08/03/2023 15:10 GMT+7

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 'tắc' ngay bước đăng ký

Việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc đang được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống thương mại một cửa (CIFER). Tuy nhiên, nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn giậm chân, tắc ở ngay bước đăng ký.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tắc ngay bước đăng ký - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc) - Ảnh: MAI XUÂN NGHIÊN

Ngày 8-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các đơn vị tổ chức diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc)".

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong việc đăng ký xuất khẩu thủy sản trên hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Trung Quốc chậm phê duyệt hồ sơ, chậm phản hồi

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, ông Trần Văn Út - giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến - cho biết thời gian gần đây, khi đăng ký thủ tục hải quan điện tử cho các lô hàng xuất khẩu, doanh nghiệp liên tiếp bị phân luồng đỏ, tính đến ngày hôm qua (7-3) là 11 lô hàng.

Theo ông Út, vì đặc thù hàng tươi sống, khi các lô hàng bị phân luồng đỏ sẽ dẫn tới việc kéo dài thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm cũng như uy tín với khách hàng. Điều này gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp nói riêng và uy tín của ngành hàng thủy sản Việt Nam nói chung.

"Đề xuất các bộ ngành có chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống", ông Út nói.

Nhiều ý kiến khác cũng phản ánh việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của Việt Nam.

Trong đó, một số doanh nghiệp cho biết chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn.

Đã gửi văn bản đôn đốc tốc độ xử lý

Phản hồi về vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (bộ phận thông tin giữa Việt Nam và các thành viên WTO), cho biết đã nhận được thông tin phản ánh của các doanh nghiệp. Theo đó, từ ngày 13-2, SPS Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan thẩm quyền, trao đổi để đẩy nhanh tốc độ phê duyệt hồ sơ của các doanh nghiệp.

Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng đề nghị doanh nghiệp nên ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn.

Theo vị này, các doanh nghiệp cần lưu ý khẩn trương thực hiện đăng ký gia hạn xuất khẩu theo quy định của GACC để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại. Theo đó, trong thời hạn từ 3-6 tháng trước khi hết thời hạn đăng ký, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng đề nghị cơ quan quản lý cần tích cực liên hệ với GACC để bố trí họp trực tuyến nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký trên CIFER; tích cực liên hệ, đôn đốc phía Trung Quốc xử lý kiến nghị của phía Việt Nam.

Đồng thời cần chỉ đạo, tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung gắn với bao gói, chế biến đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại sang Trung Quốc.

Giải pháp thúc đẩy số hóa truy xuất nguồn gốc nông sảnGiải pháp thúc đẩy số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc nông sản là việc làm cấp bách giúp nông sản Việt nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại quá trình này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên