16/08/2021 09:33 GMT+7

Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Đêm trực COVID đầu tiên

THS.BS PHAN THANH HẰNG (khoa thận - thận nhân tạo Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương)
THS.BS PHAN THANH HẰNG (khoa thận - thận nhân tạo Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương)

TTO - Sau khi chuyển xong những bệnh nhân cuối cùng đến các bệnh viện khác để chạy thận, khoa tái bố trí phòng ốc và chuẩn bị vật tư, thiết bị để sẵn sàng nhận bệnh nhân thận nhân tạo COVID.

Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Đêm trực COVID đầu tiên - Ảnh 1.

Ca trực đêm của các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý tại khoa thận - thận nhân tạo Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương - Ảnh: NVCC

Lúc ấy, số liệu cho thấy bệnh nhân COVID chạy thận mới chỉ lác đác số ít, đang được hai bệnh viện COVID khác đảm nhiệm... 

Trong khi áp lực cần nhân sự điều trị các bệnh nhân COVID thông thường ngày càng cao, do đó chỉ sau một lệnh điều động, lực lượng khoa thận - thận nhân tạo đã có mặt để nhận nhiệm vụ công tác tại một khoa bạn, nơi đang cần tập trung cao độ về nhân sự. Khi nào có nhiều bệnh nhân COVID cần chạy thận thì khoa mới triển khai nhận bệnh...

Và thời điểm ấy đến nhanh hơn dự tính, số lượng bệnh nhân COVID cần chạy thận tăng lên nhanh chóng, buộc kế hoạch triển khai lọc máu COVID phải được thực hiện ngay. Và cũng sau một lệnh điều động, toàn bộ anh em lại trở về "nhà của mình" để đón những bệnh nhân COVID đầu tiên vào khoa.

Những "cuộc họp hành lang" tại khách sạn được triệu tập để bàn bạc chia ca kíp sao cho nhập cuộc một cách nhanh nhất. Chỉ cần nhắn "họp" là anh em ló đầu ra khỏi cửa phòng để bàn bạc. Lúc thì đứng, lúc thì ngồi, lúc bệt xuống sàn cùng bàn chuyện, phân công...

Và đến 14h chiều 13-7, khoa thận - thận nhân tạo chính thức mở cửa hoạt động COVID. Chỉ sau vài tiếng, đã có rất nhiều nơi liên hệ cần chuyển bệnh.

Đến sáng hôm sau, số bệnh đã tăng gấp đôi

Đêm hôm ấy mình trực, trời mưa rất to nhưng nhiệt độ hầm hầm, chẳng mấy chốc mồ hôi ướt đẫm bộ áo bên trong PPE, mồ hôi chảy trên má, lăn xuống miệng mằn mặn... 

Cả êkip đi mở từng cái cửa, từng ngách, chỗ nào có thể mở được là mở để mong lưu thông được luồng không khí bên trong. Sau khi tìm được tuavít trong khoa, các vách kính được tháo xuống, chỉ để lại khung sắt và chấn song nên không khí thoáng hơn hẳn...

Mở cửa phòng chờ phía vỉa hè Tô Hiến Thành cho rộng và lưu thông gió, lúc này là 12h đêm, ngoài đường vắng tanh, chỉ còn ánh đèn vàng và tiếng mưa rơi ào ào, có lúc lại ngơi ngớt, tí tách. 

Mặc trên mình bộ PPE, ngắm nhìn khúc đường thân quen đó nay sao ảm đạm quá! Mọi thứ như thước phim quay chậm trở về. 

Chỗ này là cô hàng nước vỉa hè, chỗ kia là nhóm bệnh nhân đang ngồi chờ chạy thận, tiếng chào hỏi, cười đùa của những bệnh nhân "áo xanh", tay băng những vòng tròn Urgo trắng trên AVF, hình ảnh của những chiếc xe lăn, những chiếc nạng khung dò dẫm bước đi. 

Những khuôn mặt méo mó mà đáng thương nay đã không còn. Mọi người đã phân tán nơi nơi, kẻ còn người mất, người không chịu được áp lực của chi phí, của tật nguyền đã từ chối cơ hội điều trị, nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra... 

Và lòng mình cũng chùng xuống, nhưng cuộc chiến như thế này đã không thể khiến mình làm gì khác được.

Kết thúc êm đềm

Đêm ấy, đón bệnh nhân sau cùng đến khoa là một bà cụ 86 tuổi, chỉ đi chạy thận mà vô tình dương tính COVID. Bà không có người chăm sóc, chỉ xoay qua xoay lại tại giường. Họ đóng cho bà một cái tã và mặc cho bà cái áo chống dịch màu xanh trùm kín từ đầu đến chân. 

Sau khi làm thủ tục nhận bệnh, mình cầm cái kéo lại và xin bà cho cắt phăng bộ áo xanh để bà có thể mát mẻ hơn trong căn phòng không được dùng điều hòa. Lộ ra là bà cụ móm mém nhưng vẻ rất minh mẫn, bà mặc bên trong cái áo bà ba và khoác một cái áo len dày màu nâu bên ngoài, nhìn giống bà nội mình lắm. 

Bà ngoan ngoãn hợp tác giơ tay giơ chân cho mình cắt bỏ lớp áo giấy.

- Bà ơi, bà thấy mát hơn tí nào chưa? Nếu nóng quá, bà nên cởi bớt áo khoác nhé, dành riêng cho bà cái quạt đây. À, bà đã ăn gì chưa?

- Tui chưa có được ăn gì cô ơi, chiều giờ uống được một hộp sữa thôi.

- Bà để con đi xin sữa cho nhé.

Vừa nói xong là Bé Hồng nhanh chóng chạy qua khoa hồi sức và mang về một hộp sữa cho bà uống tạm. Giữa đêm khuya mưa gió thế này, uống tạm đã bà nhé, ngày mai sẽ có suất ăn đầy đủ sau.

Bà lại móm mém cười, mình đoán vậy khi nhìn vào ánh mắt đằng sau chiếc khẩu trang xanh méo xẹo. Đêm trực đầu tại khoa kết thúc êm đềm...

Trộm có... ngán COVID?

Luồng suy nghĩ bị đánh thức bởi giọng cảnh báo của Bé Hồng - điều dưỡng chung tua:

- Cẩn thận có cướp nha bác!

Mình cười cười đáp:

- Trộm giờ này đâu có ngán COVID phải không. Mình mặc đồ trắng xóa thế này trộm cũng không tha nhỉ.

Nhưng để đón được những làn gió thông khí, chấp nhận mở rộng cửa ban đêm thôi. Mới nói xong là một vị khách lạ chạy thẳng vào cửa và chui vào sau kẹt tủ. Lại giọng Bé Hồng chóe lên: "Á, chuột!" rồi vội vàng co giò lên ghế.

Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Đêm trực COVID đầu tiên - Ảnh 3.
Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Đến cuộc gọi video cũng sợ Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Đến cuộc gọi video cũng sợ

TTO - Trong đại dịch, có nhiều hành động tưởng chừng như rất khó hiểu nhưng đằng sau đó là những câu chuyện chỉ người trong cuộc mới thấu cảm.

THS.BS PHAN THANH HẰNG (khoa thận - thận nhân tạo Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên