Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ qua đời
* Ông Bill Richardson, cựu nhà ngoại giao, nghị sĩ, bộ trưởng Năng lượng và thống đốc bang New Mexico của Mỹ, đã qua đời ở tuổi 75. Ông Richardson đã ghi dấu ấn trên trường thế giới bằng việc đảm bảo trả tự do cho công dân Mỹ bị giam ở nước ngoài.
Theo Hãng tin Reuters, năm 2008, ông Richardson đã nỗ lực trở thành tổng thống Mỹ gốc Tây Ban Nha đầu tiên nhưng không thành công.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, người chiến thắng vào năm 2008, đã xem ông Richardson là người có thể trở thành phó tổng thống. Năm 2009, ông Obama đề cử ông Richardson làm Bộ trưởng Thương mại, nhưng ông Richardson đã rút lui do bị điều tra một số bê bối.
Khi còn là nghị sĩ vào năm 1994, ông Richardson đã đến thăm Triều Tiên để thảo luận về hiệp định hạt nhân do bà Clinton ký kết. Khi ông đang trên đường tới, Triều Tiên đã bắn hạ một máy bay trực thăng quân sự của Mỹ xâm phạm lãnh thổ, khiến một phi công thiệt mạng và bắt giữ người còn lại.
Ông Richardson ở lại Triều Tiên nhiều tuần để thương lượng, bay về nhà cùng hài cốt của người phi công đã chết, còn người phi công sống sót được thả ngay sau đó.
Không quân Iran nhận thêm máy bay từ Nga
Theo truyền thông địa phương, Iran cho hay những chiếc máy bay này nhằm "cải thiện khả năng huấn luyện và chiến đấu của không quân".
Hãng tin Tasnim cho biết một số máy bay huấn luyện Yakovlev Yak-130 đã tới Iran, nằm ở căn cứ không quân Shahid Babaei ở Isfahan, miền trung đất nước. Yakovlev Yak-130 là một phần trong hợp đồng vũ khí với Nga mà Iran đã ký kết.
Cả Nga và Iran đều đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế về thương mại. Trong năm qua, hai nước đã tạo dựng được mối quan hệ bền chặt trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hợp tác quân sự.
Hồi tháng 3, Iran thông báo đạt thỏa thuận mua tiêm kích Sukhoi Su-35 của Nga. Ukraine và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho Nga sử dụng trong cuộc chiến chống lại Kiev.
Tháng 5, Mỹ khẳng định Iran và Nga "đang mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng chưa từng có". Kể từ tháng 8 năm ngoái, Iran đã giao cho Nga hơn 400 máy bay không người lái.
Chiến sự Ukraine
* Thêm 2 tàu ngũ cốc đi qua hành lang nhân đạo tạm thời mới trên Biển Đen. Thông tin do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ngày 2-9.
Hành lang nhân đạo tạm thời mới đã bắt đầu hoạt động từ ngày 10-8. Đối tượng sử dụng hành lang này là các tàu thương mại bị mắc kẹt tại các cảng bên bờ Biển Đen của Ukraine, chuyên chở các mặt hàng như ngũ cốc và các loại nông sản khác.
"Hai con tàu đã đi qua hành lang ngũ cốc tạm thời của chúng tôi", ông Zelensky thông báo trên mạng xã hội X (Twitter).
Nga đã phong tỏa các cảng của Ukraine kể từ khi chiến sự bắt đầu vào tháng 2-2022. Đáp lại, Ukraine công bố một "hành lang nhân đạo" ôm lấy bờ biển phía tây Biển Đen gần Romania và Bulgaria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào ngày 4-9 tại khu nghỉ dưỡng Sochi ở Biển Đen, nhằm tìm cách khôi phục thỏa thuận ngũ cốc.
Thỏa thuận này cho phép Ukraine, một nước xuất khẩu nông nghiệp lớn, vận chuyển hàng chục triệu tấn sản phẩm sang các nước khác trong thời gian chiến sự.
Nga rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 7 vừa qua sau khi nó có hiệu lực được một năm, phàn nàn rằng việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Matxcơva gặp trở ngại và không có đủ ngũ cốc của Ukraine để chuyển đến các nước có nhu cầu.
Khi người Ấn lên không gian
* Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói Ukraine đang được hầu hết những nhà lãnh đạo phương Tây, cũng như Nhật Bản, Úc và New Zealand ủng hộ. Ông Medvedev tuyên bố rằng tất cả các nhà lãnh đạo ủng hộ Ukraine "là những kẻ đồng lõa trực tiếp và rõ ràng với Đức Quốc xã".
Ông Medvedev, người đang giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nhấn mạnh rằng Matxcơva không nên mơ mộng về hòa giải với phương Tây.
Ông Medvedev trước đó đã lên án cái mà ông gọi là sự tôn vinh công khai chủ nghĩa Quốc xã ở Ukraine. Cựu tổng thống Nga chỉ ra sáng kiến kêu gọi trao Huân chương Stepan Bandera cho các quân nhân Ukraine.
Bandera là một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine khét tiếng trong Thế chiến thứ hai, tổ chức của ông chịu trách nhiệm về các vụ giết hàng loạt người Do Thái và người Ba Lan ở Ukraine.
Kiến nghị về Huân chương Stepan Bandera đã xuất hiện trên trang web chính thức của Tổng thống Ukraine Zelensky vào tháng 5. Kiến nghị đã nhận được gần 2.300 chữ ký trong số 20.000 chữ ký cần thiết.
* Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby, nói các quan chức Mỹ đang cản trở chiến dịch phản công của Ukraine bằng cách chỉ trích.
Gần ba tháng đã trôi qua kể từ khi Ukraine tiến hành cuộc phản công. Theo số liệu của Nga, Kiev đã mất 43.000 quân trong hai tháng đầu tiên của chiến dịch mà không thể xuyên thủng nhiều lớp chiến hào và công sự do Nga bố trí dọc theo toàn bộ chiến tuyến Kherson-Donetsk.
Trong suốt nhiều tuần, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Washington coi cuộc phản công là một thất bại. Các báo cáo gần đây, được cho là của các quan chức Mỹ giấu tên, đổ lỗi cho Ukraine đã phân bổ quân sai, lãng phí đạn dược và từ chối tuân theo chiến thuật quân sự của Mỹ.
"Điều này không có ích đối với nỗ lực trên chiến trường của Ukraine", ông John Kirby nói ngày 1-9.
Biểu tình phản đối Pháp ở Niger
* Hàng ngàn người biểu tình ở thủ đô Niamey của Niger, yêu cầu Pháp rút quân. Nhiều người giăng biểu ngữ: "Quân Pháp rời khỏi nước ta".
Theo Hãng tin AFP, những người biểu tình tập trung gần một căn cứ có binh lính Pháp theo lời kêu gọi của một số tổ chức dân sự.
Trước đó, ngày 1-9, chính quyền đảo chính ở Niger có phát ngôn mới nhắm vào Pháp. Cụ thể, họ cáo buộc Paris "can thiệp trắng trợn" bằng cách ủng hộ tổng thống bị lật đổ của Niger.
Tổng thống bị lật đổ, ông Mohamed Bazoum, một đồng minh của Pháp, đã bị các cận vệ bắt giữ vào ngày 26-7.
Mối quan hệ với Pháp, cường quốc thuộc địa cũ và là đồng minh của Niger trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thánh chiến, nhanh chóng xuống dốc sau khi Paris đứng về phía ông Bazoum.
Ngày 3-8, chính quyền quân sự ở Niger tuyên bố hủy bỏ các thỏa thuận quân sự với Pháp. Paris vẫn còn 1.500 binh sĩ đóng quân ở Niger và họ phớt lờ động thái từ chính quyền quốc gia Tây Phi này.
Niger còn tuyên bố trục xuất đại sứ Pháp, ông Sylvain Itte, đồng thời rút quyền miễn trừ ngoại giao. Niger cho rằng sự hiện diện của ông Itte là mối đe dọa đối với trật tự công cộng.
Thủ tướng Đức bị té
* Thủ tướng Đức Olaf Scholz bị té bị thương khi đang chạy bộ. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, ông Olaf Scholz đã phải hủy các cuộc hẹn trong ngày 3-9.
Các cuộc hẹn trong tuần tới không bị ảnh hưởng. Điều này cho thấy chấn thương của thủ tướng Đức không quá nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận