23/11/2013 11:11 GMT+7

Kỳ 1: Lao vào bão biển cứu ngư dân

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - 8g ngày 5-11-2013, tín hiệu viễn thông của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực II (Đà Nẵng MRCC) vang lên những tiếng cầu cứu khẩn thiết từ tàu cá QNg 92174TS, khi thuyền viên Trần Bá Duy bị đau ruột thừa cấp. Lúc này tàu cá đang ở vị trí 14,01 độ vĩ bắc - 112,0 độ kinh đông, cách bờ biển Đà Nẵng 250 hải lý (khoảng 470km).

Oqcn0c9k.jpgPhóng to
Lực lượng cứu nạn đang đưa nạn nhân lên tàu SAR 412 - Ảnh: Tấn Vũ

Tình huống càng cấp bách hơn khi cơn bão số 13 đang lao nhanh về phía bờ biển Nam Trung bộ, gây gió cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Ngay lập tức, Đà Nẵng MRCC nối máy cho các bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng để tư vấn cho các ngư dân chăm sóc sức khỏe thuyền viên Trần Bá Duy. Cùng thời điểm, tàu cứu nạn SAR 412 khởi động máy và đúng 8g15 nhổ neo lao ra biển.

Đi trong bão tố

Phóng viên Tuổi Trẻ có mặt trên một chuyến cứu nạn này của SAR 412. Theo thuyền trưởng Phan Xuân Sơn, kể cả khi tàu không đủ thuyền viên thì 15 phút sau khi phát lệnh tàu cứu nạn cũng sẽ nhổ neo, tận dụng từng phút để cứu người. Lao với tốc độ cực đại 26 hải lý/giờ, SAR 412 tròng trành trong sóng biển. Người thuyền trưởng già dặn kinh nghiệm Phan Xuân Sơn cho biết trong những tình huống khẩn cấp như thế này, tàu luôn chạy hết tốc lực. Rất may là vị trí ngư dân gặp nạn hiện tại cũng là khoảng cách tối đa mà SAR 412 có thể vươn tới.

Căng thẳng phân tích tin cứu nạn

Ông Phạm Hiển - giám đốc Vũng Tàu MRCC - nói có những thời điểm đến 70% tin cứu nạn về trung tâm là không chính xác. Đó là những tin báo từ các tàu, thuyền gặp sự cố trên biển nhưng chỉ sau khi báo tin ít lâu thì tàu sửa chữa được nhưng họ không báo lại. Hoặc hi hữu hơn, có trường hợp thiết bị báo tọa độ cứu nạn của một con tàu đã hư hỏng được ngư dân đem về, trẻ con nghịch làm phát ra tọa độ cứu nạn về trung tâm.

Tất cả tin báo dù thật hay giả đều đặt các trung tâm MRCC vào tình trạng báo động và phải căng thẳng xử lý, phân tích để có quyết định kịp thời. Tuy nhiên ông Phạm Hiển cho biết nếu điều tàu cứu nạn sai, do không phân tích đúng tin cứu nạn thì cá nhân giám đốc trung tâm phải chịu trách nhiệm.

16g chiều, tàu còn cách vị trí ngư dân bị nạn khoảng 50 hải lý, càng gần tâm bão gió giật mỗi lúc mỗi mạnh, thuyền trưởng Sơn yêu cầu bác sĩ của tàu: “Yêu cầu thuyền viên trên tàu cá cố gắng giữ vị trí, sơ cứu cho ngư dân bị nạn. Chỉ còn ba giờ nữa sẽ tiếp cận được vị trí”. Ngay lập tức, bác sĩ đa khoa Trần Ngọc Quang đứng trên boong tàu la lớn vào máy icom: “Tàu cá nghe rõ không? Cố giữ bệnh nhân không để dịch chuyển nhiều. Tình hình sức khỏe thế nào?”. Đầu bên kia đáp: “Dạ, em nó la quằn quại lắm anh ơi”.

18g20 bóng tàu cá QNg 92174TS dần hiện ra trong những con sóng chồm cao như nóc nhà. Có những lúc cả tàu cá như muốn lao lên hẳn trên boong tàu cứu hộ vì những con sóng dữ. Những cánh tay nối dài trong bão gió níu lấy tay nạn nhân, người buộc dây vào thắt lưng. Hơn 20 phút sau, thuyền viên Trần Bá Duy lên được boong sau con tàu. Chiếc băng ca màu vàng đặc trưng cứu hộ được trải ra giữa nền, Duy được khiêng ngay vào phòng cấp cứu nằm giữa thân tàu.

Giữa đêm đen lạnh giá, nhưng những giọt mồ hôi đã ướt đầm vai áo những người cứu hộ. Bác sĩ Trần Ngọc Quang lần lượt đo huyết áp rồi đo thân nhiệt Duy, liên tục động viên nạn nhân vượt qua tâm lý sợ hãi. Kinh nghiệm của bác sĩ hơn 10 năm sóng gió cùng ngư dân, bác sĩ Quang chẩn đoán: “Duy bị viêm dạ dày co thắt hoặc đau ruột thừa. Bệnh nhân chưa nguy cấp nên không tiêm thuốc giảm đau để giữ các triệu chứng về bệnh viện dễ cứu chữa”. Trắng đêm, bác sĩ Quang và các thủy thủ (chia ca) ngồi suốt bên chiếc băng ca cùng nạn nhân, đôi lúc tự tay họ dìu nạn nhân vào phòng vệ sinh để tiểu tiện. “Có mình bên cạnh bệnh nhân thấy an tâm!” - bác sĩ Quang tâm sự.

Ông Trần Phi, bác ruột của Duy, người theo Duy lên tàu cứu nạn vào đất liền, đếm từng giây mỏi mòn chờ con tàu cập bến để đưa đứa cháu ruột đến bệnh viện và rối rít cảm ơn những người cứu hộ. Giọng đầy hàm ơn, ông Phi nói: “May mà còn có tàu ra cứu chứ nếu không sóng to gió dữ thế này, con tàu chỉ chạy được 5 hải lý/giờ, vào tới bờ chắc cháu tôi chết quá!”.

6g ngày 6-11, tàu SAR 412 cập cảng Đà Nẵng MRCC, xe cấp cứu đã chờ sẵn, ngư dân Trần Bá Duy được đưa vào bệnh viện để mổ sớm.

M8wIY69n.jpgPhóng to
Vượt hơn 250 hải lý từ Đà Nẵng ra gần Trường Sa, tàu SAR 412 đã đưa được ngư dân Trần Bá Duy lên tàu về Đà Nẵng - Ảnh: Tấn Vũ

“Stand by”

Đó là thuật ngữ để chỉ trạng thái “sẵn sàng chiến đấu” của bảy tàu SAR cứu nạn đang đậu tại bốn trung tâm MRCC của Việt Nam tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu. Và những chuyến xuất bến gấp gáp trong mưa bão cứu ngư dân là nhiệm vụ thường trực mà những con tàu SAR đã làm trong suốt tám năm qua, từ khi con tàu SAR đầu tiên được nhập từ Hà Lan về Việt Nam để làm công tác cứu nạn.

Bảy con tàu phụ trách cứu nạn cho một vùng bờ biển dài 3.260km nên nói như ông Phạm Hiển, giám đốc Vũng Tàu MRCC: “Cuộc đua khốc liệt nhất của SAR không phải với sóng gió mà với thời gian. Bởi mỗi trung tâm MRCC phụ trách cả một địa bàn dài vài trăm hải lý, và cứu được một mạng người thì quý gấp trăm lần tìm thấy thi thể nạn nhân”. Với Vũng Tàu MRCC, chỉ với hai con tàu SAR 412 và SAR 271, Vũng Tàu MRCC phải phụ trách cứu nạn từ phía nam Ninh Thuận đến Kiên Giang, thậm chí trước đây còn bao luôn cả Trường Sa khi Nha Trang MRCC chưa được thành lập. Cũng với hai con tàu tương tự, Đà Nẵng MRCC phải phụ trách một vùng biển rộng lớn từ đèo Ngang (Hà Tĩnh) đến giáp mũi Đại Lãnh (Khánh Hòa).

Chính vì chế độ “stand by” này nên hầu như tất cả thuyền viên của tàu SAR đều phải xây nhà hoặc thuê nhà ngay cạnh những MRCC. Ông Trần Văn Long, giám đốc MRCC Đà Nẵng, nói ở MRCC Đà Nẵng đã có trường hợp thuyền viên tàu SAR phải quăng lại cả xe máy khi bị CSGT thổi phạt để kịp giờ tàu xuất bến đi cứu nạn. Ông Long cho biết dù đang trong thời gian được nghỉ ngơi nhưng khi có lệnh, trong 15-20 phút sau các thuyền viên đều phải có mặt. Trễ một lần bị hạ thi đua một bậc và ba lần là bị kỷ luật. “Đáng lẽ phải cấp giấy công tác đặc biệt cho anh em thuyền viên, chứ để kịp giờ tàu xuất phát thì kiểu gì cũng vi phạm Luật giao thông” - ông Long nói.

_____________

Với một vùng biển trải dài đầy bão gió, các trung tâm MRCC của Việt Nam luôn phải đối mặt với những tình huống cứu nạn chưa từng trải nghiệm trong thực tế và sách vở. Họ đã làm gì để giành lại mạng sống cho các nạn nhân?

Kỳ tới: Những tình huống không có trong sách vở

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên