Tấp nập khách bay vào TP.HCM sau Tết
Tần suất bay và sản lượng khách đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất dịp sau Tết đang liên tiếp phá kỷ lục so với dự báo trong 3 ngày qua.
Ngày 18-2 (nhằm mùng 9 tháng giêng), sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 978 chuyến bay với 153.840 lượt khách.
Tân Sơn Nhất dự báo mức "đỉnh" bay Tết đạt 150.000 lượt khách/ngày với hơn 900 chuyến bay.
Tuy nhiên, từ mùng 7 đến mùng 9 tháng giêng, lưu lượng hành khách vượt ngưỡng dự báo khi đều đạt trên 151.000 - 154.000 lượt khách, tương ứng với 950 - 978 chuyến bay/ngày.
Theo tin tức từ đại diện sân bay Tân Sơn Nhất, khách bay trong nước vẫn chiếm đa số với hơn 101.000 lượt cả đi và đến. Theo ghi nhận, tỉ lệ lấp đầy khách đạt 98 - 100%, lượng vé bán giờ chót khan hiếm.
Tổng hợp số liệu chung của thị trường, tình hình vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không dịp nghỉ Tết Giáp Thìn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 11%).
Huế "bội thu" du lịch trong dịp Tết Giáp Thìn
Theo tin tức từ thống kê của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, lượng khách ngoại tỉnh đến tham quan, vui chơi ở tỉnh này vào dịp Tết Giáp Thìn vừa qua tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
Ngày 18-2, ông Nguyễn Văn Phúc, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết kỳ nghỉ Tết vừa qua Huế đón hơn 102.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Doanh thu ngành du lịch của Huế đạt được từ kỳ nghỉ Tết vừa qua vượt hơn con số 160 tỉ đồng (tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2023).
Từ ngày 7-2 đến 15-2 có 490 chuyến bay đến và đi tại sân bay Phú Bài với tổng số hành khách là 52.200 lượt (30.200 khách đến và 22.000 khách đi).
Cũng trong thời gian này, về đường sắt có 10 đôi tàu đến và đi qua ga Huế, ước khoảng 1.100 khách/ngày.
Riêng các điểm di tích do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý trong 3 ngày đầu năm mới đã miễn vé vào cổng và đón hơn 104.682 lượt khách vào tham quan, trong đó có 12.682 khách quốc tế và 92.447 khách nội địa.
Từ ngày 13-2 trở về sau, các điểm di tích trở lại bán vé bình thường nhưng cũng đã có hơn 16.764 lượt khách vào tham quan, trong đó 4.117 lượt khách quốc tế và 12.647 lượt khách nội địa.
Theo ông Phúc, kỳ nghỉ Tết năm nay ngành du lịch Huế đã có nhiều điểm nhấn để hút du khách đến tham quan như lần đầu tiên mở cửa tham quan di tích điện Kiến Trung sau 77 năm bị phá hủy, cặp rồng triều Nguyễn là linh vật của xứ Huế năm nay tại bia Quốc Học…
"Năm 2024 hứa hẹn sẽ là một năm bùng nổ của ngành du lịch Thừa Thiên Huế với nhiều chương trình, hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival 4 mùa của Huế với điểm nhấn là kỳ lễ hội mùa hè vào tháng 4, tháng 5", ông Phúc nói.
Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn
Tin tức từ Bộ Tài chính cho biết Tết Giáp Thìn vừa qua không có hiện tượng khan hàng, sốt giá, người dân đang thay đổi thói quen sang mua sắm tiết kiệm, chi tiêu hợp lý trong dịp Tết.
Chỉ một số mặt hàng như hoa tươi thắp hương tăng hơn 40%, trái cây và gà ta thắp hương tăng 10 - 15%. Trong khi đó một số mặt hàng như cá chép đỏ hay đồ hàng mã thì sức mua kém, giá ổn định và thậm chí có thời điểm giảm.
Dịp sát Tết, giá gạo chất lượng cao, gạo nếp chỉ tăng nhẹ từ 3 - 5% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định.
Tại miền Bắc, giá gạo tẻ thường ở mức 13.500 - 20.500 đồng/kg; gạo thơm đặc biệt từ 25.000 - 35.000 đồng/kg; gạo nếp từ 20.000 - 35.000 đồng/kg (gạo nếp Hương Bảo Lạc - Cao Bằng có giá 65.000 đồng/kg).
Tại miền Nam, giá bán lẻ trên thị trường gạo trắng thường 5% tấm ở mức 15.200 - 18.500 đồng/kg, gạo thơm các loại 16.000 - 25.000 đồng/kg, gạo nếp từ 19.000 - 28.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá thực phẩm tươi sống tương đối ổn định hoặc tăng nhẹ trước Tết do nguồn cung dồi dào. So với ngày thường, giá thịt bò ổn định, có nơi giảm nhẹ; giá gà sống tăng khoảng 10.000 - 30.000 đồng/kg.
Giá heo hơi có tăng nhẹ thời điểm bắt đầu ngày ông Công ông Táo, tuy nhiên do sức mua vẫn còn hạn chế kéo theo giá thịt heo thành phẩm cũng không có biến động lớn. Giá thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn giá vẫn ổn định, có nơi thấp hơn so với giá thị trường.
Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây tại hầu hết các địa phương cơ bản ổn định, thậm chí có một số nơi giảm nhẹ do thời tiết thuận lợi cho việc trồng rau quả nên nguồn cung khá dồi dào và ổn định.
Một số tin tức sự kiện chính từ ngày 19 đến 27-2
- 19-2: Khai hội Yên Tử (Quảng Ninh).
- Từ ngày 17 đến 24-2: Tại Lai Châu, Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi.
- 21 đến 23-2: Lễ hội Lim (Bắc Ninh).
- 22 đến 24-2: Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định).
- 23-2: Khai hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).
- Từ ngày 21 đến 26-2: Tại Quảng Ninh, Giải đua thuyền buồm Clipper Race.
- 21-2: Khai hội xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang.
- Từ ngày 27-2 đến 3-3: Tại Ninh Bình, Giải bóng chuyền Cúp Hoa Lư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận