03/10/2022 06:45 GMT+7

Tin sáng 3-10: Đơn kiện chủ tịch UBND về hành chính tăng gấp đôi; 'Sót' đối tượng thu xả thải

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Giai đoạn 2019-2021, đơn kiện chủ tịch UBND và UBND về quyết định hành chính tăng gấp đôi so với giai đoạn 2015-2017; Đề án thu phí khí thải bị kêu là sót nhiều đối tượng xả thải lớn cần thu phí; Giá hồ tiêu xuống rất thấp... là tin đáng chú ý.

Tin sáng 3-10: Đơn kiện chủ tịch UBND về hành chính tăng gấp đôi; Sót đối tượng thu xả thải - Ảnh 1.

Phương tiện giao thông, cơ sở sản xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu, dầu diesel, than đá...) là nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí lớn

Đề án thu phí khí thải bỏ qua nhiều đối tượng xả thải lớn

Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường văn bản góp ý bổ sung, hoàn thiện đề án phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (đề án thu phí khí thải). 

Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020 cho biết nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí (bụi NO2, SO2, CO, O3) lớn là cơ sở sản xuất, phương tiện giao thông sử dụng xăng dầu, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, than nâu, than antraxit, than mỡ và than đá. 

Tuy nhiên, đề án do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng lại đề xuất miễn phí bảo vệ môi trường các trường hợp này. Bộ Tài chính cho rằng đề án thu phí khí thải đã bỏ qua đối tượng xả thải lớn gây ô nhiễm môi trường, chưa phù hợp quy định của Luật bảo vệ môi trường, chưa bám sát quy định đối tượng được miễn phí theo quy định của điều 8 Luật phí, lệ phí.

Cũng theo Bộ Tài chính, đề án chưa đánh giá định tính, cụ thể tác động; chưa dự kiến số lượng đối tượng diện nộp phí; mức phí tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh thế nào; có đủ tác động làm thay đổi hành vi của người xả thải; số phí dự kiến thu được sử dụng vào những nội dung gì nhằm khắc phục, bảo vệ môi trường...

Hơn 21.000 quyết định, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị khởi kiện

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND gửi đại biểu Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 3 năm 2019 - 2021, cả nước có 21.038 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị khởi kiện, chiếm 9% trên tổng số khiếu nại hành chính.

So với giai đoạn trước (2015 - 2017), tình hình khiếu kiện hành chính trong 3 năm 2019 - 2021 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện tăng so với giai đoạn trước (tăng 9.858 về số lượng quyết định, hành vi bị khiếu kiện, tăng 3,1% về tỉ lệ tính trên tổng số khiếu nại hành chính).

Trước đó, giai đoạn 2015 - 2017 có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị khởi kiện, chiếm 5,9% trên tổng số khiếu nại hành chính.

Tin sáng 3-10: Đơn kiện chủ tịch UBND về hành chính tăng gấp đôi; Sót đối tượng thu xả thải - Ảnh 2.

Người trồng thu hoạch tiêu - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Giá tiêu xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay

Thông tin từ nhiều nhà vườn, giá hồ tiêu (loại đen khô) hiện ở mức 62.000 - 64.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với tháng 3 và là mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, chưa kể khả năng giá mặt hàng này sẽ còn giảm thêm

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 2-10, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết giá hồ tiêu có xu hướng giảm liên tục trong thời gian gần đây chủ yếu do Brazil đang vào vụ thu hoạch nhưng mức tiêu thụ mặt hàng này trên thế giới lại giảm, đặc biệt nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc không khởi sắc.

"Lạm phát tăng tại nhiều quốc gia khiến người dân thắt chặt chi tiêu, trong khi nhiều doanh nghiệp gặp áp lực với lãi suất ngân hàng tăng cao buộc phải tăng lượng hàng bán ra, đẩy giá hồ tiêu giảm liên tục".

Theo nhiều chuyên gia, ảnh hưởng tình hình chính trị thế giới còn phức tạp, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều quốc gia nên giá hồ tiêu khả năng sẽ còn giảm trong thời gian tới. Với giá bán hiện nay, hầu hết người dân trồng tiêu đang bị thua lỗ.

Gần như cả nước là "vùng xanh"

Bộ Y tế cho biết, trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 mới và bệnh nhân COVID-19 nặng, ca tử vong đều giảm, ngày 2-10 ghi nhận 490 ca mắc là mức thấp nhất trong 4 tháng qua.

Thống kê cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế đến hết tháng 9 cho biết hiện cơ bản gần như cả nước đã là vùng xanh.

Cụ thể, trong số trên 10.604 xã, phường toàn quốc có đánh giá cấp độ dịch, có đến 9.643 xã, phường (tương đương 90,9%) là vùng xanh, nguy cơ dịch thấp; 832 xã, phường là vùng vàng (tương đương 7,9% - nguy cơ dịch trung bình); số xã vùng cam, đỏ - nguy cơ cao và rất cao - hiện chỉ chiếm 1,2% - tương đương 129 xã, phường. 

Con số này có sự điều chỉnh nhỏ so với trước đó 1 tuần. Hiện toàn quốc có 50 tỉnh, thành có 100% xã phường thuộc vùng xanh (nguy cơ dịch thấp), giảm một tỉnh thành so với một tuần trước đó.

Tin sáng 3-10: Đơn kiện chủ tịch UBND về hành chính tăng gấp đôi; Sót đối tượng thu xả thải - Ảnh 3.

Một chiếc ô tô tại thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn bị nước lũ nhấn chìm trong trận lũ quét rạng sáng 2-10 - Ảnh: DƯƠNG TÌNH

Mưa lũ làm 8 người chết và nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương

TTXVN cho biết Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các địa phương thống kê đến 17h30 ngày 2-10, mưa lũ tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm 8 người chết (Nghệ An, Hà Tĩnh); 26 nhà thiệt hại trên 70%; 143 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 55 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; hơn 2.000 hộ phải di dời; 14.033 nhà bị ngập (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa), hiện nước đang rút chậm.

Mưa lũ cũng làm 11.435ha lúa, hoa màu; hơn 3.800ha cây công nghiệp, ăn quả, hằng năm, lâu năm; gần 135ha rừng; trên 9.000ha ao hồ; hơn 710 tấn muối bị thiệt hại; 155.340 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 

127 điểm trường bị ảnh hưởng, 4 phòng họp bị tốc mái; nhiều kênh mương, 26 đập loại nhỏ bị hư hỏng; 82 cầu, cống bị hư hỏng; 1.550m bờ sông bị sạt lở; trên 75.800m3 đất đá sạt lở; 112 cầu, cống bị hư hỏng; 29 vị trí bị ngập; 100 vị trí bị sạt lở; 51 cột điện, trên 5.500m tường rào bị đổ…

Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, khu vực bị thiệt hại rất nặng bởi mưa lũ, tính đến 17h30 ngày 2-10, có 14 nhà bị cuốn trôi, 85 nhà ngập tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén; ngập các cơ quan nhà nước tại khối 1, thị trấn Mường Xén. Hiện nước đã rút, còn lại bùn, đất bồi lấp; 19 nhà bị sạt lở, trong đó có 3 nhà kiên cố bị sạt lở hoàn toàn; sập hoàn toàn nhà làm việc của Công an xã Tà Cạ.

Mưa lũ cũng làm cô lập 2 xã Tây Sơn và Tà Cạ, trong đó bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (236 hộ và 966 nhân khẩu) và bản Sơn Hà, xã Tà Cạ bị cô lập hoàn toàn chưa thể tiếp cận được; 2 ô tô bị cuốn trôi (hiện đã vớt được 1 chiếc); 10 ô tô bị ngập.

Tin sáng 3-10: Đơn kiện chủ tịch UBND về hành chính tăng gấp đôi; Sót đối tượng thu xả thải - Ảnh 4.
Tin sáng 3-10: Đơn kiện chủ tịch UBND về hành chính tăng gấp đôi; Sót đối tượng thu xả thải - Ảnh 5.
Tin sáng 3-10: Đơn kiện chủ tịch UBND về hành chính tăng gấp đôi; Sót đối tượng thu xả thải - Ảnh 6.
Tin sáng 2-10: Lũ về ĐBSCL cao hơn nhiều năm; 112.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9 tháng Tin sáng 2-10: Lũ về ĐBSCL cao hơn nhiều năm; 112.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9 tháng

TTO - Xuất khẩu thủy sản sớm đạt mục tiêu 10 tỉ USD; Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử; Tháng 10, lũ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn nhiều năm... là những tin đáng chú ý.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên