29/11/2013 08:55 GMT+7

"Trên từng cây số..."

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Từng tham gia đội cứu nạn như một việc từ thiện, ông Nguyễn Ngọc Tốt, người “lính” cứu nạn cứu hộ già nhất của Đội cứu hộ cứu nạn TP.HCM, kể công việc này không chỉ đòi hỏi tấm lòng người làm nghề mà còn đe dọa sức khỏe và cả tính mạng của họ.

m6I2ygk8.jpgPhóng to
Thượng úy Huỳnh Văn Tuấn trong một lần tham gia cứu nạn trên sông Sài Gòn - Ảnh: Hoàng Dũng

Tự học

Người có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện công việc cứu hộ cứu nạn ở Đội cứu hộ cứu nạn TP.HCM chính là ông Tốt, năm nay 57 tuổi với 40 năm làm nghề. “Ở Sài Gòn nghề này tồn tại từ thời Pháp thuộc, được miễn quân dịch và được coi như nghề làm phúc. Tui vào nghề lúc 17 tuổi và gắn bó đã được 40 năm. Những đồng đội làm việc cùng tui từ những ngày đầu đến nay người mất, người bị tai nạn, người bệnh sớm đã qua đời”. Vẫn giữ được một sức khỏe tốt, ông Tốt thật sự đã phải tự học, tự rèn luyện rất nhiều thông qua từng lần đi cứu hộ cứu nạn mà không có trường lớp nào dạy. “Cho đến tận bây giờ giáo trình để dạy người mới vào đội vẫn là những kinh nghiệm mà tui và những người đi trước truyền lại” - ông Tốt nói.

Và việc truyền dạy kinh nghiệm cùng toàn bộ kỹ năng cứu hộ đối với những cảnh sát mới vào đội được giao cho ông Tốt. “Mới gặp chú Tốt lần đầu tiên chú đưa ra bể bơi và bảo mỗi ngày bơi cho đủ 6km, nếu không bơi đạt thì không đủ sức khỏe để tham gia cứu hộ được” - thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh, một cảnh sát cứu hộ vừa chính thức vào biên chế, kể về những ngày đầu tiên được tiếp cận với công việc như vậy.

Bởi không có giáo trình nào nên việc học, việc thực hành từ những vụ việc cụ thể là những bài học thực tế và rất nhiều giá trị. “Thường ở đội cứu nạn dưới nước, tụi tui được học kỹ năng bơi, cách giữ hơi sao cho tốt, học tín hiệu để phối hợp với nhau. Chỉ cần sơ sẩy là có thể nguy hiểm cho người đi cứu hộ ngay” - ông Tốt nói.

Để có sự phối hợp nhịp nhàng dưới nước phải trải qua những bài học ký hiệu trên bờ: giật dây mấy lần là xin dây, nắm tay mấy lần là báo động nguy hiểm và phải rút. Lý giải về những “ám hiệu” riêng biệt này, ông Tốt nói: “Khu vực miền Nam sông nước nhiều và luôn mang nhiều phù sa, mọi nguy hiểm luôn rình rập đối với những người làm công tác cứu hộ dưới nước. Đó là nỗi lo bom mìn, vũ khí còn sót lại, là những vật dụng có thể gây sát thương cho những người thực hiện công việc thủ công tìm kiếm bằng tay. Dưới lòng nước là đủ thứ được con người ném xuống, cả dao, súng, mảnh chai, vỏ lon, sắt nhọn, đinh và thậm chí bom mìn, lựu đạn..., chỉ cần sơ sểnh một chút những người cứu hộ sẽ bị nguy hiểm. Bởi vậy cẩn thận bao nhiêu sẽ hạn chế bớt rủi ro cho những người làm công tác cứu hộ bấy nhiêu” - ông Tốt nói.

Người làm công tác cứu hộ khi xuống nước rồi thì hoàn toàn phụ thuộc cảm giác của đôi tay và các cơ quan xúc giác của cơ thể. Mỗi nhóm cứu hộ dưới nước bao giờ cũng gồm ba người, một người trên bờ để điều khiển và giữ dây, hai người dưới nước thực hiện quá trình cứu nạn. Để phối hợp được nhịp nhàng với nhau, cả ba người đều phải thuộc những quy tắc đã được học để có thể hỗ trợ nhau kịp thời. “Không nói được, không nhìn thấy nhau được, những người lính cứu hộ thông báo thông tin cho nhau qua sợi dây cầm ở tay và những cái nắm tay của đồng đội” - ông Tốt nói.

mgqMjzEE.jpgPhóng to
Những người lính tham gia cứu nạn đuối nước - Ảnh: Hoàng Dũng

Mất mạng vì bom mìn

“Sông sâu nước cả ai biết dưới lòng sông còn có những gì”, ông Tốt nói. 40 năm làm công việc cứu hộ cứu nạn, phối hợp cùng cơ quan điều tra phá án, không ít lần ông Tốt đối mặt với hiểm nguy từ những vũ khí còn sót lại dưới lòng sông: “Chẳng những tui mà sau này các em, các cháu mò tìm được lựu đạn, bom, súng rất nhiều. Nhưng mình có kinh nghiệm để xử lý chứ các cháu thì chưa có kinh nghiệm”.

Không chỉ là trầy xước, là bệnh hô hấp, viêm tai hay bệnh thận... là những hiểm nguy đang rình rập hằng ngày với những người làm công tác cứu hộ, mà có những đồng đội của ông Tốt đã vĩnh viễn ra đi. Năm ấy, đội của ông Tốt được huy động tham gia phá án cho vụ án nghệ sĩ Thanh Nga bị giết. Kẻ thủ ác khai đã ném khẩu súng giết người xuống sông nên hai đồng đội của ông Tốt đã lặn xuống sông: “Lòng sông rất nhiều vũ khí, hai đồng đội của tui ngoi lên ngụp xuống nhiều lần và tìm được rất nhiều súng nhưng không tìm thấy khẩu súng nào giống như mô tả, cho đến khi tôi nghe tiếng nổ từ dưới lòng sông kèm theo là bùn lẫn máu trôi theo nước. Trước khi chết, hai đồng đội của tôi đã cố gắng tìm cách ngoi lên bờ ở vị trí cách đó hàng chục mét. Đó là tổn thất không đáng có bởi hung thủ giết người đã không chỉ giết nghệ sĩ Thanh Nga mà lời khai gian dối của hắn ta còn cướp đi mạng sống những người lính cứu hộ” - ông Tốt kể, giọng ngậm ngùi.

Khi ấy ông Tốt đang ở trên bờ giữ dây chỉ huy của kíp lặn: “Sau này, tôi dặn dò anh em rất kỹ khi gặp những tình huống có bom, mìn dưới lòng sông đều phải cẩn trọng đưa lên bờ rồi chuyển giao cho quân đội, bởi không ai biết được vũ khí nóng ấy sẽ phát nổ lúc nào. Như vậy, ngoài việc huấn luyện anh em kỹ năng bơi lội, cứu hộ cứu nạn thì những cán bộ, chiến sĩ của đội cứu hộ cứu nạn còn được bồi dưỡng thêm những khóa tìm hiểu bom mìn, cách vô hiệu hóa bom mìn cũng như di chuyển chúng đến nơi an toàn”.

Và chuyện gặp bom, mìn, lựu đạn của những người lính cứu nạn dưới nước không còn là chuyện xa lạ. “Có lần đồng đội của tôi đã lôi dưới lòng sông lên hai quả đạn mà họ cứ ngỡ là chai bia. Nhưng nhìn vỏ quá lạ nên cậu ấy không gõ thử xem thế nào mà nhẹ nhàng đưa lên bờ. Thật là may phúc”, thượng úy Nguyễn Chí Thành nói về những tình huống nguy hiểm mà các anh đã gặp.

Kể lại câu chuyện cứu hộ tại nhà ông Phương “khói lửa”, dù đã kinh qua không biết bao nhiêu lần cứu nạn nguy hiểm, ông Nguyễn Ngọc Tốt cũng vẫn rùng mình: “Làm nghề này như mình đi làm phúc nên chắc là trời thương, chứ bữa cứu nạn ở nhà ông Phương “khói lửa”, tụi tui không biết trong đống đổ nát ấy có súng, thuốc nổ. Thậm chí lúc đang cứu nạn cũng không ai nghĩ đến việc kho vũ khí ấy sẽ nổ. Tụi tui cứ thế chuyển mọi thứ ra ngoài”. Và nếu không nói đó là may mắn thì chẳng còn lý do gì để lý giải khi số vũ khí kia về đến kho tập kết lại tiếp tục phát nổ...

Kỳ cuối: Trăm dâu đổ đầu cứu hộ

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Lao vào bão biển cứu ngư dân Kỳ 2: Những tình huống không có trong sách vở Kỳ 3: Những người cứu nạn nghiệp dư Kỳ 4: Tàu SAR cũng cần được...cứu Kỳ 5: 20 phút trực thăng sẽ cất cánh Kỳ 6: “Xung kích” trong thành phố...

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên