Bộ Y tế: Sẽ kỷ luật nếu không làm hết trách nhiệm gây thiếu máu kéo dài
Về tình trạng thiếu máu tái diễn tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Y tế có văn bản tối 31-10 khẳng định nếu tình trạng thiếu máu kéo dài tại địa phương, cần xem xét hình thức kỷ luật trường hợp không làm hết trách nhiệm (nếu có, trong việc mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm), ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh.
Trước đó, từ đầu tháng 6-2023, tình trạng thiếu máu tại khu vực này đã diễn ra, Bộ Y tế đã đôn đốc các địa phương hỗ trợ, tạm đáp ứng nhu cầu sử dụng máu tại khu vực.
Tuy nhiên đến 30-10, công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ vẫn chưa đủ để bệnh viện tiếp nhận và cung cấp máu đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế đề nghị Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương và các trung tâm huyết học - truyền máu xem xét nguồn máu của trung tâm, điều chỉnh, cân đối hỗ trợ một phần cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ trong vòng 2 tuần đến 1 tháng, nếu Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ vẫn chưa tự bảo đảm đầy đủ nguồn cung máu.
Bộ cũng đề nghị các đơn vị phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và các tổ chức xã hội trong việc huy động hiến máu, bảo đảm nguồn cung máu và các chế phẩm máu, dự phòng cho nhu cầu về máu của các địa phương khác trong thời gian tới.
Sở Y tế Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ chủ động liên hệ với các trung tâm huyết học - truyền máu để bảo đảm nguồn cung máu và các chế phẩm máu.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ nghiêm túc rút kinh nghiệm việc không bảo đảm nguồn cung ứng máu, ảnh hưởng đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và uy tín chung của ngành.
Cấp phép Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện phương pháp điều trị rung nhĩ mới
Phương pháp có tên "Triệt đột nhiệt lạnh điều trị rung nhĩ", ca bệnh đầu tiên triển khai ngày 31-10 cho bệnh nhân nam 39 tuổi. Thông tin từ gia đình cho biết bệnh nhân bị rung nhĩ kịch phát từ 2021. Thời gian gần đây bệnh trở nặng, các cơn rung nhĩ xuất hiện nhiều lên, bệnh nhân mệt nhiều, có triệu chứng suy tim, điều trị bằng thuốc không hiệu quả.
Các bác sĩ đã xem xét và đánh giá bệnh nhân còn trẻ tuổi, cần can thiệp sớm, nhưng lần này sử dụng phương pháp mới là bóng áp lạnh, cô lập tĩnh mạch phổi, ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tái phát. Sau can thiệp trong vòng 2 giờ, bệnh nhân phục hồi tốt.
Theo PGS Phạm Mạnh Hùng, viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, phương pháp này đã được triển khai trên thế giới từ 2013, là phương pháp an toàn, giảm thời gian thực hiện còn 50% so với thông thường. Tại Việt Nam, Viện Tim mạch Việt Nam là cơ sở y tế đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép thực hiện.
Kim ngạch xuất khẩu bưởi tăng đột biến nhờ thị trường Mỹ, New Zealand...
Theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 8 tháng đầu năm xuất khẩu bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, tăng mạnh nhất trong 5 năm qua.
Đại diện Hiệp hội Rau quả cho rằng xuất khẩu bưởi tăng mạnh nhờ Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu bưởi chính ngạch vào Mỹ, New Zealand vào cuối năm 2022. Ngoài ra, chất lượng bưởi của Việt Nam ngày càng nâng cao nên được nhiều thị trường ưa chuộng, đặc biệt là bưởi da xanh.
Như vậy, bưởi loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Mỹ (sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa).
Theo nhiều doanh nghiệp, thời gian tới, nếu Trung Quốc cho bưởi Việt được xuất chính ngạch, kim ngạch loại quả này mang lại sẽ còn tăng rất mạnh.
Hiện cả nước có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng khoảng 905.000 tấn. Vùng Tây Nam Bộ có diện tích bưởi khoảng 32.000 ha với sản lượng 369.000 tấn. Đây được xem là vùng trồng nhiều bưởi da xanh nhất.
Thị trường Mỹ và Trung Quốc dần phục hồi, xuất khẩu thủy sản quý 4 kỳ vọng 2,4 tỉ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỉ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm thu hẹp dần.
Quý 3, nhóm sản phẩm chủ lực đều có tín hiệu tích cực hơn với mức tăng trưởng âm thấp nhất. Cụ thể, xuất khẩu tôm chỉ giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2022 (quý 2 giảm 28%); cá tra giảm 12% (quý 2 giảm 41%); cá ngừ giảm gần 8% (quý 2 giảm 31%).
Theo VASEP, mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào hai thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Cả hai thị trường này đều có tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu.
Với diễn biến hồi phục dần dần từ các thị trường, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản quý 4 có thể mang về khoảng 2,4 tỉ USD (tương đương cùng kỳ năm ngoái), đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 lên 9 tỉ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận