02/03/2020 08:04 GMT+7

Toàn cầu đối mặt 'siêu bão' COVID-19

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Hàn Quốc đang là nước có tốc độ lây lan COVID-19 nhanh nhất. Chính quyền kêu gọi người dân nên ở trong nhà, cảnh báo về một "thời khắc trọng yếu" trong tuần này để nói về cuộc chiến kiểm soát dịch bệnh.

Toàn cầu đối mặt siêu bão COVID-19 - Ảnh 1.

Hoạt động trong một bệnh viện ở Turin, Ý ngày 25-2-2020 - Ảnh: ZUMA PRESS

66 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có người nhiễm virus corona chủng mới gây dịch COVID-19. Toàn thế giới có trên 87.600 người nhiễm, gần 3.000 người chết. Trong vòng 24 tiếng từ 29-2 đến 1-3, số ca nhiễm tăng thêm trên toàn cầu là hơn 1.800 ca.

Ngoài những ổ dịch mới bùng lên tại các nước như Hàn Quốc, Iran, Ý, hiện còn nhiều nước khác có thể sẽ nổi lên vì tăng ca nhiễm mới, khó kiểm soát. Thái, Mỹ, Úc đã có ca tử vong đầu tiên, Hàn Quốc đã có 20 người chết.

Cho tới lúc này, có cảm giác rất rõ là vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi chủng virus này có mặt tại khắp nơi trên thế giới. Tốc độ lây lan chóng mặt của virus corona chủng mới làm gia tăng nỗi lo ngăn dịch COVID-19.

Làm sao dập những ổ dịch nóng Hàn Quốc, Ý, Iran?

Hàn Quốc hiện đang là quốc gia có quy mô bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề nhất ngoài Trung Quốc. Số liệu cập nhật lần 2 trong mỗi ngày, đến chiều 1-3 tại Hàn Quốc đã có tổng cộng 3.736 ca nhiễm và 20 người chết.

Hàn Quốc đang là nước có tốc độ lây lan COVID-19 nhanh nhất. Chính quyền kêu gọi người dân nên ở trong nhà, cảnh báo về một "thời khắc trọng yếu" trong tuần này để nói về cuộc chiến kiểm soát dịch bệnh.

Triều Tiên là quốc gia ở ngay sát Hàn Quốc, nên khi hãng tin Yonhap của Hàn Quốc thông tin có gần 7.000 người nghi bị lây COVID-19 đang được theo dõi ở Triều Tiên, dư luận phần nào không quá bất ngờ.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ áp dụng những biện pháp miễn trừ nhân đạo với các lệnh trừng phạt kinh tế đang áp với Triều Tiên để giúp Bình Nhưỡng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên theo AFP, tới nay Triều Tiên vẫn chưa công bố ca bệnh COVID-19 nào đã được xác định.

Tại châu Âu, quốc gia điểm nóng về dịch bệnh vẫn đang là Ý với 1.128 ca nhiễm và 29 trường hợp tử vong, tính tới 1-3. Các trường trung học phổ thông và đại học tại 3 khu vực ở miền bắc nước Ý vẫn đang đóng cửa trong tuần thứ hai liên tiếp. Ý cũng là quốc gia duy nhất thuộc Liên minh châu Âu (EU) tới nay cấm các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc tới.

Đặc biệt, quốc gia có số người tử vong nhiều nhất vì COVID-19 ngoài Trung Quốc cho tới nay vẫn là Iran với 54 trường hợp, mặc dù tổng số ca nhiễm mới là 987 trường hợp.

Nhóm các nước đặc biệt lưu ý thứ 2: Mỹ, Pháp, Nhật Bản

Mỹ lo lắng hơn trước các ca bệnh COVID-19 không rõ nguồn gốc. Theo hãng tin AFP, tới ngày 1-3, giới chức y tế Mỹ đã ghi nhận thêm 4 ca lây nhiễm virus corona chủng mới giữa những người chưa từng ra nước ngoài và cũng không có tiếp xúc với người bệnh COVID-19.

Một người đàn ông ở bang Washington là người đầu tiên ở Mỹ tử vong vì bệnh COVID-19. Chính quyền Mỹ đang cân nhắc việc đóng cửa biên giới Mỹ - Mexico để ngăn dịch bệnh. Theo hãng tin Reuters, chính quyền của ông Trump cũng công bố những quy định hạn chế mới với những hành khách đã từng đến Iran và khuyến cáo người dân không tới những vùng ổ dịch ở Ý và Hàn Quốc. Washington cũng đã phải hoãn lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN dự kiến diễn ra ngày 14-3 tại Las Vegas vì ảnh hưởng dịch.

Không tăng quá nóng số ca bệnh như ở nước láng giềng Hàn Quốc, song Chính phủ Nhật Bản cũng quyết liệt hơn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng Nhật Abe Shinzo kêu gọi cộng đồng hợp tác trong "cuộc chiến khó khăn" để ngăn chặn dịch bệnh trong những tuần tới. Theo nhật báo Nikkei ngày 29-2, Chính phủ Nhật cũng đã lên kế hoạch thành lập quỹ đặc biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm nguồn trợ cấp hỗ trợ những người lao động buộc phải nghỉ làm chăm sóc con trong thời gian trường học phải đóng cửa vì dịch.

Trước diễn biến khôn lường của dịch bệnh, Chính phủ Pháp đã ban hành lệnh cấm tạm thời với các hoạt động có đông người tham gia với quy mô từ 5.000 người trở lên. Tới nay Pháp cũng bị tăng vọt số ca bệnh, lên đến 100 người nhiễm, 2 người trong đó đã chết. Thụy Sĩ cũng đã dừng mọi sự kiện có quy mô từ 1.000 người tham gia trở lên tới ngày 15-3.

Nguy cơ những vùng dịch mới

Giống như cơn bão đang di chuyển qua các châu lục toàn cầu, mỗi ngày qua đi, lại có thêm các quốc gia bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm mới virus corona. Những nước vừa có ca bệnh đầu tiên như Qatar, Ireland, Ecuador, Azerbaijan, Belarus, Iceland, Lithuania, Monaco, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Nigeria.

Lo ngại hơn khi tới nay, ngoài những ca tử vong tại các nước đã biết ngoài Trung Quốc như Nhật, Iran, đã có thêm các nước ghi nhận những ca tử vong vì COVID-19 đầu tiên là Thái Lan, Mỹ, Úc.

Trong bối cảnh dịch bệnh lan như bão, các nước cũng tăng tốc triển khai những biện pháp ứng phó tức thời để ngăn chặn đường lây lan của dịch.

Saudi Arabia dừng cấp thị thực (visa) với mọi du khách đến từ những nước bị ảnh hưởng dịch, đồng thời ngăn không cho công dân của 6 nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh tới 2 thành phố thiêng của người Hồi giáo là Mecca và Medinah.

Libăng cũng đã đóng cửa mọi trường học phổ thông và đại học, cấm nhập cảnh với những người từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và Ý tới. Chính quyền Úc đã thông báo cấm nhập cảnh với tất cả công dân nước ngoài từ Iran đến.

Dịch COVID-19 ngày 2-3: Ý tăng 50% số ca nhiễm mới Dịch COVID-19 ngày 2-3: Ý tăng 50% số ca nhiễm mới

TTO - Theo cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý (CPD), trong ngày 1-3, nước này ghi nhận thêm 5 ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19, đưa tổng số người thiệt mạng lên 34 người. Trong khi số ca nhiễm mới cũng tăng mạnh lên 1.694 trường hợp.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên