Ngày 29-3, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, GRDP quý 1 năm 2023 ước đạt khoảng 360.000 tỉ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt gần 247.000 tỉ đồng, tăng 0,70% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 0,29% của quý 1-2022).
4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm
Theo số liệu Cục Thống kê TP.HCM công bố, quý 1-2023 có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP.HCM có mức tăng trưởng âm. Đó là các ngành: vận tải kho bãi giảm 0,63%; thông tin và truyền thông giảm 2,70%; kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.
5/9 ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá như: bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ tăng 6,68%; giáo dục và đào tạo tăng 7,01%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất với 24,34% so với cùng kỳ.
Viện này nhận định con số tăng trưởng quý 1-2023 của TP.HCM không ngạc nhiên vì bối cảnh kinh tế quốc tế và khu vực tăng trưởng sẽ tiếp tục “bấp bênh”.
Trong quý này, bên cạnh những thách thức toàn cầu về đứt gãy chuỗi cung ứng xuất phát từ chiến sự Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu do chính sách tiền tệ của Mỹ và giá dầu tăng, trong tháng 3-2023 phát sinh sự kiện sự sụp đổ liên tiếp các ngân hàng lớn của Mỹ.
Mặt khác, việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát các hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu thời gian qua cũng tạo ra khó khăn chung cho cả nước. Các thành phố lớn trên cả nước cũng sẽ có mức tăng trưởng thấp chứ không riêng gì TP.HCM.
TS Lê Hoàng Anh - Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ ngân hàng - cho biết theo một số nghiên cứu của viện này trên quy mô cả nước, tăng trưởng quý 1-2023 của cả nước sẽ không được cao như các quý do tác động của nhiều yếu tố.
Ông Hoàng Anh nhận định mức tăng trưởng GRDP 0,70% của TP.HCM không bất ngờ, nhưng tăng trưởng ở con số rất thấp như vậy sẽ khá "nguy hiểm" cho mục tiêu tăng trưởng cả năm của TP là 7,5%.
Cần mức tăng trưởng vượt bậc để kéo tăng trưởng cả năm
Cũng theo ông Hoàng Anh, với mức tăng trưởng này, đòi hỏi các quý 2 và 3 năm 2023, TP phải có mức tăng trưởng vượt bậc mới có thể đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm. Tuy nhiên, theo dự báo, tình hình tăng trưởng quý 2 sẽ kém hơn quý 1. Như vậy, đòi hỏi quý 3, mức tăng trưởng GRDP phải đạt từ 15% trở lên.
"Mục tiêu này sẽ rất khó bởi kinh nghiệm cho thấy xưa nay mức tăng trưởng cao nhất của quý chỉ xoay quanh 10% trở xuống", ông Hoàng Anh nói.
Chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ ngân hàng phân tích, trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của TP được dẫn dắt bởi khu vực ngành công nghiệp - xây dựng. Đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, tăng trưởng hai khu vực này giảm sút và dự báo quý 2-2023 có thể giảm mạnh hơn do các chính sách "siết chặt" tín dụng bất động sản, tài chính…
Hiện nay, dù ngân hàng có tín hiệu giảm lãi suất, nhưng không thể ngay lập tức tác động giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, động lực từ hai khu vực này trong tăng trưởng sẽ giảm. Trong khi đó, khu vực thương mại - dịch vụ ngày càng đóng góp nhiều cho tăng trưởng GRDP của TP.
Trong quý 1-2023, ngành này cũng tăng trưởng 2,07%. Mặt khác, cùng với xu hướng phát triển công nghệ số, nền tảng trực tuyến, các doanh nghiệp đang chuyển từ kinh doanh ở các mặt bằng truyền thống sang kinh doanh trực tuyến. TP có thể tận dụng xu hướng này để tạo sự tăng trưởng ở khu vực kinh doanh - dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn nền kinh tế.
Tập trung hỗ trợ lực lượng lao động
TS Phạm Thị Thanh Xuân, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cũng cho rằng con số tăng trưởng quý 1-2023 của TP.HCM không có gì bất ngờ và đã được nhiều báo cáo dự liệu trước. Theo chuyên gia này, kịch bản sợ nhất nền kinh tế xấu đi ngoài dự kiến, còn nếu tăng trưởng thấp như dự kiến sẽ không có gì đáng ngại.
Dù vậy, bà Xuân cho rằng con số 0,70% không hề tươi sáng và áp lực tăng trưởng dồn lên quý 2, quý 3. Theo dự báo, triển vọng tăng trưởng quý 2 chưa sáng, như vậy áp lực sẽ dồn lên quý 3. Do vậy, TP phải chuẩn bị các kịch bản, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng các quý sau.
Theo đó, giải pháp bà Xuân gợi ý là tập trung hỗ trợ cho lực lượng lao động, lấy đây làm động lực tăng trưởng. Trong đó, ngoài việc giữ ổn định việc làm, việc thực hiện các công việc liên quan đến ổn định lực lượng lao động như tạo dựng nhà ở, chính sách hỗ trợ giảm giờ làm việc, giảm chi phí môi giới việc làm... cần được đẩy mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận