Yêu cầu được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra khi chủ trì cuộc họp nghe báo cáo điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội ngày 9-4.
Thủ đô văn hiến, văn minh
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay theo dự thảo quy hoạch đến năm 2030, thủ đô Hà Nội là thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại", nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, trung tâm hàng đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới.
Hà Nội còn là trung tâm kinh tế tài chính lớn, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ.
Đây sẽ là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Dự thảo quy hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 10,5 triệu người; tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 8,5 - 9,5%/năm; GRDP bình quân/người khoảng 13.500 - 14.000 USD.
Quy hoạch đưa ra các nhiệm vụ như giải quyết ô nhiễm các dòng sông nội đô; xử lý ô nhiễm môi trường, không khí; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ; phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải, phát triển kinh tế tuần hoàn, hành lang xanh, tăng diện tích cây xanh nội đô...
Tập trung phát triển hạ tầng giao thông công cộng, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc; cải tạo các khu chung cư cũ; bảo tồn, chỉnh trang khu phố cổ, phố cũ nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử phục vụ phát triển du lịch; khai thác không gian ngầm; xây dựng mô hình "phố trong làng"...
Nền kinh tế sẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; khai thác các không gian trên cao, văn hóa sáng tạo, không gian ngầm, không gian số...
Quy hoạch cũng tập trung giải quyết tình trạng thiếu trường lớp, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo công dân toàn cầu; phát triển các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo; nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới...
Theo đó, xác định cấu trúc không gian phát triển bao gồm 5 không gian phát triển; 5 hành lang và vành đai kinh tế; 5 trục động lực; 5 vùng kinh tế, xã hội; 5 vùng đô thị.
Thủ đô sẽ có vai trò trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).
Xử lý với những vấn đề mới như thành phố trong rừng
Kết luận, Phó thủ tướng cho rằng quy hoạch chung cần giải quyết tốt mối quan hệ với các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, giao thông, cây xanh, nông nghiệp, thủy lợi, văn hóa, giáo dục...
Trong đó, cần đánh giá kỹ lưỡng, xin chủ trương, kiến nghị hướng xử lý đối với những vấn đề mới như trong thành phố có rừng, thành phố trong rừng; xây dựng tiêu chí cụ thể về văn hóa, dịch vụ, hạ tầng, quy tắc ứng xử công cộng, môi trường…
Ông Hà cũng mong muốn quy hoạch sẽ tái hiện được một Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn với những con sông, nhất là sông Hồng và cảnh buôn bán tấp nập trên bến, dưới thuyền.
Từ đó đặt ra yêu cầu cải tạo, chỉnh trị và trả lại cho các con sông những chức năng như trước đây như không gian mặt nước, thoát nước, thoát lũ, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, vui chơi, giải trí.
Ngoài ra, cần phải giải quyết các vấn đề như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng văn hóa xã hội quá tải, tỉ lệ cây xanh, mặt nước. Gắn với đó, cần sắp xếp lại khu vực trung tâm, khắc phục tình trạng cơ quan hành chính nằm lẫn trong khu dân cư, thương mại, dịch vụ; tránh để phố cổ là phố cũ.
Với vùng nông thôn, ông nói cần tạo sự kết nối giữa nông thôn và đô thị. Nông thôn tạo thành vành đai sinh thái cho đô thị, sạch và xanh hơn, là không gian dự trữ cho phát triển.
Theo đó, thủ đô Hà Nội cần là một bộ phận của quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, điểm khởi nguồn, kết nối, trải nghiệm và lan tỏa không gian văn hóa sông Hồng, cùng với các địa phương trong vùng, như một câu chuyện về dòng chảy văn hóa, lịch sử, di sản, bản sắc, tư liệu…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận