29/03/2023 06:28 GMT+7

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM

Một số tin tức đáng chú ý: Đề xuất thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM vào kỳ họp tháng 5; Bàn giao ứng dụng dự báo ngập cho TP Thủ Đức; TP.HCM triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2023...

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ có cơ chế đặc thù - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đề xuất thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM ở kỳ họp tháng 5

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Chính phủ nhấn mạnh TP.HCM là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Đây cũng là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới.

Tiếp tục định hướng phát triển TP.HCM đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045, cũng như thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, định hướng phát triển thành phố, Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để thay thế cho nghị quyết 54 của Quốc hội.

Các cơ chế, chính sách đặc thù bao gồm: nhóm chính sách về quản lý đầu tư, nhóm chính sách về tài chính, ngân sách; nhóm chính sách về quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường; nhóm chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược, nhóm chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhóm chính sách về tổ chức bộ máy của TP.HCM; nhóm chính sách về tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

Nghị quyết sẽ được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) theo quy trình một kỳ họp. 

Cần 312.625 tỉ đồng đầu tư cho hệ thống cảng biển đến năm 2023

Tin tức từ Bộ Giao thông vận tải cho biết bộ này đã có báo cáo về việc hoàn thiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM - Ảnh 3.

Cảng biển miền Trung - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo đó, tính đến năm 2030, tổng nhu cầu đầu tư cho hệ thống cảng biển khoảng 312.625 tỉ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng hơn 70.000 tỉ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng hơn 242.000 tỉ đồng.

Đến năm 2025, tập trung đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải (18.000 Teu). Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2 cho tàu đến 20.000 tấn giảm tải. Luồng sông Văn Úc cho tàu 10.000 tấn, luồng sông Chanh cho tàu đến 50.000 tấn.

Nhiều tuyến luồng khu vực miền Trung được ưu tiên nâng cấp như luồng vào cảng Nghi Sơn cho tàu đến 50.000 tấn, luồng Thọ Quang cho tàu đến 10.000 tấn, luồng Quy Nhơn cho tàu đến 50.000 tấn...

TP.HCM triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2023

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP.HCM.

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM - Ảnh 4.

Rau củ là một trong số nhiều mặt hàng thực phẩm nằm trong chương trình bình ổn thị trường - Ảnh: N.TRÍ

Theo đó, chương trình nhằm chủ động, đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách.

Tham gia chương trình có 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: lương thực; đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị; sữa.

Các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 23% - 31%. Các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% - 43% nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, còn có 5 nhóm hàng phục vụ học tập năm 2023 - 2024 gồm: tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày dép học sinh; dụng cụ học tập. 

Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% - 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn TP năm học 2023 - 2024.

Thời gian thực hiện chương trình là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1-4-2023 đến hết ngày 31-3-2024.

Đảm bảo an ninh tại các điểm đổi giấy phép lái xe

Tin tức từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sở này vừa đề nghị Công an quận 3 và Công an quận 12 phối hợp ngăn chặn tình hình mất an ninh trật tự tại các điểm tiếp nhận hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe tại thành phố.

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM - Ảnh 5.

Người dân thi thực hành lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Theo sở này, những năm qua, các điểm tiếp nhận hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe ở quận 3 và quận 12 có xảy ra tình trạng một số nhóm người tụ tập, chèo kéo người dân đến đổi giấy phép lái xe, hứa làm nhanh giấy tờ xe vì "có quen biết cán bộ bên sở". 

Thậm chí, các nhóm người này còn hướng dẫn thủ tục không đúng quy định, làm cho người dân rất hoang mang.

Đối với sự việc nêu trên, thời gian qua đã được các địa phương kiểm tra, xử lý nhiều lần. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa được giải quyết triệt để, khiến nhiều người dân bất bình.

Sở Giao thông vận tải đề nghị Công an quận 3, Công an quận 12 tổ chức kiểm tra, xử lý để ngăn chặn triệt để vấn đề trên nhằm lập lại tình hình an ninh trật tự, tạo niềm tin cho người dân khi đến đổi giấy phép lái xe.

Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản về việc cho ô tô chạy hai chiều trên 15 tuyến đường thuộc địa bàn quận 1, 3, 4, 5, 10, Bình Tân, Tân Bình trong khung 22h - 6h hôm sau (thay vì một chiều như hiện nay). 

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM - Ảnh 6.

Nhiều tuyến đường quận 1 sẽ được tổ chức cho ô tô đi hai chiều (thay vì một chiều như trước nay) - Ảnh: THU DUNG

Ở quận 1 có 7 tuyến đường điều chỉnh gồm: Lương Hữu Khánh (đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Bùi Thị Xuân), Mai Thị Lựu (Nguyễn Văn Giai đến Nguyễn Đình Chiểu), Ngô Văn Năm (Lê Thánh Tôn đến Tôn Đức Thắng), Nguyễn Văn Nguyễn (số nhà 23 đến Trần Quang Khải), Nguyễn Văn Thủ (Hoàng Sa đến Đinh Tiên Hoàng), Phan Kế Bính (Nguyễn Văn Thủ đến Điện Biên Phủ) và Thạch Thị Thanh (Nguyễn Hữu Cầu đến Võ Thị Sáu). 

Ở quận 3, 4, 5 và 10, các tuyến đường điều chỉnh gồm: Huỳnh Tịnh Của (từ Lý Chính Thắng đến Trần Quốc Toản), Vĩnh Khánh (Hoàng Diệu đến Tôn Đản), An Bình (Nguyễn Trãi đến Trần Hưng Đạo) và Hòa Hảo (Ngô Gia Tự đến Nguyễn Tri Phương). 

Còn trên địa bàn quận Tân Bình và Bình Tân, việc điều chỉnh giao thông áp dụng ở các tuyến: Yên Thế (giao lộ Phạm Văn Đồng - Hồng Hà đến giao lộ Phạm Văn Đồng - Bạch Đằng), Hồng Hà (giao lộ Phạm Văn Đồng - Bạch Đằng đến giao lộ Phạm Văn Đồng - Hồng Hà), Hương lộ 2 (Mã Lò đến quốc lộ 1) và Hồ Học Lãm (Kinh Dương Vương đến quốc lộ 1). 

Ngoài ra, đường Võ Thành Trang, Hồng Lạc (quận Tân Bình) tạm thời chưa điều chỉnh vì nhiều vị trí có bán kính rẽ không đảm bảo để ô tô lưu thông 2 chiều. 

Danh mục hàng trăm tuyến hạn chế đào đường trong năm 2023

TP.HCM vừa ban hành danh mục các tuyến đường, đoạn đường hạn chế thi công đào đường trong năm 2023. Theo đó có 150 tuyến đường, đoạn đường hạn chế đào đường gồm quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 13, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ…

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM - Ảnh 8.

TP.HCM hạn chế đào hàng trăm tuyến đường để đảm bảo bảo trì, sử dụng lâu dài - Ảnh: THU DUNG

Sở nhận định, những tuyến đường này đang khai thác tốt, mới nâng cấp sửa chữa nên cần hạn chế đào đường, được bảo trì để sử dụng lâu dài. 

Đối với những trường hợp cấp bách, cần thiết phải thi công đào đường trên những đoạn đường này thì phải được Sở Giao thông vận tải TP.HCM xem xét và cấp phép.

Ngoài ra, sở cũng thông báo về danh mục hơn 500 tuyến đường hạn chế thi công đào đường ban ngày, chỉ thi công đào đường ban đêm. Thời gian thi công từ 22h - 5h.

Bàn giao ứng dụng dự báo ngập cho TP Thủ Đức

Tuần này Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ sẽ bàn giao ứng dụng dự báo ngập cho TP Thủ Đức.

Theo ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, ứng dụng này nằm trong đề tài Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt đô thị dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM. 

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM - Ảnh 9.

Ngập tại đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức - Ảnh: LÊ PHAN

Nguyên lý của mô hình này là sử dụng ảnh radar thời tiết, kết hợp phương pháp đồng hóa dữ liệu cao không, ảnh mây vệ tinh, số liệu từ các trạm mặt đất để dự báo mưa. Sau đó chạy chương trình dự báo triều. 

Qua những kết quả dự báo trên, hệ thống tự động sẽ đưa ra bản đồ cảnh báo ngập, lụt. Từ đó bản đồ ngập sẽ mô tả chi tiết vùng ngập trên ứng dụng cài trong điện thoại thông minh.

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM - Ảnh 10.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 29-3. Đăng ký Tuổi Trẻ Sao đọc báo in bản E-paper TẠI ĐÂY

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM - Ảnh 11.

Tin tức thời tiết hôm nay 29-3

Tin tức sáng 29-3: Điều chỉnh giao thông 15 tuyến đường ở TP.HCM - Ảnh 12.

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông - Ảnh: KHẮC HIẾU

Tin tức sáng 28-3: Đề xuất tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã; TP.HCM Tin tức sáng 28-3: Đề xuất tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã; TP.HCM 'chấm điểm' xe buýt

Một số tin tức đáng chú ý: Đề xuất tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã; TP.HCM 'chấm điểm' xe buýt có trợ giá; Tăng cường kiểm tra, giám định chất lượng xăng dầu...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên