Các công trình giao thông sẽ giải quyết vấn đề tắc nghẽn, góp phần phát triển kinh tế - Ảnh: TỰ TRUNG
Gói thầu xây lắp các dự án giao thông trong chương trình phục hồi được hưởng cơ chế thưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc ban hành nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo nghị định được xây dựng nhằm khuyến khích nhà thầu sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu.
Nguồn tiền thưởng sẽ được lấy từ số tiền dư sau đấu thầu, tức nằm trong phạm vi gói thầu. Việc thực hiện thưởng được lồng ghép trong hợp đồng nên không phát sinh nhân lực, tài chính.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến Chính phủ kiến nghị nghị định này chỉ áp dụng cho các dự án giao thông trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Loại gói thầu cũng chỉ áp với gói thầu xây lắp, chứ không bao gồm gói thầu tư vấn giám sát, gói thầu dự án đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.
Đến năm 2025, tỉ lệ sử dụng nước sạch sinh hoạt ở đô thị đạt 95%, nông thôn đạt 65%
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh. Đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỉ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95 - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.
Kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước trong hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỉ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%.
Khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các đảo.
Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% tại các đô thị từ loại V trở lên.
Phấn đấu đến năm 2050 nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trên thế giới.
Xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số hỗ trợ sản phẩm
Trên cơ sở lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm rõ nội hàm khái niệm công nghiệp công nghệ số.
Bởi theo bộ này, việc đưa ra khái niệm về sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ là phạm vi quá rộng sẽ dẫn tới chồng chéo quản lý, khó áp dụng quy định cơ chế, tài chính ưu đãi, cần nghiên cứu, bổ sung khái niệm, tiêu chí để xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước.
Nghiên cứu có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số sản xuất sản phẩm trọng yếu, doanh nghiệp công nghệ số sản xuất sản phẩm công nghệ số ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Làm rõ việc công nghiệp công nghệ số, khu công nghệ số tập trung có thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư để đảm bảo đồng bộ với Luật đầu tư…
Cấm xe vào phố đi bộ Nguyễn Huệ để tổ chức chương trình đón năm mới 2023
Theo đó, từ 17h30 chiều 31-12 đến 1h30 sáng 1-1-2023, TP.HCM cấm xe vào đường Nguyễn Huệ (quận 1) đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Tôn Đức Thắng.
Hàng ngàn người đã tập trung xung quanh bảng đếm ngược trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) đón giao thừa năm 2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lộ trình thay thế như sau:
Hướng từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng: đường Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng hoặc hướng đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng.
Hướng từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Lê Thánh Tôn: đường Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Pasteur - Lê Thánh Tôn hoặc từ đường Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tôn.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng ra thông báo cấm các loại xe lưu thông trên phần đường dành cho xe ô tô trên đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1) nhằm phục vụ người hâm mộ bóng đá xem AFF Cup 2022.
Cụ thể, từ 18h30 - 21h30 các ngày 27 đến 30-12-2022 và các ngày 3, 6, 7, 9, 10-1-2023 cấm các loại xe lưu thông trên phần đường dành cho xe ô tô trên đường Lê Lợi.
Lộ trình lưu thông thay thế: các phương tiện lưu thông phần đường hỗn hợp theo điều tiết của lực lượng chức năng.
TP.HCM khởi công xây dựng nút giao thông An Phú
Ngày 29-12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư) cùng Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức.
Nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức - Ảnh: LÊ PHAN
Đây là một trong ba dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM được khởi công những ngày cuối năm.
Các dự án kỳ vọng sẽ giải quyết ùn tắc giao thông, hoàn thành quy hoạch, mở ra không gian mới cho thành phố phát triển.
Trước đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã khởi công dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).
Nút giao thông An Phú có mức đầu tư gần 4.000 tỉ đồng, kỳ vọng xóa điểm nghẽn giao thông căng thẳng nhất tại TP.HCM.
Đây là điểm giao cắt giữa nhiều luồng giao thông lớn như đường cao tốc đi vào đường Lương Định Của, đi xa lộ Hà Nội, đi đường Đồng Văn Cống để ra vào cảng Cát Lái và Nguyễn Duy Trinh nên thường xuyên xung đột giao thông.
Người dân TP.HCM có nhiều địa điểm để mua sắm thực phẩm Tết
Tối 27-12, tại quảng trường Hòa Bình (P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM), UBND Q.Gò Vấp phối hợp Hội Doanh nghiệp quận tổ chức lễ khai mạc chương trình "Kích cầu tiêu dùng và các sự kiện chào đón năm mới 2023". Chương trình diễn ra từ ngày 27-12 đến 31-12-2022.
Sự kiện lần này quy tụ hơn 150 gian hàng chủ yếu là nông sản, lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ, đồ uống, đồ gia dụng, nội thất, thủ công mỹ nghệ, thời trang, hóa mỹ phẩm...
Tối 27-12, chương trình kích cầu tiêu dùng tại Gò Vấp đã thu hút đông đảo người dân đến mua sắm - Ảnh: N.TRÍ
Chương trình còn có hàng loạt hoạt động nghệ thuật kéo dài xuyên suốt trong khoảng thời gian này nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân.
Ngay trong tối 27-12, chương trình kích cầu đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, đặc biệt tại nhiều cửa hàng bán thực phẩm, đặc sản Tết thường xuyên trong tình trạng nhộn nhịp.
Trong khi đó, với hơn 1.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm được bày bán, hội chợ "Tết xanh quà Việt - Xuân Quý Mão 2023" diễn ra từ ngày 27-12-2022 đến 1-1-2023 tại tòa nhà Landmark 81 (TP.HCM) cũng thu hút nhiều người dân đến mua sắm.
Sau ngày đầu diễn ra, do sức mua nhiều hơn dự kiến, nhiều gian hàng bày bán bánh kẹo, giò chả, trái cây... đã phải "châm" hàng lên kệ.
Nhiều người bán cho biết đã dự trữ lượng lớn hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm khả năng còn tăng mạnh vào dịp cuối tuần và ngày nghỉ Tết dương lịch.
Cảnh báo tai nạn do pháo cận Tết
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng để chơi.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tai nạn pháo nổ - Ảnh: BVCC
Người thứ nhất là bệnh nhân nam (16 tuổi, Bắc Giang) vào viện trong tình trạng vết thương bàn tay trái phức tạp. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân chơi pháo tự chế. Khi nam sinh đang cầm trên tay, bất ngờ pháo phát nổ gây nát bàn tay trái và chân phải.
Người thứ hai là bệnh nhân nam (15 tuổi, Nam Định). Nam sinh này bị nát bàn tay phải, gãy đốt một ngón tay phải, vết thương chảy máu phức tạp, bờ nham nhở, lộ cân cơ do pháo.
ThS.BS Nguyễn Điện Thanh Hiệp, khoa chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình, cho biết: "Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da.
Hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo".
Trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo.
"Tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ", bác sĩ Hiệp khuyến cáo thêm.
211 ca COVID-19
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.524.647 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.465 ca).
Cán bộ, nhân viên tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong lễ phát động tiêm vắc xin mũi 3, 4 tại Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 86 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.610.917 ca.
Ngày 26-12 ghi nhận 0 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.184 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 26-12 có 21.933 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 265.401.974 liều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận