Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội
Theo chương trình kỳ họp, sáng nay 31-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Vào buổi chiều, Quốc hội bắt đầu tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Dự kiến nội dung này sẽ kéo dài đến hết sáng thứ năm (ngày 2-11).
Cụ thể, Quốc hội thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025;
Kết quả thực hiện nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại nghị quyết số 101 của Quốc hội...
10 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đạt 43 tỉ USD
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ngày 30-10, ông Trần Thanh Nam - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết qua 10 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã đạt hơn 43 tỉ USD, gần đạt được mục tiêu 45 tỉ USD của năm 2023.
Trong đó xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nói chung đang có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt rau quả đã đạt cột mốc 5 tỉ USD, vượt kế hoạch và vượt dự báo, riêng xuất khẩu trái sầu riêng đã đạt trên 1 tỉ USD. Cuối tháng 11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục sang Trung Quốc bàn kế hoạch xuất khẩu trái cây, ưu tiên xuất khẩu trái bơ.
Trong khi đó xuất khẩu gạo đạt hơn 4 tỉ USD. Ngoài một số thị trường lớn, truyền thống như Philippines, Malaysia, Indonesia, hiện có thị trường mới như Saudi Arabia và một số quốc gia khác đang cần nhập khẩu gạo.
Thủy sản cũng đã xuất khẩu trên 7 tỉ USD. "Hiện nay xuất khẩu thủy sản đã có tín hiệu tốt, chúng ta cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại", ông Nam nói thêm.
Gần 7.000 lượt khách tham quan trụ sở HĐND - UBND TP.HCM
Tin tức từ Sở Du lịch TP.HCM cho biết tính đến hết quý 3-2023, chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TP.HCM năm 2023 đã đón 6.900 lượt khách tham quan, trở thành tour được ưa thích của các du khách khi đến thành phố.
Chương trình sẽ tiếp tục mở cửa đón người dân và khách du lịch trong hai đợt tiếp theo vào thứ bảy và chủ nhật cuối mỗi tháng 11 và tháng 12.
Với hai đợt đón khách này, ngành du lịch thành phố kỳ vọng chương trình tiếp tục là điểm nhấn trong gói kích cầu du lịch trong dịp cuối năm 2023.
Đây là chương trình tham quan không thu phí, người dân và du khách có thể đăng ký tham quan qua kênh online.
TP.HCM họp với Phó thủ tướng về dự án ngăn triều 10.000 tỉ
Tuần này, dự kiến Phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng các sở ngành liên quan sẽ có buổi họp với Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và tổ công tác về dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1.
Đây là cuộc họp quan trọng để có phương án tháo gỡ các vướng mắc cuối cùng cho dự án này. Bởi lẽ dù đã hoàn thiện hơn 90% nhưng nhà đầu tư lại hết vốn để tiếp tục thi công.
Trước đó lãnh đạo TP.HCM đã đề xuất ba phương án gỡ vướng về nguồn vốn để hoàn thiện dự án. Trong đó phương án khả thi nhất là TP sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỉ đồng) cho Quỹ đầu tư phát triển TP (HFIC) để HFIC cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình.
Sau khi công trình được nghiệm thu, TP sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT, các phụ lục hợp đồng BT đã ký. Từ đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC. HFIC sẽ hoàn trả ngân sách TP đối với khoản vốn đã nhận ủy thác.
Họp về thiết kế cải tạo chỉnh trang bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm
Tuần này Ban cán sự Đảng TP.HCM sẽ họp với các đơn vị liên quan về thiết kế cải tạo, chỉnh trang không gian bờ đông sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm, TP Thủ Đức).
Trước đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có báo cáo UBND TP.HCM các ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang, sử dụng tạm không gian bờ đông sông Sài Gòn.
Phương án sở này đưa ra là cải tạo cảnh quan, phát quang cỏ... mở ra không gian, thông thoáng bờ sông. Các cầu tàu hiện hữu được cải tạo, nâng cấp. Các vị trí bãi bồi, khu vực bán ngập nước được lắp đặt bè nổi trồng cây thủy sinh. Khu vực có rào chắn công trình sẽ kết hợp trồng cây xanh (tre trúc) phủ xanh dọc bờ sông.
Còn bãi đất trống rộng 3.500m2 khu vực giáp cầu Ba Son nghiên cứu hình thành các hoạt động vui chơi, giải trí cho người dân, kết hợp với quản lý, duy tu bảo dưỡng.
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Halal
Hôm nay 31-10, UBND TP.HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức "Diễn đàn hợp tác và phát triển về lĩnh vực sản xuất thực phẩm Halal trong khối ASEAN" tại khách sạn Grand Sài Gòn (quận 1).
Diễn đàn nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa Halal quốc tế, tăng cường các hoạt động xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo…
Trong đó, TP sẽ tập trung các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal, nhất là lĩnh vực thực phẩm và các ngành phụ trợ, hậu cần như logistics, kho bãi…
Theo UBND TP.HCM, hiện TP đã có thêm nhiều tổ hợp dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo, số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Halal ngày càng tăng cả về chất lượng lẫn số lượng.
Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai thêm các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu Halal, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm theo quy trình chuẩn chất lượng Halal.
TP.HCM cập nhật hoạt động tuyến buýt số 5, 16
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa thông báo cập nhật thông tin hoạt động trên tuyến xe buýt số 5 và 16, bắt đầu từ ngày 1-11.
Tuyến xe buýt không trợ giá số 5 (bến xe buýt Chợ Lớn - bến xe Biên Hòa): Mỗi ngày có 48 chuyến, mỗi chuyến chạy khoảng 100 phút, từ 30 - 50 phút có một chuyến. Chuyến đầu xuất bến xe Chợ Lớn lúc 5h, chuyến cuối 17h50. Còn chuyến đầu xuất bến xe Biên Hòa lúc 4h50 và chuyến cuối lúc 17h50.
Lượt đi: bến xe buýt Chợ Lớn - đường Lê Quang Sung - Nguyễn Hữu Thận - Tháp Mười - Phú Hữu - Tạ Uyên - Nguyễn Chí Thanh - Ngô Gia Tự - Vĩnh Viễn - Lê Hồng Phong - Trần Phú - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 - quốc lộ 1 - quốc lộ 1K - Nguyễn Ái Quốc - bến xe Biên Hòa.
Lượt về: bến xe Biên Hòa - đường Nguyễn Ái Quốc - quốc lộ 1K - quốc lộ 1 - quốc lộ 13 - Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai - Phùng Khắc Khoan - Trần Cao Vân - Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh - Tạ Uyên - Phú Hữu - bến xe buýt Chợ Lớn.
Tuyến xe buýt có trợ giá số 16 (bến xe buýt Chợ Lớn - bến xe buýt Tân Phú): Mỗi ngày có 70 chuyến, mỗi chuyến chạy 55 phút, giãn cách 20 - 30 phút. Chuyến đầu tiên xuất bến lúc 5h, chuyến cuối lúc 18h30.
Lượt đi: bến xe buýt Chợ Lớn - đường Lê Quang Sung - Nguyễn Thị Nhỏ - Hồng Bàng - Tân Hòa Đông - Trương Phước Phan - Chiến Lược - Đất Mới - Hương lộ 2 - Mã Lò - Tân Kỳ Tân Quý - hẻm 414 Tân Kỳ Tân Quý - Bờ Bao Tân Thắng - Lê Trọng Tấn - Dương Đức Hiền - Chế Lan Viên - Trường Chinh - bến xe buýt Tân Phú.
Lượt về: bến xe buýt Tân Phú - đường Trường Chinh - Cộng Hòa - (quay đầu tại giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa) - Trường Chinh - Chế Lan Viên - Dương Đức Hiền - Lê Trọng Tấn - Bờ Bao Tân Thắng - D2 (đường Tân Quý) - Tân Kỳ Tân Quý - Mã Lò - Hương lộ 2 - Đất Mới - Chiến Lược - Trương Phước Phan - Tân Hòa Đông - vòng xoay Phú Lâm - Hồng Bàng - Nguyễn Trãi - Phú Hữu - bến xe buýt Chợ Lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận