02/05/2020 05:57 GMT+7

Trả trước tiền cơm cho người nghèo ở Thái

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều lao động công nhật, làm việc cho các tiệm ăn và nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ ở Thái Lan bị thất nghiệp. Họ thậm chí không còn khả năng mua một suất cơm chỉ 1 USD (gần 24.000 đồng).

Trả trước tiền cơm cho người nghèo ở Thái - Ảnh 1.

Một người bán hàng trên đường phố Bangkok và mẫu phiếu trả tiền trước do Arisa Phochaisarn thiết kế - Ảnh: Channel News Asia

Trước hoàn cảnh này, nhiều người đã chung tay trả tiền trước những bữa cơm cho người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh.

Bạn không cần quá giàu mới có thể làm từ thiện, nhất là trong dịch bệnh, khi ai cũng khó khăn thì lá rách ít đùm lá rách nhiều là tốt rồi.

Anh TANASAK PHROSIKUN

Ai cũng có thể trả tiền trước

Arisa Phochaisarn, nghiên cứu sinh ngành khoa học xã hội về y và sức khỏe Đại học Mahidol, tham gia phong trào "Trả tiền trước" vào cuối tháng 4-2020 do thông tin từ một người bạn.

Cô chia sẻ "Trả tiền trước" là phong trào kêu gọi người có khả năng trả tiền trước cho một (hoặc nhiều) bữa cơm tại các cửa hàng có tham gia chương trình này. Các chủ cửa hàng sau đó sẽ đưa các phần cơm đã được trả tiền trước cho những người khó khăn khác mà không lấy tiền của họ.

Thấy ý tưởng rất hay, Arisa bắt đầu thiết kế phiếu thực phẩm có mệnh giá 20 baht - 14.500 đồng (phiếu nước) và 40 baht - 29.000 đồng (phiếu cơm) đưa cho các tiệm ăn. Trên tấm phiếu trắng còn trống, những người mua sẽ ký tên, trả tiền xác nhận trên số lượng suất ăn họ muốn trả trước. 

Nhờ được chia sẻ trên mạng xã hội và sự đơn giản trong cách làm, phong trào thu hút được nhiều người tham gia.

Tháng 4-2020, nữ nghiên cứu sinh này tự bỏ tiền túi cùng tiền ủng hộ từ bè bạn và đồng nghiệp để trả tiền cho các phiếu thực phẩm.

Trước dịch bệnh COVID-19, phong trào "Trả tiền trước" này đã xuất hiện ở Thái Lan nhưng ở quy mô nhỏ. Hiện nay, nhiều tiệm ăn nhỏ cũng tham gia hoạt động này.

Ý tưởng dễ thương

Theo Đài Channel News Asia (Singapore), mạng lưới an sinh xã hội trên thực tế không với được tới mọi tầng lớp. Tác động của khủng hoảng COVID-19 gây thêm khó khăn cho những người đứng bên lề xã hội.

Với phong trào thiện nguyện "Trả tiền trước", Arisa Phochaisarn hi vọng những bữa cơm miễn phí sẽ đến với nhiều người cần chúng. Mỗi ngày, cô và các bạn của mình dành khoảng hai giờ vào buổi tối đi đến các cửa hàng ăn, uống trong khu phố và đưa các phiếu thực phẩm trắng cho họ, để những người mua khác "trả trước" trong khả năng của họ.

Vợ chồng bà Pattawadee ‘Dao’ Boonsamak có một quầy bán cơm trứng chiên trên đường phố Bangkok. Dù làm việc 6 ngày/tuần, hơn 10 giờ mỗi ngày, họ vẫn không kiếm đủ tiền. Dịch bệnh COVID-19 khiến áp lực tài chính lên hai vợ chồng thêm nặng nề, do nhiều khách hàng của họ thậm chí không đủ khả năng mua một bữa cơm 24.000 đồng gồm cơm, trứng và thịt.

Quầy thức ăn của bà Dao tham gia chương trình trả tiền trước từ ngày 23-4. Từ đây, tiệm của bà có nhiều khách hơn và có khoảng 10 người sử dụng phiếu mỗi ngày. Bà cho biết mình chủ động lấy nhiều thức ăn hơn vào những phần ăn này.

"Những người có điều kiện không dùng các phiếu này. Những ai cần dùng gửi lời cảm ơn những người tốt bụng và chúc họ may mắn. Nhiều người trong số họ chỉ đi làm cách ngày hoặc thậm chí là hai ngày nghỉ, một ngày làm" - bà Dao cho biết.

Từ Udon Thani, anh Tanasak Phrosikun, giảng viên Đại học Udon Thani, chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng anh thích ý tưởng về phong trào "Trả tiền trước" này vì nó khá bền vững nhờ huy động được sự tham gia của nhiều thành viên trong cộng đồng. Các cửa hàng nhỏ có thể duy trì được công ăn việc làm và người mất thu nhập có thể sống qua dịch.

"Tôi biết đến phong trào "Trả tiền trước" nhờ mạng xã hội vài ngày trước. Hiện nay, trừ thủ đô Bangkok và khu vực phía nam, các vùng khác ở Thái Lan không bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Ở nơi tôi sống, phong trào này không phổ biến nhưng có các hoạt động tặng khẩu trang, tặng gạo, dầu, nhu yếu phẩm là thực phẩm cho người nghèo rất phổ biến và cũng được nhiều người ủng hộ" - anh Tanasak bộc bạch.

Khó tiếp cận hỗ trợ vì "mù" công nghệ

Chính phủ Thái Lan có chương trình hỗ trợ tiền mặt lên tới 30.000 baht (21,5 triệu đồng) trong thời gian 6 tháng cho người bị mất sinh kế vì dịch bệnh COVID-19. Hình thức đăng ký duy nhất là điền vào tờ khai trực tuyến, tuy nhiên hệ thống này quá phức tạp với hàng triệu người không biết về công nghệ.

Nhiều người còn không biết sử dụng Internet để có thể tiếp cận với chương trình. Arisa cho biết gần ký túc xá của cô có vài người phải nhịn ăn nhịn mặc số tiền 100 baht (hơn 70.000 đồng) để mua dung lượng Internet nhằm tiếp cận với gói cứu trợ.

Thái Lan sẽ ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài vô thời hạn Thái Lan sẽ ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài vô thời hạn

Bộ Lao động Thái Lan cho biết sẽ ngừng vô thời hạn việc nhập cảnh của lao động nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên