Doanh thu thương mại dịch vụ dù gặp rất nhiều khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng vẫn là điểm sáng đối với kinh tế xã hội năm 2020 của TP.HCM - Ảnh: T.V.N.
Số liệu kinh tế xã hội năm 2020 được Cục Thống kê TP.HCM công bố chiều 29-12 cho thấy dù chịu tác động của dịch COVID-19 trên khắp các lĩnh vực, nhưng GRDP năm 2020 của TP.HCM tăng 1,39% với sự đóng góp tăng trưởng rất nỗ lực của khối thương mại dịch vụ khi khu vực này chịu sự ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch kéo dài.
Ông Huỳnh Văn Hùng - cục trưởng Cục thống kê TP.HCM - đánh giá dù đạt mức tăng 2,17% của khu vực thương mại dịch vụ, nhưng đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Trong đó lưu trú và ăn uống giảm 33,94%, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 4,37%.
Các chỉ số sản xuất nông nghiệp, công nghiệp lần lượt giảm tương ứng 4,9% và 4% trong bối cảnh ảnh hưởng chung bởi dịch bệnh, nhưng chỉ số 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố vẫn "rướn" tăng được 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 4,5% so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp.
Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn năm 2020 được ghi nhận giảm 1,3%, tương ứng khoảng 1,22 triệu tỉ đồng. Trong đó giảm mạnh nhất rơi vào doanh thu du lịch lữ hành với 76,7% dù chỉ chiếm 0,6% (tương ứng hơn 7.400 tỉ đồng) tổng mức, doanh thu lưu trú ăn uống giảm 33,8%, chỉ đạt hơn 77.000 tỉ đồng...
Lãnh đạo Cục thống kê TP.HCM cho biết thêm do thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giãn/giảm thuế nên các nguồn thu đều hết sức khó khăn, khiến thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên giảm 14,2% và chính quyền phải cắt giảm gần 10% ngân sách chi địa phương, trong khi nhu cầu về vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng nhăm kích thích tăng trưởng rất lớn.
Đặc biệt, giá trị gia tăng ngành công nghiệp chỉ tăng 0,47% so với cùng kỳ và "khó trở lại nhịp tăng trưởng cao 7 - 7,5% như trước khi xuất hiện dịch COVID-19 do tình hình tiêu thụ, đơn hàng sản xuất giảm".
Cục Thống kê TP.HCM ghi nhận tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 ước thực hiện 352.000 tỉ đồng, đạt 86,7% dự toán. Trong đó thu nội địa khoảng 238.000 tỉ đồng (giảm 11,4%), thu từ dầu thô 10.500 tỉ đồng (giảm 52,2%), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 103.500 tỉ đồng (giảm 12,8%) so với cùng kỳ.
Tổng vốn đăng ký cấp phép mới, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài giảm 47,5%, tương ứng còn 4,36 tỉ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 tăng 2,78% so với bình quân năm 2019. Có 165.754 người nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận