09/08/2023 20:03 GMT+7

TP.HCM làm dự án BOT trên đường trục chính theo nghị quyết 98 ra sao?

TP.HCM đang xây dựng danh mục các dự án giao thông thực hiện theo hình thức BOT trên trục đường chính đô thị, đường trên cao theo nghị quyết 98.

Quốc lộ 22 thường xuyên bị ùn tắc - Ảnh: CHÂU TUẤN

Quốc lộ 22 thường xuyên bị ùn tắc - Ảnh: CHÂU TUẤN

Ngày 9-8, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức buổi báo cáo chuyên đề tiếp nhận góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học về xây dựng các tiêu chí, danh mục tuyến đường đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) theo các cơ chế của nghị quyết 98.

5 dự án trọng điểm cửa ngõ

Theo đó, hiện TP.HCM đang triển khai các dự án mới theo hình thức BOT như đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ… 

Ngoài ra, nghị quyết 98 cũng mở ra cơ chế cho TP triển khai các dự án BOT trên trục đường chính đô thị, đường trên cao. UBND TP đã giao Sở Giao thông vận tải TP xây dựng danh mục dự án để trình HĐND TP xem xét thông qua.

Ông Trần Chí Trung - trưởng phòng kế hoạch đầu tư Sở Giao thông vận tải TP - cho biết hiện TP có 107 tuyến đường đô thị trục chính phù hợp quy hoạch có thể triển khai theo cơ chế mà nghị quyết 98 đã cho phép. Tuy nhiên thời gian của nghị quyết 98 thực hiện trong vòng 5 năm, do vậy TP phải chọn những tuyến đường cấp bách nhất, khả thi nhất để làm trước.

Qua xem xét có năm dự án được đưa ra lấy ý kiến, thảo luận. Đầu tiên là dự án quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu. Dự án thứ 2 là nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp tỉnh Long An.

Dự án thứ 3 là cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 TP.HCM. Dự án thứ 4 là mở rộng trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm). Dự án thứ 5 là xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Nhà đầu tư có ý kiến gì?

Là doanh nghiệp từng triển khai nhiều dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), ông Lê Quốc Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - cho rằng một tiêu chí rất quan trọng cần phải nghiên cứu thêm là tính khả thi của việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án. Ngoài ra cần phải xây dựng các tiêu chí, trách nhiệm các bên liên quan mới tạo sự an tâm cho nhà đầu tư.

Cũng theo ông Bình, với thời gian chỉ trong 5 năm, các dự án thực hiện theo nghị quyết 98 cần triển khai nhanh nếu không sẽ hết thời gian. Do vậy, ngoài các dự án có nguồn vốn lớn, TP cũng cần nghiên cứu thêm các dự án nhỏ từ 200 - 300 tỉ đồng nhưng có tính cấp bách và phù hợp với cơ chế trong nghị quyết.

Còn ông Lê Quốc Đạt - giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO - nói khả năng huy động vốn, tính khả thi dự án là tiêu chí cực kỳ quan trọng. Đây là yếu tố để nhà đầu tư quyết định có nên làm dự án hay không. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần sự cam kết của TP về tiến độ giải phóng mặt bằng bởi nếu chậm, rủi ro rất lớn.

Tiếp thu ý kiến, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết sẽ xây dựng các tiêu chí cụ thể để chọn danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Đầu tiên là tiêu chí trục giao thông cửa ngõ, kết nối vùng. Tiêu chí thứ 2 là ùn tắc giao thông, gây bức xúc nhất.

Tiêu chí thứ 3 là tính khả thi, khả năng hoàn vốn. Tiêu chí thứ 4 là ưu tiên các dự án mà vốn góp của Nhà nước tham gia ít nhất hoặc ngược lại vốn của nhà đầu tư tham gia nhiều nhất. Tiêu chí thứ 5 là tác động kinh tế - xã hội. 

Vấn đề này trong quá trình xây dựng nghị quyết 98, Quốc hội cũng bàn bạc, đánh giá rất nhiều, làm sao đánh giá được tác động của kinh tế - xã hội. Nếu giữa hai tuyến đường đảm bảo được bốn tiêu chí trên ngang nhau mà một trong hai tuyến có nhiều sự lựa chọn thuận lợi, ít tác động đến người dân hơn thì sẽ ưu tiên thực hiện tuyến đường này.

Về nguyên tắc thực hiện, ông Lâm cho biết dựa trên cơ sở năm tiêu chí vừa đưa ra, Sở Giao thông vận tải TP phối hợp cùng Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM rà soát, lên danh mục dự án đợt 1 để trình TP vào thứ sáu tuần này. Đồng thời sở sẽ tiếp nhận đề xuất của nhà đầu tư và rà soát để tiếp tục lên danh mục trình đợt tiếp theo.

Đầu tư hạ tầng không chờ nước đến chânĐầu tư hạ tầng không chờ nước đến chân

"Nếu chỉ chờ bố trí vốn công mới làm thì ngoài kia quốc lộ 13, quốc lộ 22 vẫn ùn tắc. Những chất vấn nhức nhối của cử tri: "Bao giờ TP mới mở rộng đường, xây cầu...?", sẽ khó sớm có câu trả lời!".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên