Đề xuất thêm biên chế cho công đoàn
Trong dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền thống nhất với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời cho phép tổng liên đoàn quyết định số cán bộ công đoàn chuyên trách theo hợp đồng trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.
Công đoàn Việt Nam lý giải cơ chế cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức công đoàn trên địa bàn theo khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội dẫn tới sự không đồng bộ.
Ví dụ hết tháng 3-2024, số biên chế cấp ủy địa phương giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ, Trung ương Đoàn, Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tính cả cấp tỉnh, huyện, xã trên 62.000 biên chế, song số biên chế công đoàn địa phương tạm giao chỉ khoảng 5.100 biên chế. Số này rất nhỏ so với hơn 16.100 biên chế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tổ chức công đoàn nêu thêm việc phân bổ biên chế do cấp ủy địa phương quyết định trong khi nguồn tài chính do công đoàn cấp trên đảm bảo.
Điều này dẫn tới thiếu đồng bộ trong phân bổ nhân lực, không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu…
Thực tế, doanh nghiệp có 1.000 lao động trở lên cần có cán bộ công đoàn chuyên trách do công đoàn trả lương theo diện hợp đồng, tạo thuận lợi khi xử lý vấn đề cán bộ, trả lương, phù hợp mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp…
Cán bộ công đoàn chuyên trách, do công đoàn quản lý, trả lương đảm bảo tiếng nói độc lập, không phụ thuộc vào doanh nghiệp, nhất là nơi đông công nhân, khi đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Liên Khương "lên đời" vào mạng lưới sân bay của thế giới
Tin tức từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - đơn vị quản lý, khai thác 22 sân bay), dự kiến trong tháng 6-2024, sân bay nội địa Liên Khương sẽ trở thành sân bay quốc tế tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đây cũng là sân bay đầu tiên của vùng Tây Nguyên.
Tại sao "lên đời" thành sân bay quốc tế quan trọng như vậy?
Trước đây, Liên Khương là sân bay nội địa, khách quốc tế đến sân bay này chủ yếu là chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến).
Mỗi chuyến bay charter đều phải xin thủ tục cấp phép, phức tạp hơn chuyến bay thương mại thường lệ.
Nếu không có chuyến bay charter, khách quốc tế muốn đến Đà Lạt sẽ phải bay đến Tân Sơn Nhất hoặc Cam Ranh, sau đó di chuyển tiếp bằng đường bộ với thời gian và chi phí tốn kém.
Chính vì chưa trở thành sân bay quốc tế, hãng bay cũng khó đưa khách đến.
Trong tháng 6 này sân bay Liên Khương nằm trong mạng lưới sân bay quốc tế sẽ thu hút hãng bay mở chuyến đi, đến các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Một hãng bay nội địa trong nước cũng cho biết sẽ mở chuyến bay quốc tế thường lệ từ Đà Lạt - Hàn Quốc 3-4 chuyến/tuần...
Theo quy hoạch từ nay đến 2030, sân bay này sẽ giữ nguyên nhà ga hành khách T1 công suất 2 triệu khách/năm, đồng thời quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 công suất khoảng 3 triệu khách/năm để phục vụ bay quốc tế.
Hiến giác mạc - một hành động nhỏ nhưng mang giá trị lớn lao
Ngày 13-6, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ra mắt ngân hàng mô và chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người và trở thành cơ sở y tế tư nhân đầu tiên thành lập chi hội.
Dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi lan tỏa thông điệp "Hiến giác mạc - một hành động nhỏ nhưng mang giá trị lớn lao".
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ hàng ngàn người bệnh đang chờ đợi một cơ hội để được nhìn thấy ánh sáng trở lại, để có thể tự mình đọc sách, ngắm nhìn gương mặt người thân, hay đơn giản chỉ là thấy được những sắc màu của cuộc sống.
Trong số đó, có không ít trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước, đang ngày ngày mong mỏi một phép màu để có thể được học tập, vui chơi như bao bạn bè đồng trang lứa.
Hiến giác mạc là một hành động cao cả, mang lại ánh sáng và hy vọng cho những người không may mất đi thị lực.
Thống kê của Bộ Y tế, hiện nay chuyên khoa mắt có 10 đơn vị có ngân hàng mô/giác mạc trên cả nước.
PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu - chủ tịch hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 - cho biết hiện nước ta có khoảng 30.000 người bị mù do các bệnh về giác mạc, trong đó một nửa bị mù cả hai mắt.
"Nhằm san sẻ sự quá tải trong hệ thống công lập, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã mạnh dạn đầu tư xây dựng phát triển lĩnh vực ghép giác mạc để góp phần cứu chữa những người bệnh giác mạc" - bà Minh Châu thông tin.
Thú vị hình ảnh hai bé sơ sinh chào đời với vòng tránh thai trong tay
Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ vừa chia sẻ hình ảnh thú vị khi đón hai bé sơ sinh chào đời khi trong tử cung của người mẹ vẫn còn vòng tránh thai.
Cả hai bé đều được sinh vào cùng một buổi sáng. Bé gái đầu tiên là con của sản phụ N.T.T. (34 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc). Trước đó, chị T. đã sinh hai bé trai và thực hiện kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp đặt vòng cách đây 5 năm.
Khoảng 6 tháng trước, chị cảm thấy người mệt mỏi nên đến viện thăm khám mới phát hiện đã mang thai gần 13 tuần.
Ngày 11-6 vừa qua, khi thai nhi được 39 tuần tuổi, chị T. nhập viện và được chỉ định phẫu thuật lấy thai, bé gái chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,6kg. Các bác sĩ sau đó đã lấy vòng tránh thai ra khỏi tử cung cho sản phụ T.
Ngay sau ca mổ này, các bác sĩ tiếp tục thực hiện phẫu thuật cho sản phụ T.T.N. (39 tuổi, trú tại Hưng Yên). Điều bất ngờ là sau khi đón bé trai chào đời khỏe mạnh nặng 3,5kg, các bác sĩ cũng tìm thấy vòng tránh thai trong tử cung của người mẹ.
Chị N. cho biết đã đặt vòng tránh thai được 11 năm và chưa từng tháo vòng ra.
ThS.BS Hoàng Thị Chung, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho cả hai sản phụ, chia sẻ thực tế không có phương pháp tránh thai nào đạt hiệu quả tránh thai tuyệt đối, phương pháp nào cũng có xác suất rủi ro.
Vì vậy, chị em phụ nữ sau khi đặt vòng tránh thai cần phải tái khám sau 1 tháng để xác định lại vòng đã đặt đúng vị trí và khám định kỳ mỗi 6 tháng. Trường hợp để vòng quá hạn hay vòng đi lạc chỗ sẽ có những nguy hiểm hoặc biến chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận