8 tháng, xuất khẩu rau quả vượt xa năm 2022
Tin tức từ thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 8-2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt 464,47 triệu USD, tăng 14,8% so với tháng trước.
Kết quả đạt được trong tháng 8 giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm đạt 3,55 tỉ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, mới qua 8 tháng nhưng kim ngạch nhóm hàng này đã vượt cả năm 2022 (năm ngoái đạt 3,36 tỉ USD).
Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, rau quả được xem là ngành hàng có sự tăng trưởng ấn tượng nhất.
Về thị trường, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất của nhóm hàng rau quả.
Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 266,25 triệu USD và tính chung 8 tháng đạt 2,26 tỉ USD, chiếm đến 63,66% kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lớn đáng chú ý khác của nhóm hàng rau quả là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Việt Nam thúc đẩy đưa nông sản sạch vào Ý
Ngày 14-9, Đại sứ Việt Nam tại Ý Dương Hải Hưng đã có buổi gặp làm việc với Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Ý (Fruitimprese), ông Marco Salvi và Tổng giám đốc Fruitimprese, ông Pietro Mauro cùng các đại diện từ Liên đoàn Giới chủ nông nghiệp Ý (Confagricoltura)...
Tại buổi làm việc, ông Dương Hải Hưng bày tỏ mong muốn Việt Nam và Ý tăng cường trao đổi, hợp tác mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản trái cây Việt Nam tại Ý như nhập khẩu trái cây tươi, đặc biệt là các loại quả như thanh long, măng cụt, vải, chanh dây, bơ, xoài, dừa...
Chủ tịch Marco Salvi cho hay Ý nhập khẩu rất nhiều hạt điều từ Việt Nam, trong khi Ý vừa là nước xuất khẩu vừa là nước nhập khẩu trái cây lớn của thế giới.
Tạm giữ lượng 'khủng' bóng đèn LED, đèn năng lượng mặt trời... xuất xứ Trung Quốc
Tin tức từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh phối hợp công an kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh V.T.K.S. (thị xã Trảng Bàng), phát hiện và tạm giữ trên 11.000 bóng đèn LED, đèn năng lượng mặt trời, mirco không dây, loa không dây, tai nghe không dây các loại... do Trung Quốc sản xuất và gần 25.000 đèn năng lượng mặt trời, đèn bàn, USB, bộ ly giữ nhiệt các loại...
Tất cả sản phẩm trên không có thông tin xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, khả năng cao đây là hàng nhập lậu.
Hộ kinh doanh trên không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cơ quan chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định.
Doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn nhà băng
Tin tức từ khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) với 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cho thấy khó khăn về nguồn vốn vẫn là "điểm nghẽn" lớn của các doanh nghiệp địa ốc.
Theo VARS, nguồn tiền từ các doanh nghiệp địa ốc phụ thuộc vào ba nguồn chính, đó là ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu bất động sản và vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, hiện cả ba kênh này đều "trục trặc".
Dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi... song doanh nghiệp và ngân hàng vẫn khó gặp nhau.
VARS đánh giá các doanh nghiệp địa ốc khó tiếp cận vốn, bởi không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường.
Trong khi đó, nhóm các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn lại đang bị vướng mắc về pháp lý.
Nhóm các doanh nghiệp đã sẵn sàng để tiếp cận nguồn vốn lại gặp khó khăn vì lãi suất vẫn đang ở ngưỡng cao.
Nhiều doanh nghiệp thậm chí chưa đủ điều kiện để có thể vượt qua vòng thẩm định hồ sơ nhằm tiếp cận nguồn vốn do vẫn còn tồn nhiều khoản nợ đọng trước đó, có nguy cơ gây rủi ro cho ngân hàng.
"Ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, cần có các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở… hay kênh khác đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài", VARS nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận