Ước tính mỗi năm có 60.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí ở Việt Nam.

Theo cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir, chất lượng không khí ở thủ đô Hà Nội xấu nhất trong các đô thị ở Việt Nam năm 2023. Đầu tháng 3, đã có thời điểm Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Nguyệt Thu, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, cho biết vào những ngày thủ đô có cảnh báo chỉ số ô nhiễm không khí cao, bà thấy bứt rứt, bí bách khi đi ra đường.

Mặc dù bà Thu thường xuyên mang khẩu trang khi bước ra đường nhưng vẫn cảm nhận rõ bụi bay trực tiếp vô mũi, rất ngứa và khó chịu.

Vài tuần bà Thu phải "thăm" bệnh viện một lần vì ho hen, viêm mũi, viêm họng… mà không cách nào tránh khỏi.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 2.

Ô nhiễm không khí khiến tầm nhìn giảm, người dân đi lại khó khăn. Ảnh: NAM TRẦN

Bà Thu cho biết gia đình bà đã dùng máy lọc không khí từ hơn 10 năm trước. Nhà xây theo kiểu cũ nên không thể dùng máy cho cả nhà lớn mà chỉ dùng trong phòng ngủ có cửa đóng kín.

Năm 2023, gia đình chuyển đến chung cư mới, bà Thu đầu tư hệ thống cung cấp không khí tươi cho cả căn hộ tốn khoảng 200 triệu đồng.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 3.

Bà Thu cho biết gia đình hai bên nội ngoại và một số bạn bè của bà cũng sử dụng máy lọc không khí. 

Nhà nào có điều kiện thì lắp đặt hệ thống cung cấp khí tươi, những nhà khác mua một hai máy lọc không khí để trong phòng ngủ, mỗi máy có giá từ 5 - 10 triệu đồng. 

Có gia đình mua máy lọc nhập khẩu, giá vài chục triệu một máy.

Mỗi khi chất lượng không khí ở Hà Nội chuyển xấu, bà Đỗ Thị Bích (29 tuổi, quận Nam Từ Liêm) thường bị cay mắt kèm đau đầu.

Con gái bà Bích thì ho, sổ mũi, viêm họng phải uống thuốc hay đi viện khám. Nhưng theo bà Bích, họ chỉ ở nhà vào buổi tối và cuối tuần, mua máy lọc không khí để ở nhà cũng không có tác dụng mấy nên vũ khí chống ô nhiễm chủ yếu của cả nhà bà Bích vẫn là khẩu trang.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 4.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết tỉ lệ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em tại Hà Nội và TP.HCM, hai đô thị lớn có mức độ ô nhiễm không khí cao, cao hơn so với những đô thị khác trong cả nước.

Theo những nghiên cứu trước đây, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh hen suyễn ở TP.HCM là 29%, trong khi ở Cần Thơ hoặc Lâm Đồng chỉ 5%.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 5.

Trong những đợt ô nhiễm không khí, Bệnh viện Phổi trung ương cũng ghi nhận số bệnh nhân đến khám các bệnh về hô hấp gia tăng.

Theo BS Nguyễn Xuân Diễn, phó khoa khám bệnh theo yêu cầu, thời điểm giao mùa hay ô nhiễm không khí tăng, lượng bệnh nhân đến khám cao hơn khoảng 20% so với những ngày khác.

Trong đó có nhiều bệnh nhân tái hen, viêm phổi…

Theo BS Diễn, ô nhiễm không khí thông qua đường thở gây ảnh hưởng trực tiếp đến phổi làm cơn hen kịch phát, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tăng mức độ khó thở gây suy hô hấp.

Ở người khỏe mạnh bình thường, không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến tai, mũi, họng gây nên các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng hô hấp.

Ở trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch cũng tăng trong ngày ô nhiễm không khí ở mức cao.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 6.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, ô nhiễm không khí còn làm tổn hại đến da. Bác sĩ Trịnh Minh Trang, Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết vào thời điểm giao mùa, mức ô nhiễm tăng thì số bệnh nhân khám tại bệnh viện này cũng tăng. Nhiều nhất là các bệnh nhân bị viêm da dị ứng, mề đay, viêm da cơ địa.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 7.

Ô nhiễm không khí còn làm một số bệnh da kém đáp ứng điều trị nặng lên và dễ tái phát.

Các bụi mịn, siêu mịn còn tương tác với bức xạ mặt trời (các tia UV) để gây lão hóa da, tổn thương da, thậm chí gây ung thư da do tác động vào các thành phần trên da như tế bào sừng, nguyên bào sợi, tế bào hắc tố.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 8.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm khoảng 60.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí ở Việt Nam.

Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2023 nhìn nhận ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi PM2.5, đang trở thành một trong những vấn đề tác động tiêu cực đối với sức khỏe toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 9.

Ngoài ra, người lao động và cộng đồng xung quanh các cơ sở công nghiệp như khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng thường có nguy cơ mắc các bệnh như bệnh bụi phổi, viêm phế quản, bệnh điếc do tiếng ồn.

Năm 2022, GS.TS Nguyễn Văn Phước (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM) cùng các cộng sự công bố báo cáo Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân tại TP.HCM và xây dựng giải pháp bảo vệ sức khỏe người dân. 

Nghiên cứu cho thấy năm 2017 có 1.397 ca tử vong do tác động của ô nhiễm không khí, trong đó số người tử vong do bệnh tim - phổi là 841 (60,20%), bệnh IHD - bệnh tim thiếu máu cục bộ là 483 người (34,57%) và ung thư phổi 73 người (5,23%).

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng PM2.5 có ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khỏe, là nguyên nhân tử vong của 1.137 người (81,32%), sau đó đến NO2 (171 người, chiếm 12,31%) và cuối cùng là SO2 (88 người, chiếm 6,37%). Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây khoảng 13,46% số ca tử vong tại TP.HCM.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 10.
Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 11.

Các trạm quan trắc bụi tại TP.HCM từ năm 2021 đến nay đều ghi nhận lượng bụi mịn (PM2.5) vượt ngưỡng thông thường. Kết quả quan trắc giai đoạn 2021-2022 về bụi PM2.5 có khoảng 9,4% số liệu vượt các tiêu chuẩn cho phép (theo QCVN05:2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường), những thời điểm bụi mịn tăng cao này chủ yếu vào mùa khô tại các nút giao thông.

Giai đoạn năm 2022-2023, hầu hết các nút giao thông có quan trắc đều có số liệu bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, 3/7 vị trí quan trắc tại các khu dân cư có mẫu không khí có lượng bụi vượt tiêu chuẩn thông thường. Bụi mịn PM2,5 trong không khí vẫn duy trì 9,4% số liệu vượt tiêu chuẩn.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 12.

Ngoài ra, số liệu quan trắc tự động của Viện Môi trường và Tài nguyên trong thời gian từ ngày 1 đến 8-1-2024 cho thấy diễn biến của nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình từng giờ tại quận Bình Thạnh có nhiều lần vượt quy chuẩn.

Trưa 6-1, nồng độ PM2,5 cao gấp 2,4 lần so với quy chuẩn. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đánh giá vấn đề ô nhiễm không khí ở TP.HCM chủ yếu do bụi trong không khí tăng cao, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Nồng độ PM2.5 trong không khí có xu hướng đạt mức cao nhất trong khoảng thời gian từ thời điểm cuối năm kéo dài đến tháng 3 năm sau, tức vào mùa khô.

Sở này cũng nhận định các nguồn gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM là từ các phương tiện giao thông, các công trường xây dựng và việc chuyên chở vật liệu, chất thải xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp (khí thải) và các hoạt động nông nghiệp (đốt rác, đốt đồng…).

Trong đó, các hoạt động giao thông đường bộ được xem là nguồn chính gây ô nhiễm không khí (phát thải 44,8% lượng PM2.2).

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 13.

Trong danh sách thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới năm ngoái của IQAir, chỉ có mỗi Benoni (Nam Phi, đứng thứ 96) là không ở châu Á. Và phần lớn - chính xác là 83 - cái tên trong top 100 đô thị khó thở này nằm ở Ấn Độ.

Chất lượng không khí ở các thành phố Ấn Độ này đều vượt quá hướng dẫn của WHO hơn 10 lần, thậm chí 23 lần như Begusarai (đầu bảng, 118,9mg/m3).

Đứng ngay sau thành phố nửa triệu dân ở bang miền bắc Bihar này là Guwahati, Delhi và Mullanpur, trước khi Lahore (Pakistan) kết thúc top 5.

Theo báo cáo của IQAir, trên khắp Ấn Độ, hơn 1,3 tỉ người - tức 96% dân số - đang sống trong không khí có mức ô nhiễm cao hơn hướng dẫn an toàn của WHO 7 lần.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 14.

New Delhi một ngày mù mịt năm 2018. Ảnh: Reuters

Có lẽ ai cũng đã từng một lần thấy bức ảnh thủ đô New Delhi mịt mù khói bụi, bầu trời vàng đục, cảnh vật và con người mờ mờ ảo ảo.

Hầu như năm nào truyền thông quốc tế cũng có bài về chuyện ô nhiễm không khí nơi đây, và điều mãi chưa được trả lời là vì sao không có gì thay đổi.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 15.

Thật ra Ấn Độ không đến mức không làm gì. Có chăng là do lực bất tòng tâm, hay tâm chưa đủ mạnh ngay từ đầu.

Nếu chỉ tính riêng thành phố thủ đô (New Delhi đứng thứ 11 trong báo cáo thành phố ô nhiễm 2023 của IQA), nhà chức trách đã thử nhiều cách - phun nước tưới đường, giới hạn giao thông bằng quy định bảng số chẵn lẻ được phép lưu thông theo ngày xen kẽ, hay chi 2,4 triệu USD xây hai "tháp khói" khổng lồ để làm máy lọc không khí năm 2018.

Và còn một loạt hành động khác: di dời ngành ô nhiễm ra khỏi thành phố, đóng cửa nhà máy điện chạy than, cấm xe cũ lưu hành, đặt tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt và triển khai hệ giao thông công cộng bằng khí thiên nhiên.

Kết quả, trong giai đoạn 2018-2022, nồng độ PM2.5 trung bình trong tháng 11 - thời điểm "mùa ô nhiễm" bắt đầu - không tăng cũng không giảm, CNN dẫn dữ liệu từ IQA. Tháng 11-2023, New Delhi lại vọt lên đứng đầu danh sách các thành phố có không khí ô nhiễm nhất trong ít nhất 5 ngày.

Nhà chức trách dự tính dùng mưa nhân tạo để giảm bụi, nhưng các nhà khoa học không lạc quan lắm. Và suy cho cùng, "đó cũng chỉ là giải pháp tạm bợ", theo Frank Christian Hammes, CEO toàn cầu của IQA. Giải pháp cốt lõi hơn, đi thẳng vào gốc rễ của vấn đề là "ngưng đốt sinh khối và chuyển sang nhiên liệu sạch".

Nỗ lực khiến không khí dễ thở hơn của New Delhi thường được đặt cạnh "câu chuyện thành công" của một thành phố khác, cũng là thủ đô của một nước có hơn tỉ dân: Bắc Kinh.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 16.

So ở tầm quốc gia thì tương phản còn rõ nét hơn: Ấn Độ có 65 đại diện trong danh sách 100 thành phố ô nhiễm không khí nhất 2022, trong khi Trung Quốc có 16. Còn năm 2023, Ấn Độ có 83 và Trung Quốc 4.

Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực của New Delhi trong cuộc chiến với ô nhiễm không khí chưa đạt kết quả như mong đợi vì nhiều lý do như quy hoạch chưa phù hợp, chính sách thiết kế sai, thực thi chưa hiệu quả, thiếu phối hợp và các vấn đề chính trị.

Một ví dụ về có giải pháp nhưng triển khai "lệch pha": Bằng công cụ chính sách, thủ đô Ấn Độ đã giảm đáng kể lượng xe ô tô lưu thông trên đường hơn 1/3 (trong tổng số 8 triệu xe theo thống kê 2015), song thải lượng ô nhiễm không khí từ giao thông vẫn là nguyên nhân gây ô nhiễm hàng đầu vì đường phố Ấn Độ vẫn thiết kế theo hướng "thân thiện" với ô tô hơn là người đi xe đạp hay đi bộ.

Nhìn sang Bắc Kinh, sẽ thấy sự khác biệt. "[Bắc Kinh] thúc đẩy mạnh mẽ chuyện chuyển đổi từ than sang khí và năng lượng tái tạo, và dễ mua xe điện hơn là xe xăng ở đó" - Chim Lee, chuyên gia phân tích Trung Quốc của hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit, nói với Soutik Biswas, thông tín viên Ấn Độ của BBC.

Không khí ô nhiễm, sờ đâu cũng ra bệnh - Ảnh 17.
DƯƠNG LIỄU - THUỲ DƯƠNG - QUANG THẾ - TỊNH ANH - LÊ PHAN
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0