Lừa đảo "gõ cửa" từng nhà, gọi từng người
Ngày 27-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc khi nói về tình trạng tội phạm an ninh mạng, lừa đảo xuyên biên giới gần như "gõ cửa" từng nhà dân.
Cử tri Trần Minh Nhật mong muốn có biện pháp giải quyết triệt để tội phạm lừa đảo có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố người nước ngoài...
Theo cử tri này, tội phạm lừa đảo không những giả dạng các đơn vị cung cấp dịch vụ công mà còn giả danh cơ quan nhà nước, chính quyền. Đây là điều rất đáng báo động vì gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội.
Tương tự, nhiều ý kiến của các cử tri lớn tuổi bày tỏ bức xúc với việc các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng tăng cường tấn công vào nhóm người lớn tuổi, gặp hạn chế về tiếp cận công nghệ thông tin.
Việc lừa đảo trên không gian mạng cũng trở nên tinh vi hơn, với số tiền chiếm đoạt rất lớn.
Cử tri kiến nghị có giải pháp phòng chống tội phạm trên không gian mạng, trong đó có việc sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, phát tán hình ảnh, phát ngôn thiếu văn hóa, nói xấu, xuyên tạc...
"Cuộc chiến" khó khăn vì máy chủ ở nước ngoài
Thiếu tướng Trần Đình Chung - phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an, đại biểu Quốc hội - cho biết vừa qua nhiều bộ ngành, đặc biệt là các cơ quan nhà nước quản lý về truyền thông đã tham mưu cho Chính phủ có nhiều sửa đổi về quy định liên quan đến vấn đề này.
Đồng thời tham mưu xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điểm, điều trong Luật Viễn thông.
"Việc các đối tượng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, tuyên truyền các thông tin xấu, độc hại nên chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo 35 từ trung ương đến địa phương để tổ chức đấu tranh, phản bác.
Đồng thời có kiến nghị, yêu cầu đối với các cơ quan cung cấp thông tin, dịch vụ xuyên biên giới phải có cam kết thực hiện theo pháp luật Việt Nam trong việc quản lý thông tin được đưa lên mạng" - Thiếu tướng Chung cho biết.
Về cơ bản, Thiếu tướng Trần Đình Chung đánh giá các cơ quan này chấp hành khá tốt. Một số nhà cung cấp dịch vụ như Google đã gỡ bỏ các bài, trang vi phạm.
Theo ông Chung, nhiều nhà cung cấp dịch vụ có máy chủ đặt tại nước ngoài nên vẫn còn có tình trạng chưa chấp hành.
Về tội phạm lừa đảo qua mạng, Bộ Công an và công an các tỉnh thành cũng thành lập lực lượng phòng chống tội phạm qua mạng, tổ chức nhiều chuyên án, triệt phá nhiều ổ tội phạm.
Cuộc chiến chung của toàn cầu
Ông Nguyễn Văn Quảng - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đánh giá việc bùng nổ thông tin, bao gồm nhiều thông tin xấu, độc hại và tình trạng lừa đảo qua mạng là thực trạng chung của toàn cầu, chứ không riêng ở nước ta.
Ông Quảng nói đây thực sự là "cuộc chiến" của mỗi quốc gia. Riêng đối với nước ta lại có thêm phần khó khăn khi đa số các đối tượng lợi dụng việc máy chủ không đặt trong nước.
"Theo đánh giá của chúng tôi, về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được các thông tin xấu độc hại xuất phát nguồn từ trong nội địa. Vừa qua cũng đã có nhiều vụ việc, đối tượng trong nước, tại thành phố bị xử lý liên quan đến việc cung cấp thông tin xấu, độc hại" - ông Quảng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận