Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành quyết định số 368 phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo tin tức đó, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 2 tiểu vùng: phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái, thu nhập cao; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Theo quy hoạch sẽ có 2 tiểu vùng (phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng) với một vùng động lực quốc gia (Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh);
4 cực tăng trưởng (Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng) và 5 hành lang kinh tế (2 hành lang kết nối quốc tế; 3 hành lang kết nối vùng).
Tiểu vùng phía Bắc gồm 7 tỉnh và thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Tiểu vùng phía Nam gồm 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.
Đại hạ giá khoản nợ trăm tỉ của "đại gia" năng lượng
Ngân hàng BIDV mới đây đã có thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản đối với khoản nợ của Công ty CP Năng lượng Tân Thượng.
Cụ thể, tạm tính đến ngày 23-4-2024, dư nợ đối với khoản nợ BIDV yêu cầu định giá là hơn 558 tỉ đồng, trong đó nợ gốc: 350 tỉ 5 đồng; còn lại dư nợ lãi hơn 208 tỉ đồng và khoản phí phát hành L/C (tín dụng thư) chưa trả số tiền 22.129 USD.
Tài sản bảo đảm khoản nợ là dự án Nhà máy thủy điện Tân Thượng có công suất thiết kế 22MW thuộc địa phận xã Tân Lâm, huyện Di Linh và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Năm 2017, dự án này được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 900 tỉ đồng.
Khoản nợ nêu trên của Công ty CP Năng lượng Tân Thượng từng được ngân hàng rao bán nhưng bất thành. Hồi cuối tháng 3-2023, khoản nợ được rao với giá khởi điểm 325 tỉ đồng. Trước nữa, vào cuối năm 2021, giá khởi điểm khoản nợ ở mức 458 tỉ đồng.
Công nhận thành phố Nam Định đạt tiêu chí đô thị loại II
Ngày 5-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định 379 công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính), tỉnh Nam Định đạt tiêu chí đô thị loại II.
Theo đó, thành phố Nam Định đạt tiêu chí đô thị loại II (phạm vi 120,9km2) gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Nam Định hiện hữu và huyện Mỹ Lộc hiện hữu, gồm 36 đơn vị hành chính cấp xã.
Khu vực nội thị dự kiến có diện tích là 56,38km2 gồm các phường hiện hữu và khu vực dự kiến thành lập 4 phường.
Khu vực ngoại thị dự kiến có diện tích là 64,52km2, gồm 9 xã còn lại của huyện Mỹ Lộc (Mỹ Hà, Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thành, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận).
Thành phố Nam Định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của tỉnh, có vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp với vùng thủ đô Hà Nội, đồng thời nằm tại vị trí trung tâm của tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.
Về đột phá phát triển, Nam Định sẽ phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực. Phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.
Yên Bái tổ chức lễ gắn biển Di tích lịch sử quốc gia bến Âu Lâu
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 5-5, tại phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái đã diễn ra lễ gắn biển Di tích lịch sử quốc gia bến Âu Lâu.
Đây là dịp tuyên truyền, giáo dục truyền thống kiên cường đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước của cha ông cho các thế hệ mai sau.
Nơi đây cũng sẽ trở thành "địa chỉ đỏ" để giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Di tích lịch sử bến Âu Lâu là nơi ghi dấu một thời cuộc đấu tranh chống quân xâm lược của quân và nhân dân Yên Bái cũng như của dân tộc Việt Nam.
Yên Bái đã cho xây dựng tượng đài "Bến Âu Lâu lịch sử" biểu tượng cho tinh thần yêu nước, bất khuất, chiến đấu, hy sinh của quân và dân ta trong những năm tháng lịch sử oai hùng.
Một số tin tức sự kiện đáng chú ý từ ngày 7 đến 11-5
- 7-5: Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
- Từ ngày 9 đến 12-5: tại Hà Nội, Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam
lần thứ 31 - VIETNAM MEDI-PHARM 2024
- Từ ngày 10 đến 12-5: tại Thừa Thiên Huế, Lễ kỷ niệm 15 năm vịnh Lăng Cô được
công nhận là vịnh đẹp thế giới
- 11-5: Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận