Sáng 2-2, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tái hiện lại lễ dựng nêu đón Tết bên trong Hoàng cung Huế theo đúng với lễ nghi cung đình dưới triều Nguyễn.
Dưới triều Nguyễn, lễ dựng nêu trong hoàng cung báo hiệu cho cả nước biết rằng đã bắt đầu kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, mọi công việc hành chính trên cả nước cũng dừng lại, người dân trong Kinh thành sau đó sẽ bắt đầu dựng nêu và dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cho những ngày nghỉ Tết.
Lễ dựng nêu bắt đầu bằng nghi thức rước nêu. Đoàn người gồm quân lính, kèn nhạc, cờ lọng…cùng rước một cây nêu dài hơn 15m đi từ cửa Hiển Nhơn đến Ngọ Môn, qua điện Thái Hòa rồi dừng lại tại Thế Miếu.
Cây tre được chọn làm nêu phải là cây tre thẳng, phần ngọn xum xuê…
Sau phần lễ tế nêu, vị quan chủ tế khấn lạy thần linh rồi buộc một chiếc ấn vàng, một hộp quà, một dải lụa lên phần ngọn của cây nêu. Sau đó, vị quan gõ ba hồi chiêng lớn rồi ra hiệu toàn bộ quân lính chung tay dùng hết sức kéo cây nêu nặng lên cao.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm kèm lễ nhạc cung đình nên thu hút rất đông du khách tham quan Hoàng cung Huế tham gia.
Theo quan niệm dân gian, sau ngày 23 tháng chạp âm lịch, khi ông Công, ông Táo lên chầu Ngọc hoàng thì dưới hạ giới sẽ không còn vị thần nào bảo vệ dân chúng. Để tránh sự quấy phá của các loài dạ quỷ, người dân thường dựng một cây nêu cao, bên trên buộc bùa chú…để xua đuổi tà ma.
Dưới triều Nguyễn, vào ngày 23 tháng chạp hằng năm, triều đình sẽ cho dựng nêu bên trong Hoàng cung Huế để báo với dân chúng đã đến lúc nghỉ Tết.
Cây nêu trong hoàng cung là cây nêu cao nhất nước. Người dân trong Kinh thành không được phép dựng nêu cao hơn so với cây nêu ở trong hoàng cung.
Nêu sẽ được treo đến ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch và triều đình sẽ làm lễ hạ nêu, bắt đầu cho một năm làm việc mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận