Loạt ngân hàng có lãi suất tiết kiệm giảm mạnh nhất
Trong báo cáo vừa công bố, VNDirect Research cho biết tính đến ngày 31-10, tín dụng tăng 7,39% so với đầu năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước với 11,62%. Trong khi đó tăng trưởng tiền gửi vẫn tiếp tục cải thiện dù lãi suất huy động giảm.
Một số nguyên nhân tăng trưởng tín dụng yếu, theo VNDirect Research, do khả năng trả nợ của khách hàng suy yếu, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm…
Về lãi suất huy động, tính đến ngày 24-11, bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh đã giảm về mức 5,13%/năm, giảm 0,1 điểm % so với cuối tháng 10.
Trong khi đó lãi suất huy động (lãi suất tiết kiệm) 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 4,6% đến 5,7%/năm với mức bình quân khoảng 5,14%/năm, giảm gần 0,3 điểm % so với tháng trước.
Một số ngân hàng thương mại có mức bình quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh nhất so với tháng trước bao gồm: Sacombank (-0,7 điểm %), ACB (-0,5 điểm %), SHB (-0,3 điểm %) và LPBank (-0,3 điểm %).
Thủ tướng yêu cầu tăng cường xử lý nồng độ cồn, quá tốc độ dịp Tết
Ngày 5-12, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường xử lý nồng độ cồn, quá tốc độ dịp Tết
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, ma túy, quá tốc độ, quá tải...
Đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ Tết, Thủ tướng yêu cầu giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến, không để người dân không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện…
Cùng với đó, các địa phương có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông, kịp thời giải tỏa, không để phát sinh ùn tắc kéo dài khi có sự cố, tai nạn giao thông. Nhất là thời điểm trước và ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên các tuyến trục chính ra vào nội đô Hà Nội và TP.HCM, các tuyến kết nối đến nhà ga, sân bay, bến cảng và khu vực tổ chức lễ hội xuân.
Đến năm 2025 toàn bộ xe buýt ở TP.HCM sẽ dùng vé điện tử
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM về chủ trương thuê dịch vụ cung cấp hệ thống thu soát vé tự động trên xe buýt, hướng tới mục tiêu 100% các tuyến xe buýt dùng vé điện tử.
Dự kiến trong năm 2024 thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu phương án thuê, đưa hệ thống vào khai thác năm 2025.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, những năm qua TP thực hiện chủ trương thí điểm thanh toán tự động cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đến nay đã triển khai hệ thống thanh toán tự động trên 26 tuyến xe buýt với gần 500 xe.
Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục mở rộng thẻ trên các tuyến tăng thêm khoảng 204 xe, đạt 40% xe buýt sử dụng hệ thống thanh toán tự động vào năm 2024.
TP.HCM giao Sở GTVT TP chuẩn bị 5 dự án BOT
5 dự án gồm: Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương), nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3), nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành), xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Những dự án trên được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Nguồn vốn chuẩn bị dự án từ ngân sách TP.
Trong quá trình thực hiện, Sở Giao thông vận tải TP.HCM chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với sở ngành đơn vị liên quan lập, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi. Sở này cũng sẽ thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định pháp luật khác có liên quan.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM triển khai các thủ tục đầu tư dự án tiếp theo theo đúng quy định.
Doanh nghiệp Việt - Nhật hợp tác chuyển đổi xanh cho nông nghiệp Việt Nam
Tập đoàn FPT vừa ký hợp tác cùng Faeger - công ty tiên phong phát triển nông nghiệp định hướng khử carbon tại Nhật Bản - nghiên cứu, phát triển dịch vụ tư vấn và giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Hợp tác giữa hai doanh nghiệp nằm trong nỗ lực phát triển chuyển đổi xanh giữa Việt Nam và Nhật Bản, nối tiếp các dự án trước đó về tăng trưởng carbon thấp giữa Chính phủ hai nước.
Hợp tác được kỳ vọng góp phần thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, ít phát thải carbon, tăng trưởng bền vững.
Theo dõi bệnh nhân sau ghép tạng bằng ứng dụng điện thoại
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Công ty TNHH Novartis Việt Nam vừa hợp tác triển khai chương trình "Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng", được tích hợp vào ứng dụng di động UMC Care - ứng dụng do Đại học Y Dược TP.HCM phát triển và đã có khoảng 80.000 người dùng.
Chương trình này cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sau ghép tạng; giúp bệnh nhân ghép tạng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM có thể tương tác, kết nối với bác sĩ mọi lúc, mọi nơi; hỗ trợ quy trình đăng ký và quản lý việc hiến tạng hiệu quả hơn...
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 3-2023, Việt Nam đã thực hiện được khoảng 7.500 ca ghép tạng. Tỉ lệ thành công sau ghép tức thì đạt trên 95% và thời gian bệnh nhân sống sau 5 năm đạt 85-90%.
TP.HCM dự kiến bố trí hơn 16.000 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng
UBND TP.HCM mới đây ban hành đề án "Chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP.HCM". Theo đó, TP có gần 2,4 triệu hộ dân cư, dự kiến cần 16.218 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.
Các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng như: truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm...
Mỗi cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, riêng 5 huyện ngoại thành là 550.000 đồng/người/tháng; được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (nếu chưa có) với mức hỗ trợ 300.000 đồng/người/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận