
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Matxcơva ngày 11-5 - Ảnh: REUTERS
Nga đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11-5 đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine vào ngày 15-5 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
"Không phải Nga đã cắt đứt các cuộc đàm phán vào năm 2022, mà là Kiev. Tuy nhiên chúng tôi đề xuất Kiev nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi đề nghị chính quyền Kiev nối lại các cuộc đàm phán ngay vào thứ năm (15-5), tại Istanbul", Hãng tin Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Nga.
Ông Putin cho biết đề xuất đàm phán trực tiếp nhằm mục đích "loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây ra xung đột" và "đạt được mục tiêu khôi phục hòa bình lâu dài, bền vững".
"Đề xuất của chúng tôi, như họ nói, đã được đưa ra, quyết định bây giờ tùy thuộc vào chính quyền Ukraine và những người quản lý của họ, những người dường như bị chi phối bởi tham vọng chính trị cá nhân của họ, chứ không phải bởi lợi ích của người dân", ông Putin nhấn mạnh.
Ông Putin còn tố cáo Ukraine đã cố tấn công biên giới Nga trong 3 ngày ngừng bắn do Matxcơva tuyên bố và dọa các nhà lãnh đạo đến Nga dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
Các nước ra tối hậu thư cho Nga để đồng ý ngừng bắn
Ngày 10-5, Ukraine và bốn nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ba Lan dọa sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt mới nếu Nga không chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày bắt đầu từ ngày 12-5. Nhóm này khẳng định Mỹ và các quốc gia khác ủng hộ đề xuất này.
"Chúng tôi vừa mới quyết định ủng hộ lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu vào thứ hai tuần tới, mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau cuộc họp trực tuyến của 20 nước thuộc nhóm "liên minh những nước sẵn sàng" ủng hộ Ukraine.
"Trong trường hợp lệnh ngừng bắn này bị vi phạm, chúng tôi đã nhất trí là các lệnh trừng phạt lớn sẽ được chuẩn bị và phối hợp giữa châu Âu và người Mỹ", Hãng tin AFP dẫn lời ông Macron.
Trước đó Điện Kremlin cho biết Nga sẽ "suy nghĩ kỹ" về đề xuất này, nhưng nhấn mạnh "vẫn còn rất nhiều câu hỏi" và Matxcơva "phản đối mọi áp lực".
Lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày do Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng kết thúc vào ngày 11-5.
Trong nhiều tuần, Mỹ và Ukraine đã thúc đẩy một đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày nhưng Nga vẫn chưa chấp nhận.
Ấn Độ - Pakistan tố nhau vi phạm ngừng bắn

Người dân ở Islamabad, Pakistan, ăn mừng lệnh ngừng bắn với Ấn Độ ngày 10-5 - Ảnh: REUTERS
Ấn Độ và Pakistan cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn vào sáng sớm 11-5, vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố 2 nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân đã tránh được nguy cơ chiến tranh toàn diện.
Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ cho biết lực lượng vũ trang nước này "đang đưa ra phản ứng thích đáng và đầy đủ" sau khi Pakistan "vi phạm nhiều lần" lệnh ngừng bắn.
Trong khi đó Pakistan cho biết "vẫn cam kết" thực hiện lệnh ngừng bắn và các lực lượng của họ đang xử lý các vi phạm của Ấn Độ một cách "có trách nhiệm và kiềm chế".
Một quan chức cấp cao ở Kashmir do Pakistan quản lý nói với Hãng tin AFP rằng "đấu súng liên tục đang diễn ra" trên biên giới thực tế ở khu vực tranh chấp.
Ngày 10-5, Pakistan và Ấn Độ đã nhất trí ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức sau nhiều ngày xảy ra giao tranh bằng máy bay phản lực, tên lửa, máy bay không người lái và pháo binh chết người khiến ít nhất 60 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Trung Quốc sẵn sàng trung gian cho Ấn Độ - Pakistan
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 10-5 nói Bắc Kinh ủng hộ những nỗ lực của Ấn Độ và Pakistan nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và vẫn "sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng" trong quá trình này. Theo Tân Hoa xã, ông Vương đưa ra bình luận này trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar.
Trong một cuộc gọi với Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval, ông Vương kêu gọi hai bên "giữ bình tĩnh và kiềm chế... và tránh làm leo thang tình hình".
"Trung Quốc ủng hộ và hy vọng Ấn Độ và Pakistan đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và lâu dài thông qua tham vấn", nhà ngoại giao Trung Quốc nói.
Tân Giáo hoàng Leo XIV cầu nguyện tại mộ người tiền nhiệm

Giáo hoàng Leo XIV viếng Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ngày 10-5 - Ảnh: REUTERS
Giáo hoàng Leo XIV cầu nguyện tại mộ của Giáo hoàng Francis vào ngày 10-5, 2 ngày sau khi được bầu làm lãnh đạo mới của Giáo hội Công giáo. Trang Vatican News đăng một bức ảnh chụp Giáo hoàng Leo XIV mặc áo choàng trắng quỳ trước ngôi mộ bằng đá cẩm thạch đơn giản của Giáo hoàng Francis tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, nơi các tín đồ vẫn đang xếp hàng để viếng.
Tại cuộc họp trước đó với các hồng y tại Vatican, Giáo hoàng Leo XIV đã ca ngợi "sự tận tụy phục vụ" của Giáo hoàng Francis và nói rằng Ngài sẽ đi theo con đường của người tiền nhiệm.
Mỹ - Trung đàm phán thương mại
Ngày 10-5, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer của Mỹ đã gặp Phó thủ tướng Trung Quốc He Lifeng trong cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi căng thẳng leo thang do chính sách thuế của ông Trump.
Hai bên dự kiến tiếp tục thảo luận vào ngày 11-5 tại Thụy Sĩ. "Cuộc tiếp xúc ở Thụy Sĩ là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề", Tân Hoa xã bình luận.
Sau ngày đàm phán đầu tiên, ông Trump nói rằng cuộc gặp diễn ra một cách thân thiện và mang tính xây dựng với nhiều vấn đề được thảo luận.
"Chúng tôi muốn thấy, vì lợi ích cho cả Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ. Đã có tiến bộ lớn!!!", nhà lãnh đạo Mỹ viết trên mạng xã hội Truth Social.
Lạy Phật

Một nhà sư cúi đầu trước bức tượng bên trong bảo tháp tại đền Borobudur, di tích Phật giáo lớn nhất thế giới và là Di sản thế giới được UNESCO công nhận, ở Magelang, Indonesia trước lễ Vesak - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận