rảnh rang để lo cho cuộc sống gia đình. “Nhưng ai đã làm cứu hộ cứu nạn rồi, muốn nghỉ cũng không nghỉ được nữa”, trung sĩ Nguyễn Chí Thanh nói. Và anh Thanh cũng đặt bố mẹ vào tình huống “đã rồi” khi anh được biên chế chính thức vào đội cứu nạn cứu hộ. “Tôi cầm quyết định về đưa cho cha mẹ xem, cha mẹ đều là nông dân nên không muốn con làm công việc nguy hiểm như vậy, nhưng khi nhìn quyết định thì cha tôi đã đồng ý” - anh Thanh kể.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Lao vào bão biển cứu ngư dân Kỳ 2: Những tình huống không có trong sách vở Kỳ 3: Những người cứu nạn nghiệp dư Kỳ 4: Tàu SAR cũng cần được...cứu Kỳ 5: 20 phút trực thăng sẽ cất cánh Kỳ 6: “Xung kích” trong thành phố... Kỳ 7: “Trên từng cây số...”

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên