Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump đi dạo trong khuôn viên khách sạn Metropole tại Hà Nội - Ảnh: KCNA/Reuters
Một tín hiệu rõ ràng nhất và mới nhất về điều này chính là nhận định của ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng. Ông Bolton là vị chính khách nổi tiếng có quan điểm cứng rắn trong vấn đề đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng.
Tôi tin các cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận, nhưng tôi yêu cầu quý vị nỗ lực cho việc sớm nối lại đàm phán ở cấp làm việc giữa hai bên vì chúng tôi không muốn thế bế tắc bị kéo dài.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in nêu trong cuộc họp của NSC ngày 4-3
Hội đàm ở Hà Nội "thành công"
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Đài CBS mới đây, ông Bolton nói ông Trump vẫn đang "sẵn sàng" trở lại đàm phán với Triều Tiên trong tương lai và hi vọng Bình Nhưỡng cũng sẽ đánh giá lại những gì đã diễn ra ở Hà Nội.
"Tôi không xem cuộc hội đàm thượng đỉnh (ở Hà Nội) là một thất bại. Tôi thấy đó là một thành công, bởi tổng thống đã bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích quốc gia của nước Mỹ", ông Bolton nói trong chương trình "Face the nation" của Đài CBS phát sóng ngày 3-3 (giờ địa phương).
Dù vậy, ông vẫn nhắc lại việc chính quyền Mỹ sẽ duy trì trừng phạt kinh tế và "sức ép tối đa" với Triều Tiên để đưa họ quay lại bàn đàm phán.
Trên thực tế không chỉ ông John Bolton, trước đó nhiều cựu chính khách, chuyên gia hạt nhân của Mỹ cũng đã bày tỏ quan điểm khen ngợi ông Trump vì quyết định rời hội đàm mà không có thỏa thuận. Nhiều chuyên gia Mỹ đánh giá ông Trump đã có quyết định đúng.
"Tôi nghĩ đôi khi những thỏa thuận tốt nhất là những cái mà anh phải bước ra khỏi chúng" - ông Christopher Hill, trưởng đoàn đàm phán của phía Mỹ với Triều Tiên dưới trào cựu tổng thống George W. Bush, nói.
Đồng thuận quan điểm này, ông Joseph DeTrani, một cựu đặc phái viên đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, cũng nói: "Tổng thống đã đưa ra quyết định chính xác". Còn ông Robert Manning, học giả cao cấp tại Hội đồng Atlantic, thì nói: "Ông Trump xứng đáng được ghi công vì thời khắc thực tế đó".
Theo giới chuyên gia Mỹ, cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 chưa thể đạt được thỏa thuận có nguyên nhân một phần vì phái đoàn của Mỹ còn thiếu kinh nghiệm đàm phán với Triều Tiên, thiếu chuẩn bị, và cả vì cách điều hành theo kiểu từ trên xuống dưới khiến các đàm phán cấp làm việc thiếu thẩm quyền quyết định ở nhiều vấn đề quan trọng.
Seoul tìm kiếm đàm phán 3 bên
Ngày 4-3, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha cho biết nước này sẽ chọn phương án thúc đẩy những cuộc đối thoại 3 bên, Mỹ - Hàn - Triều, để nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều.
"Chúng ta sẽ tìm nhiều cách khác nhau để kiến tạo một địa điểm cho việc nối lại đàm phán Mỹ - Triều Tiên", Hãng tin Yonhap dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Kang Kyung Wha trong cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), bàn về các bước tiếp theo sau hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội. Đây là cuộc họp đầu tiên trong khoảng 9 tháng qua của NSC do đích thân ông Moon Jae In chủ trì.
Theo người phát ngôn Nhà Xanh Kim Eui Kyeom, các cuộc đàm phán ba bên đó sẽ gồm các quan chức đàm phán cấp làm việc và các chuyên gia riêng của hai miền Triều Tiên và Mỹ. Ba nước cũng đã từng tổ chức một cuộc họp tương tự tại Thụy Điển ngay trước hội đàm Trump - Kim vừa qua.
Trong diễn biến liên quan, giới quan chức Nhật Bản ước đoán có thể thời gian tới Triều Tiên sẽ sớm có những liên lạc với chính phủ của ông Abe để tìm giải pháp gián tiếp thu hẹp khác biệt với Mỹ.
Ông Trump đổ lỗi vụ điều trần Cohen
Sáng 4-3 (giờ Việt Nam), ông Trump đăng tweet cho biết việc phe Dân chủ tiến hành thẩm vấn cựu luật sư của ông, Michael Cohen, cùng thời điểm diễn ra cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội là một điểm tồi tệ nhất trong chính trường Mỹ và rất có thể đã góp phần dẫn tới việc ông phải "bước khỏi" bàn đàm phán với ông Kim Jong Un mà không đạt được thỏa thuận.
Gửi thông điệp cho Trung Quốc?
Giới quan sát cho rằng việc ông Trump chấp nhận bước khỏi đàm phán với ông Kim Jong Un mà không có thỏa thuận cũng là một thông điệp cứng rắn gửi đến Bắc Kinh trước thềm cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến cuối tháng này.
"Tôi chưa bao giờ ngại việc phải bước khỏi một thỏa thuận. Và tôi cũng sẽ làm như vậy với Trung Quốc nếu việc đó không hiệu quả" - ông Trump nói trong cuộc họp báo ngày 28-2 ở Hà Nội.
Phát biểu trên Đài Fox News, nhà bình luận chính trị Gordon Chang, chuyên gia về Trung Quốc và Triều Tiên, cho rằng khi ông Trump rời đi tại Hà Nội, ông ấy đã chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy ông không ngại việc bỏ lại một thỏa thuận tồi.
"Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phải đánh giá lại cách tiếp cận của họ với các cuộc đàm phán thương mại" - ông Gordon Chang nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận