Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết như vậy tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra ngày 3-7.
Gạo và rau quả: tăng trưởng mạnh nhất
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,5 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, song chúng ta vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD.
Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 2,4 tỉ USD, cao su 1 tỉ USD, gạo 2,3 tỉ USD, rau quả 2,7 tỉ USD, hạt điều 1,6 tỉ USD, tôm 1,5 tỉ USD, sản phẩm gỗ 4 tỉ USD.
Gạo và rau quả là hai mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất. Xuất khẩu gạo tăng mạnh 22% khối lượng và 34% giá trị xuất khẩu, còn rau quả tăng tới 64%.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đã quay trở lại dẫn đầu khi chiếm 21,4% (tăng 7,7%), Mỹ đứng thứ hai, chiếm 20,2% (giảm 32,9%) và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu khi chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Hầu như xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỉ USD, ông Nguyễn Như Cường - cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, không thua kém gì các nước trên thế giới.
Theo ông Cường, ngành trồng trọt đang có xu hướng giảm diện tích để "nhường" cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, điều này có thể dẫn tới giảm sản lượng rau quả. Tuy nhiên mốc 10 tỉ USD trong tương lai hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta có các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó là gia tăng khoa học công nghệ, gia tăng chế biến thay vì xuất khẩu thô. Đồng thời cần có chiến lược và sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là rau quả.
Với giá trị xuất khẩu 2,7 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt kết quả cao như hiện nay. Nếu giữ đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay, chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỉ USD.
"Đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi. Nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, khai thác tiềm năng, mở rộng thị trường thì con số 10 tỉ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được" - ông Tiến nói.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm 2023 là nhờ nhu cầu tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc, đạt 1,2 tỉ USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm 2022, tỉ trọng xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc chiếm 63,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Trung Quốc tăng mua, trong khi Việt Nam đang vào thời vụ nhiều loại trái cây là yếu tố chính khiến xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam bứt phá trong 5 tháng đầu năm 2023.
Với nguồn cung dồi dào, nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sẽ rất khả quan nếu đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Trung Quốc theo hướng Thực hành sản xuất tốt (GAP).
Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng trưởng khả quan như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, UAE, Malaysia…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận