Hàng loạt nhà mặt tiền cho thuê phải đóng cửa - Ảnh: TRẦN THẾ PHONG
Trần Thế Phong đã thừa nhận rằng như có một "định mệnh, cơ duyên đã cho tôi được hòa mình để chứng kiến và ghi lại các hình ảnh thực tế của một TP.HCM vừa oằn mình chịu đựng những thử thách trong tâm điểm đại dịch COVID-19 (năm 2021)".
Sách trình bày song ngữ Việt - Anh, khổ lớn 25x25cm, lần lượt chạm đến nhiều ngóc ngách của TP.HCM trong những tháng ngày đại dịch. Chỉ bằng các chú thích ảnh ngắn gọn, Trần Thế Phong đưa độc giả diện kiến lại không khí của TP.HCM trong những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt, gặp rất nhiều cảnh ngộ mà mỗi bức ảnh như có sức nặng của một câu chuyện.
Bạn đọc hẳn sẽ ồ à lên khi nhìn lại những con phố vắng tanh "chưa từng thấy kể từ khi mảnh đất này trở thành đô thị", nhìn những rào chắn khu phố Tây Bùi Viện, những dãy phố mặt tiền "cho thuê mặt bằng" đóng cửa hàng loạt.
Đó còn là câu chuyện muôn hình vạn trạng các kiểu tương thân tương ái giúp đỡ nhau, những khoảnh khắc sinh tử trong các bệnh viện điều trị COVID-19 và cả những giây phút thả mình xuống sàn, mặt ghế, góc phòng... của đội ngũ y bác sĩ được gọi là nghỉ ngơi hiếm hoi để tiếp tục chống dịch...
Phút nghỉ ngơi - Ảnh: TRẦN THẾ PHONG
Rồi các sắc quân phục từ nhiều nơi chi viện cho TP, những người ngược xuôi vận chuyển hàng hóa tiếp giúp bà con, những khu tập kết thực phẩm, các nhân viên cán bộ phường xã vào cuộc giúp người dân đi chợ, công việc xếp đặt hũ cốt và đại lễ kỳ siêu sau dịch..., tất cả được ghi lại một cách chỉn chu bằng cái nhìn nhân văn, chia sẻ.
Cơm cúng trước những phần tro cốt nạn nhân COVID-19 - Ảnh: TRẦN THẾ PHONG
Trần Thế Phong không chỉ để mỗi bức ảnh tự nói lên câu chuyện được lưu giữ, anh còn kết nối với nhiều người cũng chứng kiến một TP.HCM trong tâm dịch như anh. Tập sách do đó có nhiều trích đoạn ý kiến từ nhiều người, nhiều giới.
Không chỉ phát biểu cảm xúc, mỗi ý kiến còn là một hiện diện của chứng nhân: nhà báo, nghệ sĩ, nhà văn, nhân viên y tế, tình nguyện viên từ tỉnh xa đến chi viện cho TP.HCM, hay chỉ là người dân bình thường...
Bùng binh Phan Đình Phùng trong những ngày giãn cách xã hội - Ảnh: TRẦN THẾ PHONG
Có những ý kiến về chuyên môn, như nhà báo Lý Đợi chú ý đến bức ảnh chụp bùng binh Phan Đình Phùng và cho rằng đây là tác phẩm "nhiếp ảnh ý niệm" (conceptual photography) đầy thu hút, "mang những ẩn dụ mới, ngữ nghĩa mới".
Và có những người như điều dưỡng viên Phạm Hải thuộc đoàn y bác sĩ Hải Phòng chi viện cho TP.HCM ấn tượng về đồng nghiệp trong cơn đại dịch: "Chính tại nơi đây chúng ta thấm thía được tình người. Những giọt mồ hôi, những bữa cơm nuốt vội... Và có cả những nụ cười của chiến thắng".
Chia sẻ với công việc của tác giả - một phóng viên ảnh tự do - đồng nghiệp Mỹ Dung từ ban thời nay - báo Nhân Dân viết những lời cảm động: "Có lẽ anh muốn nhắc mình, nhắc người, mai này Sài Gòn có sao cũng không được phép quên những ngày tháng đã qua và cả bao hy sinh, yêu thương thầm lặng...".
Vâng, chỉ có những người bằng nhiệt tâm và đầy cảm xúc lao vào hiện thực cuộc sống cho dù là đang nguy hiểm khắc nghiệt "phi truyền thống" nhất, mới kịp mang lại cho cộng đồng, cho mai hậu những tác phẩm mang nhiều tầng ý nghĩa vượt khỏi khuôn khổ của một quyển sách như vậy.
Tác giả Trần Thế Phong sẽ khai mạc triển lãm ảnh và giới thiệu tập sách Sài Gòn COVID-19 (2021) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào lúc 18h ngày 15-4, mở cửa đến ngày 19-4-2022.
Một số ảnh của Trần Thế Phong trích từ sách:
Chăm sóc bệnh nhân COVID-19
Bữa cơm yêu thương do người dân giúp nhau
Phố Tây Bùi Viện trong những ngày phong tỏa
Điểm tập kết rau củ phục vụ người dân trong dịch COVID-19
Rao bán xe đạp vì COVID-19
An toàn cho bé
Em bé tắm nắng giữa TP.HCM vắng lặng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận