Xe kéo một người đàn ông bằng thuyền kayak trên đường phố bị ngập do bão Ian ở TP Key West, bang Florida, chiều 28-9 (giờ địa phương) - Ảnh: AP
* Một trong những cơn bão mạnh nhất tấn công Mỹ. Theo Hãng tin AP, bão Ian đã đổ bộ vào bang Florida (đông nam nước Mỹ) vào ngày 28-9, tấn công bờ biển với sức gió 241km/h, là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Mỹ. Đường phố ngập lụt, cây đổ dọc theo bờ biển, nhiều người dân bị mắc kẹt trong nhà... Chính quyền đã cảnh báo khoảng 2,5 triệu dân sơ tán khỏi khu vực tây nam bang Florida trước khi bão đổ bộ.
"Tôi thực sự không thể chống chọi với gió. Mưa rơi như kim châm. Con phố của tôi biến thành một dòng sông. Cây cối đổ rạp. Và điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa đến" - một người dân tên Mark Pritchett sống ở TP Venice, tây nam bang Florida, chia sẻ về khoảnh khắc ông bước ra ngoài ngôi nhà của mình vào khoảng thời gian cơn bão cấp 4 này đổ bộ.
* Mỹ tuyên bố "không bao giờ" công nhận vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga. Theo AFP, đồng thời Nhà Trắng cho biết Washington đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế mới áp lên Matxcơva khi Nga đang có những nỗ lực nhằm sáp nhập các phần lãnh thổ của Ukraine vào Nga.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận những nỗ lực sáp nhập không hợp pháp này" - thư ký báo chí Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên ngày 28-9, sau khi Matxcơva nói rằng các khu vực của Ukraine do Nga kiểm soát đều đã bỏ phiếu để sáp nhập vào Nga.
* Số du học sinh Trung Quốc ở Mỹ giảm lần đầu tiên trong 10 năm. Theo Thời báo Hoàn Cầu, báo cáo thường niên công bố vào ngày 28-9 của Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG) ở Bắc Kinh cho biết số du học sinh Trung Quốc ở Mỹ trong năm học 2020 - 2021 đã sụt giảm lần đầu tiên trong 10 năm, giảm 14,6% so với năm học 2019 - 2020. Số du học sinh Trung Quốc ở Úc cũng giảm, với mức giảm 11,9% vào năm 2021 và 9,9% vào năm 2020.
Hiện nay quan hệ Mỹ - Trung và Úc - Trung đều đang căng thẳng. Báo cáo nói trên cho rằng du học sinh Trung Quốc có thể sẽ chọn học ở các nước châu Âu và châu Á thay vì Mỹ hoặc Úc trong tương lai do các yếu tố địa chính trị.
Tổng thống Biden tại cuộc họp báo ngày 28-9 - Ảnh: AFP
* Ông Biden gọi tên nữ nghị sĩ đã chết 2 tháng trước. Theo Hãng tin AFP, tình huống này xảy ra tại cuộc họp báo thường nhật ở Nhà Trắng ngày 28-9. Khi nói đến chủ đề béo phì và an ninh lương thực, Tổng thống Joe Biden bảo "Jackie đâu rồi?" và như có ý tìm kiếm người này trong phòng họp.
Jackie là tên gọi của nữ nghị sĩ Jackie Walorski, thuộc Đảng Cộng hòa, đại diện bang Indiana. Bà Jackie là người tranh đấu cho nạn thiếu thực phẩm nhưng bà đã mất cách đây gần 2 tháng trong một tai nạn giao thông.
Thông cáo chia buồn của Nhà Trắng khi đó còn dẫn lời vị tổng thống 79 tuổi chia sẻ "bị sốc và đau buồn" vì thông tin tai nạn với bà Jackie.
* Nga không cấp hộ chiếu cho lính dự bị động viên. Hãng tin AFP dẫn thông tin công bố trên một cổng thông tin Chính phủ Nga ngày 28-9 cho biết nước này sẽ không cấp hộ chiếu cho những người Nga được triệu tập theo lệnh động viên. "Nếu một công dân được triệu tập đi nghĩa vụ quân sự hoặc nhận được giấy triệu tập (để động viên), người này sẽ không được cấp hộ chiếu" - cổng thông tin này nêu.
* Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 1,1 tỉ USD cho Ukraine. Theo Hãng tin AFP, Mỹ công bố khoản viện trợ này vào ngày 28-9, trong đó có hệ thống tên lửa Himars, đạn dược, hệ thống chống máy bay không người lái (UAV), radar, xe bọc thép...
Gói vũ khí mới này đã đưa tổng viện trợ quân sự từ Mỹ dành cho Ukraine kể từ ngày 24-2 (ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine) lên tới 16,2 tỉ USD.
Lực lượng dự bị của Nga gặp nhau tại một điểm tập trung theo lệnh động viên một phần, nhằm hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, tại thị trấn Volzhsky thuộc vùng Volgograd, Nga ngày 28-9 - Ảnh: REUTERS
* Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp về vụ rò rỉ hai đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic. "Chủ tịch Hội đồng Bảo an hiện tại là Pháp đã thông báo với chúng tôi hôm nay rằng Nga đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp về vụ rò rỉ Nord Stream và cuộc họp này đang được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 30-9" - Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết trước báo giới ngày 28-9.
Giữa nghi vấn vụ rò rỉ hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 (được phát hiện đầu tuần này) có thể do hành vi phá hoại, cả Mỹ và Nga đều đã phủ nhận trách nhiệm. Ngày 28-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói Tổng thống Mỹ Joe Biden "phải trả lời" liệu Washington có đứng sau vụ rò rỉ này hay không.
* Armenia và Azerbaijan cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Ngày 28-9, Armenia và Azerbaijan đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn từng giúp chấm dứt đợt giao tranh đẫm máu kéo dài 2 ngày hồi giữa tháng 9. Đây là đợt vi phạm thứ 2 chỉ trong vòng 5 ngày qua.
Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, vào khoảng 18h giờ địa phương, các đơn vị của Armenia bắt đầu nổ súng vào những vị trí của Azerbaijan tại khu vực Kalbajar, làm một binh sĩ bị thương. Phía Azerbaijan thông báo đã đáp trả.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia đưa ra một thông báo trái ngược, cáo buộc các lực lượng Azerbaijan đã bắn súng cối và sử dụng vũ khí cỡ lớn về phía những vị trí của Armenia gần biên giới chung, buộc Armenia phải bắn trả.
Sau đợt giao tranh ác liệt cách đây 2 tuần khiến gần 200 binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng trong đợt bùng phát bạo lực dữ dội nhất kể từ sau cuộc chiến 6 tuần cuối năm 2020, Armenia và Azerbaijan đã chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian.
* Tổng thống Ukraine nhờ Canada rà phá bom mìn Nga. Ngày 28-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã kêu gọi Canada bắt đầu nỗ lực chưa từng có nhằm loại bỏ bom mìn ở Ukraine sau cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài 7 tháng qua. Chia sẻ sau khi trao đổi với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ông Zelensky nói rằng Canada có công nghệ phù hợp để hỗ trợ trong vấn đề này.
"Tôi đã mời Thủ tướng Trudeau dẫn đầu một nỗ lực toàn cầu để rà phá bom mìn và đạn pháo của Nga trên vùng đất của chúng tôi. Do hậu quả của chiến tranh, lãnh thổ của Ukraine là một trong những nơi tập trung nhiều bom mìn nhất trên thế giới" - ông Zelensky nói.
Lớp học ở Syria
Một em trai đang vui vẻ đọc cuốn sách đã bị cháy sém một góc. Các em học sinh khác đang chăm chú nghe thầy giáo hướng dẫn trong lớp học. Đó là không khí trong buổi học ngày 26-9 ở ngôi trường dựng tạm tại khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát thuộc thị trấn Tadif, cách Aleppo khoảng 32km của Syria - Ảnhh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận