Bên cạnh yếu tố thời điểm của thị trường, nhiều lĩnh vực thủy sản của Việt Nam đã tới hạn tăng trưởng cần có những thay đổi và tìm kiếm động lực mới.
Xuất khẩu giảm mạnh
Theo Bộ NN&PTNT, ba tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt 1,79 tỉ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản là cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1%), tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%).
Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết tình hình xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn. "Không chỉ bán chậm mà giá cũng thấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang vất vả nỗ lực vượt khó", ông Lực cho hay.
Theo ông Lực, do lạm phát, suy thoái kinh tế khiến sức mua kém. Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm nên người tiêu dùng chọn thực phẩm thay thế, bớt ăn tôm, chuyển hướng ăn thịt gà, thịt heo vì giá rẻ hơn.
"Hệ thống khách hàng lớn ở các thị trường Mỹ, EU cho biết lượng tôm tồn kho còn khá nhiều. Do vậy, nhiều khả năng trong ba tháng tới vẫn còn tình trạng cung vượt cầu, xuất khẩu tôm tiếp tục gặp khó", ông Lực thông tin thêm.
Đồng tình với nhận định trên, ông Võ Văn Phục, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết do nền kinh tế suy thoái nên sức mua của các thị trường nhập khẩu truyền thống trong ba tháng đầu năm giảm nghiêm trọng.
"Chưa bao giờ sức mua giảm và giá bán thấp như hiện nay, giảm trên 12%. Kim ngạch xuất khẩu giảm trên 30%. Khả năng trong năm 2023, xuất khẩu tôm không chỉ giảm về lượng mà còn giảm cả về giá", ông Phục nhận định.
Đối với ngành cá tra, ông Đỗ Lập Nghiệp - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt (An Giang) - cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiện nay gặp nhiều khó khăn. Vì hiện nay nhu cầu thị trường đang giảm mạnh do lạm phát gây ra.
"Ngành hàng cá tra phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế thế giới. Trung Quốc và châu Âu mở cửa cho nhập khẩu cá tra thì các doanh nghiệp ổn hơn. Tuy nhiên, chiến tranh giữa Nga - Ukraine đã làm ảnh hưởng rất lớn đến châu Âu", ông Nghiệp nói.
Tương tự, ông Lê Văn Chung, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI, cho hay lạm phát đã làm sức tiêu thụ cá tra chậm, giá thức ăn tăng nên người nuôi cá tra chậm tái vụ.
"Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá thức ăn đã tăng gần 10%, xuất khẩu giảm khoảng 15%, dù Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng khách hàng không đặt hàng ồ ạt như trước kia nữa", ông Chung nói.
Tìm động lực mới cho thủy sản
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, Việt Nam đang gặp khó khăn về lợi thế cạnh tranh khi các như nước như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador... có giá tôm nguyên liệu quá lý tưởng. Theo ông Hồ Quốc Lực, vào mùa thu hoạch chính vụ, giá tôm nguyên liệu cỡ 40 con/kg tại Ecuador chỉ 100.000 đồng/kg, còn tại Việt Nam là 150.000 đồng/kg.
Không chỉ vậy, chi phí nuôi tôm của Việt Nam hiện ở mức khá cao. Theo ông Lực, các yếu tố đầu vào nuôi tôm của ta đều tăng chóng mặt trong các năm qua, năm sau luôn cao hơn năm trước nên giá thành tôm Việt cao đến "khó thở", dẫn đến giảm sức cạnh tranh. Trong khi nhiều nước giá tôm rẻ, sức cung lại cao, hiện đã khó ngành tôm Việt lại càng thêm khó trăm bề.
Theo ông Phục, tình hình xuất khẩu tôm có thể sẽ dần hồi phục từ quý 3, khi mùa thu hoạch chính vào vụ và tồn kho các nước được giải tỏa, sức mua ấm dần lên. "Tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp nên nhiều khả năng giá tôm nguyên liệu năm 2023 sẽ không như mong đợi", ông Phục cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Lực, tiềm năng của nghề nuôi tôm và chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam còn rất lớn. Người nuôi có tay nghề, làm chủ kỹ thuật nuôi, nuôi thâm canh đạt năng suất cao.
Nghề chế biến của các nhà máy được đầu tư thiết bị hiện đại và có mặt tại nhiều thị trường, trong đó có thị trường khó tính. Thị trường xuất khẩu tôm tuy có lúc trồi lúc sụt, nhưng người tiêu dùng vẫn ưa chuộng sản phẩm tôm vì thơm ngon, bổ dưỡng.
"Dư địa cho con tôm còn rất lớn, vẫn là sự lựa chọn số 1 trong danh sách thực phẩm của khách hàng ở nhiều nước. Tuy nhiên để con tôm Việt tiếp tục đem về ngoại tệ, có chỗ đứng trên thị trường thế giới, cần phải kiểm soát tôm giống chặt chẽ hơn nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nuôi.
Ngoài ra, cần có chính sách đầu tư thủy lợi các vùng nuôi tôm trọng điểm, nhất là có giải pháp thu hút đầu tư và hình thành nhiều trang trại nuôi tôm đạt chuẩn ASC để thâm nhập thị trường EU mạnh hơn", ông Lực đề xuất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) - cho rằng để gia tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì ngành thủy sản Việt Nam chỉ còn cách tăng tỉ trọng chế biến và chế biến hàng hóa chất lượng cao hơn.
"Doanh nghiệp làm sao gia tăng giá trị bằng cách chế biến thực phẩm ăn sẵn, chế biến sẵn chỉ cần xử lý nhiệt là có thể sử dụng. Đồng thời phải phối hợp với các nhãn hàng, nhà phân phối lớn để áp dụng các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu chất lượng của các mạng phân phối nước ngoài" - ông Hòa nói.
Tăng giá trị thủy sản bằng mô hình khép kín
Dù đánh giá ngành tôm Việt Nam đang chịu sức ép từ nhiều nước nuôi khác nhưng ông Vũ Đức Trí, phó tổng giám đốc điều hành (Tập đoàn Việt Úc), cho rằng con tôm Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh và thắng lợi nếu các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị từ con giống đến sản phẩm cuối cùng.
Hơn 20 năm qua, Việt Úc là tập đoàn dẫn đầu trong mảng tôm giống, hiện tại tập đoàn đã mở rộng quy mô, không chỉ trong mảng tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn, chế biến mà còn sang mảng cá tra.
Việc khép kín chuỗi giá trị sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững cho toàn ngành. Từ việc chủ động nguồn tôm bố mẹ để góp phần hạn chế sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu. Việt Úc cũng đã có ba khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm công nghệ cao với diện tích trên 1.000ha. Cuối cùng, để khép kín chuỗi giá trị, Việt Úc chuẩn bị hoàn thành nhà máy chế biến thủy sản và đi vào hoạt động chính thức trong năm 2023.
"Nhờ nguyên liệu đầu vào là con tôm sạch kết hợp với các công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, Nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc sẽ sản xuất ra những sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất từ những thị trường nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu", ông Trí nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết để nâng cao sức cạnh tranh thủy sản trên thị trường quốc tế thì chất lượng con giống là quan trọng nhất, từ chất lượng con giống mới nâng cao được tỉ lệ nuôi sống. Thứ hai, trong hoàn cảnh giá đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng cao thì việc sử dụng tiết kiệm là bài toán mà người nuôi phải tính đến để giảm chi phí. Một điểm nữa là an toàn dịch bệnh và quan trắc môi trường để đảm bảo môi trường nuôi trồng thuận lợi.
Một việc không kém phần quan trọng đó là các đề tài khoa học công nghệ phải được vận dụng một cách tối đa. Cùng với đó là thu hoạch, sơ chế, chế biến phải được chế biến sâu, giá trị gia tăng cao thì chúng ta mới nâng cao được sức cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, Ecuador... trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận