23/11/2021 10:30 GMT+7

Tiếp sức nhà nông: Giấc mơ đổi đời vùng đồi sỏi

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - "Người nghèo thuê người nghèo làm công, tiền đâu mà trả nhiều?" - anh Lê Văn Lý cười chua xót nói về công việc của những người nông dân ở Như Xuân (Thanh Hóa).

Tiếp sức nhà nông: Giấc mơ đổi đời vùng đồi sỏi - Ảnh 1.

Vườn sắn nhiễm bệnh năng suất thấp của anh Lê Văn Lý ở xã Xuân Hòa, Như Xuân, Thanh Hóa

Sống trên đất này đến thế hệ thứ ba, hai đời cực nhọc, họ chỉ mong có thêm đồng vốn chăn nuôi để đời con được bước chân đến giảng đường.

Vòng luẩn quẩn nơi đất nghèo

Nhà anh Lê Văn Lý chuyển về thôn Găng, xã Xuân Hòa (Như Xuân, Thanh Hóa) ngót 20 năm. Quanh nhà toàn đồi sỏi lạo xạo, nắng cháy khét lẹt. Gần như chỉ có cây sắn và cây keo trụ lại được ở đất này. Anh Lý có 9 sào đất (4.500m2), chỉ trồng sắn. 

Năm giá sắn cao nhất anh thu được khoảng 17 triệu đồng, vài năm gần đây chỉ còn hơn chục triệu. Hai vợ chồng anh Lý trầy trật làm lụng phải nhờ vào tiền hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc mới cất được căn nhà cấp 4 để tránh mưa tránh nắng. Căn nhà cất xong hơn chục năm nay nhưng chưa một lần có mùi sơn.

Mấy năm nay sắn mất giá, nhiều người chuyển sang trồng keo để giữ đất. Vợ chồng anh Lý vẫn bám lấy cây sắn, cuối năm thu được hơn chục triệu, trả tiền phân bón và tiền công mất hết phần ba. Phần còn lại chi tiêu thêm được vài tháng. 

"Lúc cần tiền nhất là đầu năm học, mua quần áo, sách vở, nộp tiền học, tiền ăn… cho ba đứa thì chẳng có đồng nào. Đến cuối năm thu vài đồng tiền sắn trả nợ hết, đến Tết có nồi bánh chưng, cái áo mới cho con là may mắn lắm rồi!" - anh Lý nói.

Anh thương mấy đứa nhỏ. Đứa lớn, bé Hồng, học lớp 9. Bé học giỏi, chăm chỉ, học ở trường về còn phụ ba mẹ việc nhà. Khi thì cắt rau, nấu cám, khi vác cuốc lên đồi giẫy cỏ sắn. 

Tối đến, Hồng vừa học vừa kèm hai đứa em học bài, nhiều đêm thức đến 1 giờ sáng. Hồng mơ ước thi đỗ vào Học viện An ninh. Em chia sẻ chỉ có ngôi trường ấy ba mẹ mới đỡ tiền nuôi em. Ra trường em sẽ có cơ hội giúp ba mẹ, giúp các em đỡ khổ.

Nhìn chiếc bàn học bằng gỗ công nghiệp bở ra như trấu, chiếc ghế là cái ruột nồi cơm điện kê lên khúc gỗ, người cha nghèo buồn rười rượi. 

"Thương con cũng chỉ biết đi làm thuê thôi. Ở đây ai thuê gì làm nấy. Lúc phụ xây, lúc cuốc hố, trồng cây, bóc vỏ keo, chở gỗ thuê… tôi làm hết. Nhưng người nghèo thuê người nghèo làm công thì tiền đâu ra mà trả nhiều?" - anh Lê Văn Lý nói.

Dịch COVID-19 bùng phát, người đi làm xa về quê nhiều, chẳng mấy ai thuê anh Lý đi làm nữa. Có hôm anh chạy chiếc xe cà tàng dọc đường Hồ Chí Minh, đến hỏi các mối quen nhưng không ai cần người. Nhà đang xây dừng lại, xưởng gỗ xẻ cầm chừng... việc làm cho người nghèo khó lại càng thêm khó.

Anh chia sẻ, vùng đất cằn cỗi này chăn nuôi được. Nhiều người nơi khác về mua đất, mở trại heo, trại nuôi gà, nuôi ngan làm giàu ngay trước mặt. Anh Lý muốn chăn nuôi nhưng anh cần có một khoản để làm chuồng trại, mua ít giống và dự trữ thức ăn.

Tiếp sức nhà nông: Giấc mơ đổi đời vùng đồi sỏi - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thoa (xã Hóa Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa) một mình nuôi hai cháu nội

Người mẹ hai thế hệ

Bà Thoa có hai người con, khi đứa con thứ hai vẫn còn ẵm ngửa thì chồng mất. Năm đó 24 tuổi, bà ở vậy nuôi con. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, người con gái út đã lấy chồng xa, anh con cả cũng lập gia đình. Thế nhưng…

Bốn năm trước, bé Bảo Nam được 4 tuổi, bé Bảo Nhi mới được 7 ngày tuổi thì mẹ bé bỏ đi, bà Thoa làm mẹ nuôi cháu nội thay con dâu. Người phụ nữ hai lần một mình nuôi con nhỏ chạy khắp xóm xin sữa. 

Có những lần con bé khóc, bà chắt nước cơm cho cháu uống thay sữa mẹ. Đến giờ bé Bảo Nhi 4 tuổi nhưng nhỏ như cái kẹo, đi học các cô giáo ở trường vẫn gọi đùa Bảo Nhi "ngồi nhầm lớp". Em học mầm non mà bé như học sinh nhà trẻ.

Được vài tháng, anh con trai bà Thoa cũng bỏ đi nốt. Mấy năm trước thỉnh thoảng có gọi điện về hỏi thăm con. Anh ta nói đi làm công nhân ở thành phố, nhưng rồi những cuộc điện thoại thưa dần. Giờ con trai bà đi đâu không ai biết; ngày giỗ cha, ngày tết cũng không thấy mặt mũi đâu, số điện thoại cũ đã khóa.

Gà chưa gáy bà Thoa đã dậy nấu ăn, chuẩn bị cho hai đứa cháu đi học sớm rồi bà mới về nhà vác cuốc lên đồi.

Hai đứa cháu, tiền học hành, tiền sinh hoạt trông cả vào năm sào sắn (khoảng 2.500m2). Bà Thoa cho hay những năm sắn đắt, bà có dăm sáu triệu đồng mỗi vụ; mấy năm nay bà bỏ sắn, trồng keo. 

Tiền sinh hoạt, nuôi cháu trông cả vào mấy đồng tiền công phụ hồ. Trong nhà gần như chẳng còn gì đáng giá; vài con gà, vài con ngan bà Thoa nuôi lấy trứng "bồi dưỡng" cho hai đứa nhỏ còi cọc.

"Ở nông thôn chỉ có chăn nuôi mới có đồng ra đồng vào, chứ trông vào cây keo thì năm, sáu năm mới được thu. Tôi chỉ mong được hỗ trợ để chăn con ngan, con gà, cố gắng nuôi cháu nó ăn học nên người" - bà Thoa chia sẻ.

Ông Lê Anh Quân (phó chủ tịch Hội Nông dân xã Quy Hóa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa):

Điều kiện ở địa phương phù hợp với chăn nuôi

Hội Nông dân xã đã phối hợp với đại diện Công ty cổ phần GREENFEED khảo sát thực tế 20 hộ dân trong xã.

Phần lớn các hộ dân cho biết điều kiện ở địa phương phù hợp với chăn nuôi gia cầm, vốn đầu tư ít hơn, nguồn thức ăn chủ động. Tuy nhiên, hiện tại dịch tả heo châu Phi đang hoành hành phức tạp, nhiều hộ dân lo lắng không phòng dịch được sẽ mất vốn.

"Nếu có kỹ thuật phòng dịch, nhiều hộ dân cho rằng thời điểm này nuôi lợn sẽ là cơ hội tốt. Nuôi gia cầm với quy mô vừa cũng tốt, phù hợp với điều kiện của người nông dân nghèo, cũng là bước chuẩn bị để họ thay đổi quy mô lớn hơn" - ông Quân nói.

Trao vốn cho 280 hộ nông dân, học sinh của 7 tỉnh

nha nong 3

Lê Thúy Hồng, học lớp 9 Trường THCS Xuân Hòa, vượt khó học giỏi - Ảnh: V.TUẤN

Dịch COVID-19 kéo dài khiến cuộc sống của bà con nông dân tại nhiều tỉnh thành khó khăn lại chồng khó khăn. Chương trình "Tiếp sức nhà nông" 2021 do GREENFEED tài trợ là sự đồng hành đáng quý và kịp thời giúp bà con được tiếp vốn vươn lên khỏi đại dịch.

Chương trình thực hiện trao vốn cho 40 hộ dân/tỉnh tại 7 tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh. Dịp này cũng trao thưởng cho 40 em học sinh/tỉnh vượt khó học giỏi.

Bên cạnh đó, năm 2021 cũng sẽ trao thưởng cho các em học sinh, sinh viên là con của các hộ đang tham gia chương trình từ 500.000 - 3 triệu đồng/em khi có thành tích học tập khá giỏi tại 4 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bến Tre, Bình Định. Tổng số tiền dự kiến hỗ trợ trong năm 2021 là 9,4 tỉ đồng.

Tiếp sức cho nông dân vượt qua đại dịch Tiếp sức cho nông dân vượt qua đại dịch 'kép'

TTO - Dịch tả heo châu Phi chưa hết thì dịch COVID-19 ập về, nhiều nông dân khốn đốn. Ấy thế nhưng nhiều nông dân nghèo được nhận đồng vốn Tiếp sức nhà nông đã vươn lên có cuộc sống ổn định.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên