31/12/2018 11:51 GMT+7

Trai Tây đóng khố, làm rể Tây Nguyên

TRẦN THẢO NHI
TRẦN THẢO NHI

TTO - Nhiều chàng trai Pháp, Anh, Bỉ... quyết tâm 'đóng khố, ở rể' tại các buôn làng Kontum K’nâm, Kontum K’pơng, Kon K’tu... bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa, thơ mộng.

Trai Tây đóng khố, làm rể Tây Nguyên - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Thibault Lille và chị Y Nanô - Ảnh: TRẦN THẢO NHI

Cả buôn làng mình ai cũng ưng nó nên mới đồng ý cho làm rể đấy chứ.

Già làng A Ngơh (trưởng thôn Kontum K’pơng)

"Mấy đứa người Tây tụi nó lấy con gái làng tao đứa nào cũng ngoan, rất yêu chiều vợ. Nó cũng theo vợ đi làm nương rẫy... Những lúc làng có lễ hội, tụi nó vui có chừng mực, nhất là ít khi thấy họ quá chén, không như đàn ông trong làng suốt ngày say xỉn"...

Bà Y Giút - trưởng thôn Kontum K’nâm, phường Thống Nhất, TP Kon Tum - nói về những chàng rể Tây ở làng mình. Không chỉ ở làng này, các làng Kontum K’pơng, Kon K’tu... đều có các chàng trai Tây đóng khố ở rể.

Biết đi rẫy, không rượu chè

Ở căn nhà cấp bốn nằm ngay giữa trung tâm làng Kontum K’nâm, anh Thibault Lille (40 tuổi, người Pháp) đang mải mê xem thông tin thời sự từ quê hương nước Pháp xa xôi.

Chị Y Nanô (30 tuổi), vợ anh Thibault Lille, cho biết trong một lần anh ấy đi du lịch rồi ghé vô thăm làng năm 2009, do mình đang học tiếng Anh từ sách vở nên muốn tiếp cận người nước ngoài để giao tiếp nói chuyện: "Mình không bao giờ nghĩ rằng sẽ chiếm được trái tim chàng trai nước ngoài điển trai này, vậy mà... Âu là duyên số thôi".

Những ngày đầu về làm rể của buôn làng, Thibault Lille phải tập làm nông dân thực thụ và sinh hoạt như mọi người dân trong làng. Cuộc sống lặng lẽ, bình an dưới mái nhà rông làng Kontum K’nâm bên dòng Đăk Bla thơ mộng, ngày ngày Thibault Lille theo chị lên nương rẫy.

"Ảnh chăm chỉ lắm, cũng biết gieo hạt, nhổ cỏ, gặt lúa... Về nhà tay chân phồng rộp lên vì không quen làm rẫy nhưng vẫn vui cười không than vãn. Bây giờ lúc rảnh ảnh dạy tiếng Anh ở Trung tâm ngoại ngữ Kon Tum" - chị Y Nanô tâm sự.

Nhớ những ngày còn yêu nhau, không nhớ nổi biết bao cánh thư cách nửa vòng Trái đất dày lên theo thời gian xen lẫn các câu chuyện về văn hóa, tập tục của người Ba Na đã có những lời yêu thương tha thiết. Yêu nhau qua thư từ online một thời gian, rồi Y Nanô vào TP.HCM học trung cấp y tế, anh đã từ Pháp bay thẳng qua Việt Nam để ngỏ lời cầu hôn...

Sau hơn bốn năm trời tìm hiểu, đến năm 2013 cả hai tổ chức đám cưới tại buôn làng, sau đó tiếp tục tổ chức lễ cưới theo phong tục tại Pháp - quê hương anh. 

"Mình và gia đình lo lắm. Trước khi tới nước Pháp xa xôi, vì mình là người dân tộc thiểu số nên mặc cảm, tự ti. Thế nhưng khác với suy nghĩ của mình, bên họ hàng nhà nội rất vui và quý trọng mình, đón tiếp hồ hởi, chu đáo... Gia đình nhà chồng nói rằng họ tôn trọng sự quyết định của anh ấy" - chị Y Nanô chia sẻ.

Điều chị Y Nanô cảm thấy hạnh phúc mãn nguyện nhất là giữa chị với anh Thibault Lille hiện nay đã sinh được hai bé xinh xắn là con gái Mina (2013) và bé trai Andre (2015): "Chắc là duyên số thôi mà, chồng mình biết thương yêu vợ con hết lòng, không nhậu nhẹt say xỉn như những người đàn ông trong buôn làng, biết chia sẻ, đỡ đần cho vợ".

Theo bà Y Giút, đến thời điểm hiện nay trong làng đã có năm thiếu nữ "bắt" trai Tây làm chồng, hầu hết sau khi kết hôn họ đều đưa vợ con qua Anh, Bỉ, Pháp... để sinh sống. Tất cả đều đang chung sống hạnh phúc.

Đóng khố, nói tiếng Ba Na như... gió!

Chúng tôi về làng Kontum K’pơng, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum tìm gặp cặp vợ chồng chị Y Ra và anh Theocastro Giovanni (quốc tịch Pháp, cùng sinh năm 1992).

"Ngày đó, ổng thường xuyên qua Việt Nam làm từ thiện, khi đó mình cũng tham gia và gặp nhau, thấy ảnh hiền hiền miệng cười miết thôi! Khi có tình cảm với mình, ảnh xin số điện thoại mà mình không cho, mình nói nhà nghèo không có tiền mua, ảnh không tin" - Y Ra kể.

Mấy ngày sau, Theocastro Giovanni lặn lội vô làng tìm và cách tìm cũng lạ lùng: gặp ai cũng đưa điện thoại để kiếm người trong hình. 

"Thấy ngôn ngữ bất đồng, nhà lại quá nghèo nên mình nghĩ không dám "leo cao" đâu, nhưng anh nhất quyết đến với mình và miệng cứ nói muốn lấy mình làm vợ, muốn được ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, muốn sinh con đẻ cái với mình... Mình từ chối miết thôi mà không được!" - chị Y Ra bộc bạch.

Hiện nay, anh Theocastro Giovanni đang làm cho một công ty tại Pháp, mấy tháng mới về Việt Nam thăm vợ một lần. Chị Y Ra kể: "Ảnh nhanh thích ứng với cuộc sống gia đình mình, gia đình ăn uống sao ảnh ăn vậy, không chê gia đình nghèo hay cuộc sống còn lạc hậu. Anh rất yêu thương, tôn trọng gia đình".

Mẹ chị Y Ra cho hay ngày tổ chức đám cưới cho hai người, do không nhiều người biết tiếng Pháp của chàng rể, nói tiếng Việt thì chàng rể Tây không rành nên ai cũng bất ngờ khi Theocastro Giovanni nói chuyện, giao tiếp bằng tiếng Ba Na, khiến mọi người cũng thấy vui và khâm phục chàng rể.

Khi làm đám cưới đúng theo tập tục bên vợ, anh mặc áo thổ cẩm của người Ba Na, đóng khố rồi mang lễ đến nhà vợ đầy đủ gồm hai con heo, một con bò, một con heo quay và một số món ăn đặc trưng của người Ba Na như cây chuối thái, lá mì, rau dền, uống rượu cần...

Y Ra kể: "Hồi đó cha mẹ mình cũng nói thôi thì tổ chức theo lễ của người Kinh cũng được, nhưng anh ấy không chịu. Anh ấy rất vui mừng nói rằng làm theo tập tục người Ba Na để mời cả làng cùng đến tham dự trong ngày vui của vợ chồng mình".

Thấy gia đình bên vợ nghèo khó, Theocastro Giovanni hỗ trợ về vật chất để gia đình sửa chữa nhà cửa, mua sắm mọi vật dụng trong nhà. Già làng A Ngơh cứ khen hoài: nó thành người của buôn làng rồi, một chàng rể quý và rất hòa nhập với cuộc sống của người Ba Na thật là nhanh, "cả buôn làng mình ai cũng ưng nó nên mới đồng ý cho làm rể đấy chứ"!

Chị Y Ra nói thật hạnh phúc khi có được người chồng yêu thương vợ hết lòng, gần gũi, thủy chung. Cô nói: "Mình đang cùng chồng muốn sinh con và làm mọi thủ tục để theo chồng về Pháp, cha mẹ ảnh giục miết thôi".

Những bản tình ca đẹp

heocastro giovann

Anh Theocastro Giovanni (bìa trái) và chị Y Ra (bìa phải) cùng cha mẹ vợ - Ảnh: TRẦN THẢO NHI

Mùa xuân đang tràn ngập núi rừng Tây Nguyên, những chàng trai nước ngoài đang cõng balô tới du lịch, thăm thú buôn làng và ở đó các sơn nữ người Ba Na lại bắt đầu một mùa yêu mới của đại ngàn.

Và đâu đó giữa núi rừng này, cặp đôi Thibault Lille - Y Nanô, Y Ra - Theocastro Giovanni hay Y Hem và John Nathan... đã và đang hát những bản tình ca đẹp nhất, để viết tiếp vào thiên tình sử của mình những trang đẹp nhất của cuộc đời về một tình yêu đã vượt qua mọi rào cản, vượt qua biên giới và cả khoảng cách địa lý, ngôn ngữ để đến với nhau.

Các chàng trai Pháp, Anh, Bỉ... lại quyết tâm "đóng khố, ở rể" tại các buôn làng Kontum K’nâm, Kontum K’pơng, Kon K’tu... bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa, thơ mộng.

Chàng rể Tây trên sân khấu Việt Chàng rể Tây trên sân khấu Việt

TT - Những ngày cuối năm tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (TP.HCM), có một chàng trai “khoai tây chính hiệu” cứ lăng xăng trên sàn tập. Chốc chốc anh lại hỏi đạo diễn: “Sao phải diễn như vầy... như vầy?”, rồi lại quay sang tập thoại và luyện giọng tiếng Việt sao cho dễ nghe nhất.

TRẦN THẢO NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên