28/11/2013 08:44 GMT+7

"Xung kích" trong thành phố...

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Do đặc thù công việc trong TP, những cán bộ chiến sĩ trong lực lượng cứu hộ cứu nạn của TP.HCM là lực lượng xung kích luôn luôn sẵn sàng lao vào những nơi nguy hiểm, nơi mà hầu hết những người dân phải tránh xa, với tinh thần “không được chậm một giây bởi hàng ngàn người đang chờ đợi thông tin từ cứu hộ”.

91JXSmh1.jpgPhóng to
Cứu nạn tại vụ cháy nổ nhà ông Phương “khói lửa” - Ảnh: Trần Hoàng Dũng

Và nếu lực lượng cứu hộ hàng hải chủ yếu làm công tác cứu hộ trên biển, thì lực lượng cứu hộ tại TP phải thạo đủ việc: cứu nạn dưới nước, cứu hỏa, cứu hộ trên cao, cứu hộ sập nhà...

Chỉ 1 phút là xuất phát

1g, dù tất cả đang ngủ say giấc, nhưng chỉ một hồi chuông báo huy động lực lượng là toàn đội cứu hộ cứu nạn bật ra khỏi giường. Nhanh chóng vồ lấy trang phục, khí tài cứu hộ, những người lính từ tầng hai vừa cầm đồ vừa tuột theo chiếc cột inox xuống sân và trèo lên ôtô đang chờ sẵn. Chưa đầy hai phút, chiếc xe rời trụ sở tại quận 2 trực chỉ hướng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lăn bánh. Trên xe, những người lính cứu hộ mới kịp mặc quần áo, đi ủng cao su và chụp mũ vào đầu. Đó là chuyến đi cứu hộ nhiều ấn tượng của những chiến sĩ đội cứu nạn cứu hộ (thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM) tham gia cứu hộ trong vụ nổ tại nhà ông Phương “khói lửa” hồi đầu năm 2013.

Và tất cả hơn 100 người lính cứu nạn cứu hộ ở đây cũng như các đội cứu hộ cứu nạn khác đã được luyện tập tác phong nhanh nhẹn để chỉ cần một phút sau chuông báo là nguyên một đội 10 người phải có mặt trên xe. “Thường khi xảy ra vụ việc thì đội cứu nạn cứu hộ của các quận huyện gần khu vực đó đã đến trước rồi, đội chúng tôi sẽ đến sau trực tiếp hỗ trợ” - thượng úy Nguyễn Chí Thành nói.

Tuy anh Thành “biên chế” đội cứu hỏa, nhưng tất cả kỹ năng khác: cứu hộ trên cao, cứu hộ dưới nước, cứu hộ sập giàn giáo công trình... anh đều thuần thục. “Ngoài ra, tôi còn là người lái xe cho cả đội”. Người lính cứu hộ “3 trong 1” này hóm hỉnh kể về công việc của mình như thế.

Và ngoài việc giỏi lĩnh vực chuyên môn là cứu hộ cứu nạn, anh tài xế này còn phải học thuộc đường đi trên toàn TP. “Phải thạo đường để có thể đưa xe, đưa người đến một cách sớm và nhanh nhất. Người tài xế của đội cứu hộ không chỉ là người biết lái xe giỏi mà còn phải là người biết rõ địa hình TP, giờ nào, đường nào đi được, đường nào đông người” - thượng úy Thành nói.

XIGgQSV7.jpg
Một chuyến cứu nạn dưới nước của đội cứu nạn TP.HCM - Ảnh: Trần Hoàng Dũng

Thận trọng tìm người

Vụ nổ lớn làm ba căn nhà bị sập. Tuy nhiên, khi tiếp nhận tin báo và tới hiện trường, những người lính làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn vẫn chưa biết nguyên nhân nổ tại sao. Và cũng không ai biết phía trong đống đổ nát kia còn lại những gì, có bao nhiêu người... Nguyên nhân vụ cháy nổ thì có cơ quan điều tra lo, còn những người lính cứu hộ cứu nạn là tìm kiếm nạn nhân đang nằm dưới đống gạch vữa.

“Không ai biết dưới đống đổ nát đó ai còn ai mất, bởi vậy chúng tôi phải dùng tay cứu người” - thượng úy Huỳnh Văn Tuấn, đội trưởng đội cứu nạn, kể về công việc tìm nạn nhân trong những vụ tai nạn như vậy. Là người góp mặt từ đêm hôm trước cho đến suốt tận trưa hôm sau, thượng úy Thành cho biết khi mới tiếp cận hiện trường vụ cháy, mọi người chỉ kịp vẽ sơ đồ hình dung ra vị trí của các căn nhà và phỏng đoán nơi nào có nạn nhân để chia nhau làm việc. Khi đó, bởi sốt ruột nhiều người thân và người dân xẵng giọng hỏi đội cứu hộ sao không cho xe vào xúc bêtông lên thì sẽ tìm được nạn nhân nhanh chóng. Nhưng những người lính cứu nạn đã chọn cách làm việc khó khăn hơn là cẩn thận lật từng viên gạch, bới từng mẩu vữa để tìm người. “Và chúng tôi đã nghe thấy một tiếng rên yếu ớt từ dưới đống đổ nát. Đó là trường hợp hi hữu khi người phụ nữ này được chiếc tủ chắn giùm nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Tình huống ấy mà dùng xe xúc thì tính mạng người phụ nữ ấy không có gì để đảm bảo cả” - thượng úy Tuấn nói.

Và để bảo toàn tính mạng cho người phụ nữ hơn 70 tuổi ấy, những người lính cứu hộ đã dùng những phương tiện cứu hộ cá nhân để đục, chuyển bêtông và đưa người phụ nữ may mắn ấy ra ngoài. Rồi lần lượt từng nạn nhân được đưa ra khỏi vụ nổ: “Nhưng không ngờ được rằng vụ nổ ấy lại lấy đi tính mạng của nhiều người đến thế. Càng tìm lại càng thấy những thi thể đã bị cháy đen hoặc bị giập nát”.

Vẫn còn nhớ như in cái lạnh, cái mưa và đêm tối của vụ lật tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn cách đây gần ba năm, thượng úy Nguyễn Chí Thành kể: “Tôi được huy động đi tham gia cứu hộ ngay trong đêm khi sự việc xảy ra, dù tàu bị chìm lúc chừng 20g nhưng phải 22g chúng tôi mới được tiếp cận hiện trường”.

Và dù đội cứu hộ dưới nước của TP.HCM có mặt rất sớm và huy động toàn bộ đến, bởi dự liệu số người bị chìm theo con tàu là rất nhiều nhưng bởi mưa to, gió lớn và nước sông chảy xiết, thêm nữa người lái tàu lại chỉ vị trí chìm tàu không đúng nên những người lính cứu hộ không thể nào tìm được vị trí con tàu chìm một cách nhanh nhất. “Lúc ấy chúng tôi rất sốt ruột, bởi hiểu được tâm trạng của hàng triệu người dân đang dõi mắt trên phương tiện truyền thông để nghe ngóng về việc cứu nạn”.

Dưới cái mưa lạnh gió to, những người lính cứu hộ lần lượt người này lên thì người kia xuống lặn để tìm: “Dù có bình dưỡng khí nhưng vì lạnh và dưới áp lực của nước, một giờ làm việc dưới lòng sông mệt như làm việc 10 giờ liền trên cạn. Cái lạnh buốt thấm vào người nhưng không ai dám nghỉ lấy một chút”. Khi ấy anh em trong đội được huy động toàn bộ đến địa điểm xảy ra tai nạn để cứu nạn. Nhưng phải đến 13g ngày hôm sau, thi thể em bé đầu tiên mới được đưa lên bờ. “Chúng tôi đều đói và mệt sau 15 giờ dầm mình dưới nước, đói cũng chỉ dám lên bờ nhai tạm miếng bánh mì rồi lại xuống sông. Không dám đến gần người dân và thân nhân của những người bị nạn” - Thành trầm ngâm.

Lý do mà các anh không dám lên bờ ngồi nghỉ là bởi lúc ấy tất cả đều trông chờ vào việc tìm kiếm nạn nhân và đưa lên bờ. Bởi không chỉ là nỗi đau đớn của các thân nhân, sự quan tâm của người dân mà cả lãnh đạo ngành của TP và tỉnh Bình Dương. Thế nhưng, khi đôi tay của người lính cứu nạn sờ thấy hình hài một đứa trẻ, anh định đưa ra khỏi tàu thì dường như có cái gì kẹt lại. “Tôi khoa tay để gỡ cháu bé thì tìm thấy một vòng tay người lớn, đứa trẻ được người mẹ ôm chặt trong lòng. Tôi quyết định đưa cả hai mẹ con ra khỏi tàu nhưng vì cửa tàu không thể đưa được cả hai người nên phải gỡ em bé ra khỏi người mẹ”. Đó là khoảnh khắc xúc động và đối với Thành: “Cả đời này tôi không quên được cảm xúc lúc đó. Tai nạn nào cũng là đáng tiếc, mạng sống nào cũng đáng quý nhưng khi phải tìm những thi thể trẻ em là sự đau buốt đến tận cùng tâm can mà không điều gì có thể xóa nhòa”.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Lao vào bão biển cứu ngư dân Kỳ 2: Những tình huống không có trong sách vở Kỳ 3: Những người cứu nạn nghiệp dư Kỳ 4: Tàu SAR cũng cần được...cứu Kỳ 5: 20 phút trực thăng sẽ cất cánh

__________

Kỳ tới: “Trên từng cây số”

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên