29/08/2021 10:42 GMT+7

Tình người nơi tuyến đầu chống dịch: Ba lại xa con biết đến bao giờ

BS NGUYỄN HUY TOÀN
BS NGUYỄN HUY TOÀN

TTO - Bác sĩ với nhiệm vụ chính là cứu người. Trong đại dịch COVID-19, những người làm ngành y lại càng tự đòi hỏi nhiều hơn. Hằng ngày, đằng sau bộ đồ bảo hộ tưởng chừng như lạnh lùng ấy, đội ngũ y bác sĩ cũng có bao trăn trở về lý tưởng, gia đình.


Tình người nơi tuyến đầu chống dịch: Ba lại xa con biết đến bao giờ - Ảnh 1.

Các y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển các F0 đến bệnh viện - Ảnh: DUYÊN PHAN

Và đây là chia sẻ của người bác sĩ một vợ hai con nhỏ đến 'Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19':

Ca trực 24 tiếng đồng hồ đằng đẵng mới trôi qua được 8 tiếng, tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi gọi video call với gia đình.

Anh con trai lớn khoe hôm nay làm những gì, chơi các trò chơi chi, líu la líu lô. Xong anh chàng nhẹ nhàng nhìn vào màn hình rồi bảo: "Nhớ ba, ba mau đuổi hết con COVID rồi về nha", lòng mình chùng xuống, hai mắt cay cay. Anh hai đang tuổi lên ba, cần phải uốn nắn rất nhiều để hoàn thiện tính cách và thói quen sinh hoạt, vậy mà ba lại xa con không biết đến bao giờ…

Còn bé nhỏ thì đang tập đi, mươi ngày nữa là thôi nôi - dấu mốc quan trọng của tuổi thơ, có lẽ ba sẽ không có mặt được, mọi việc chăm lo cho các con dồn hết lên vai vợ. Thấy thương vợ vô cùng.

Ngày trước, tối tối ba sẽ cho anh hai ngủ, mẹ lo em bé, giờ mẹ gồng cả 2 anh em, vất vả biết bao. Nhẹ nhàng động viên vợ cố gắng, cả nhà cùng cố gắng, mong đại dịch qua mau, gia đình lại đoàn tụ.

Vừa tắt máy, nhận ngay thông báo tiếp nhận bệnh nhân mới, SpO2 chỉ còn 60%, xét nghiệm PCR từ ngày 2-8, đang tự cách ly tại nhà, hiện đang khó thở, hô hấp khó khăn, mình lại nhanh chóng cùng các anh em lên đường đến tiếp nhận.

Trên đường đưa đến bệnh viện, bệnh nhân thở mệt hơn, lơ mơ, tình hình trở nên căng thẳng, tụi mình phải hồi sức mất gần 1 tiếng, đã 13 năm kể từ khi ra trường mình không thực hiện hồi sức tim phổi, nhưng những kiến thức đã học trên giảng đường mình nhớ rõ mồn một.

Thầm cảm ơn vì những sự khắt khe của các thầy cô trường y, quý giá vô cùng cho những giờ phút này. Tình trạng quá tải các bệnh viện trong thời gian này làm cho công việc cấp cứu bệnh nhân trở nên chậm chạp, mỗi giây trôi qua đều là cả sự cố gắng của êkip chúng mình, kéo dài từng hơi thở quý giá cho người bệnh.

May mắn làm sao, đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời và tình hình bệnh nhân cũng tốt dần lên. Mình thở phào nhẹ nhõm. Ừ thì cái nghiệp ngành y, cả nước chung tay chống dịch, mình sao có thể ngồi yên.

Về đến Trung tâm Cấp cứu 115, tháo đồ bảo hộ, chưa ráo mồ hôi lại có thêm bệnh nhân nguy cấp mới cần phải tiếp nhận, mình và anh em lại tiếp tục lên đường, rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn với một tinh thần vững vàng, mong các bệnh nhân qua cơn nguy cấp.

Ai cũng một lần tuổi trẻ, sống và cống hiến cho xứng đáng thanh xuân, mình chỉ mong góp chút sức lực nhỏ bé để cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh.

Ca trực cuối cùng cũng kết thúc, tháo đồ bảo hộ ra, cả người ướt sũng mồ hôi như bước ra từ phòng xông hơi, đôi bàn tay nhăn nheo vì đôi găng đầy nước.

Có những khoảnh khắc mình mệt mỏi cùng cực, muốn xỉu khi mặc bộ đồ bảo hộ phơi nắng suốt thời gian dài, nhưng ý chí mách bảo mình phải kiên cường hơn, mạnh mẽ chung lưng cùng anh em trên chiến tuyến này, mau chóng đẩy lùi COVID-19, mang bình an cho mọi nhà.

Và sớm thôi, gia đình mình sẽ đoàn tụ.

Tình người nơi tuyến đầu chống dịch: Ba lại xa con biết đến bao giờ - Ảnh 2.

Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Những dòng tin nhắn cuối cùng... Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Những dòng tin nhắn cuối cùng...

TTO - Trước khi chuyển bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 đi an táng thì chiếc điện thoại iPhone xanh rêu của bệnh nhân sáng màn hình. Ai đã nhắn gì cho người xấu số? Một bác sĩ trẻ đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh này.

BS NGUYỄN HUY TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên