22/11/2021 10:18 GMT+7

Tiếp sức cho nông dân vượt qua đại dịch 'kép'

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Dịch tả heo châu Phi chưa hết thì dịch COVID-19 ập về, nhiều nông dân khốn đốn. Ấy thế nhưng nhiều nông dân nghèo được nhận đồng vốn Tiếp sức nhà nông đã vươn lên có cuộc sống ổn định.

Tiếp sức cho nông dân vượt qua đại dịch kép - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Khương chăm sóc vườn ổi - Ảnh: VŨ TUẤN

Chương trình ý nghĩa này do Công ty cổ phần GREENFEED, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hội nông dân, Đoàn thanh niên các địa phương trao tặng.

Trong lúc khó khăn, tôi được nhà tài trợ GREENFEED giúp đỡ. Đến giờ tôi có cuộc sống ổn định, con cái học hành giỏi, không phải lo nghĩ như trước đây. Tôi chỉ mong Hội nông dân và Công ty GREENFEED tiếp tục giúp đỡ những người nông dân khác có hoàn cảnh khó khăn để họ vươn lên, có cuộc sống ổn định.

Chị Khương (thôn Thượng Đồng, xã Hồng Dụ, Ninh Giang, Hải Dương)

Cuộc sống mới của chị Khương

Gần 30 năm kể từ ngày về làm dâu ở thôn Thượng Đồng, xã Hồng Dụ (Ninh Giang, Hải Dương) chị Nguyễn Thị Khương mới trút được gánh nặng lo âu như bây giờ. Con gái lớn đã có gia đình riêng, công việc ổn định. Cậu con út đã vào lớp 10, học giỏi. Mặc dù chưa hết khó khăn nhưng người phụ nữ này đã không còn căng thẳng với những khoản chi khổng lồ cứ vài hôm lại ập đến.

Năm 2019, chồng chị phát hiện bị ung thư sau những ngày ốm vật vã. Anh liên tục phải truyền máu rồi phẫu thuật, thuốc men..., toàn những khoản tiền mà chị Khương chưa bao giờ dám tưởng tượng.

"Lúc đó bí bách lắm! Chúng tôi lấy nhau ba năm mới cất được căn nhà bằng chạch "ba vanh" (gạch làm từ vôi, xỉ than, vữa, không nung - PV), hơn chục năm phải sửa nhà vì nó sắp đổ, chưa trả hết nợ thì anh ấy đổ bệnh" - chị nói.

Nhà chị chỉ có 3 sào ruộng, đến vụ không thu nổi 5 tạ thóc vì chuột phá. Cả làng bỏ ruộng, bọn chuột cứ nhè ruộng nào cấy lúa là bu lại "liên hoan". Chị Khương mượn thêm những ruộng bỏ hoang để cấy lúa. Thu nhập của cả nhà trông vào đồng lương bảo vệ của anh, vài ngày công phụ vữa mỗi tháng của chị và mấy tạ thóc mỗi vụ.

Đúng năm ấy, cô con gái lớn đang học năm cuối Học viện Nông nghiệp lại bị xe máy cán gãy chân. Lại thêm những khoản chi phí lớn đặt lên đôi vai gầy guộc của chị. Nguyễn Thị Thương, con gái chị, nuốt nước mắt xin mẹ cho nghỉ học để kiếm việc phụ giúp mẹ. Nghe những lời nói nấc nghẹn của đứa con gái hiếu học gần đến ngày ra trường mà lòng chị đau như cắt.

Chồng chị lúc ấy chỉ thở dài, xin về bệnh viện tỉnh để đỡ chi phí. Anh không nói nhưng chị biết anh đang vơi dần hy vọng... Anh mất, một mình chị ở lại với căn nhà trống hoác và những món nợ. Niềm hy vọng lớn nhất của chị là hai đứa con chăm ngoan, học giỏi.

Năm ngoái, tưởng rằng gia đình chị không còn gắng gượng được nữa thì chị nhận được đồng vốn hỗ trợ của Công ty GREENFEED. Buổi nhận vốn, chị Khương và hàng chục hộ nông dân khác được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, những bí quyết, lưu ý rất thiết thực...

Nhận vốn về đúng lúc dịch tả heo châu Phi bùng phát, không riêng gì trong xứ Thượng Đồng, cả vùng châu thổ sông Hồng gần như không còn đàn heo nào sống sót. Đã vậy, dịch lắng xuống, giá heo giống, giá thức ăn vọt lên. Nông dân không tái đàn, bà con chòm xóm ở Hồng Dụ nhiều người bỏ nghề chăn nuôi đi làm thuê kiếm sống.

Chị Khương vẫn nuôi heo. Có người bảo chị liều, có người chỉ cười mỉm lắc đầu. 20 triệu đồng tiền vốn, chị chia ra thành các "cục" nhỏ. Cục để sửa chuồng trại, cục mua giống, cục mua thức ăn, cục để phòng mua thuốc... Chị chọn giống heo "ta" (heo đen), tuy nhỏ nhưng bán giá cao, lại khỏe, ít bệnh tật. Thức ăn chị kết hợp cả loại cám giàu dinh dưỡng của GREENFEED và thức ăn thô, sạch trong vườn nhà mình.

Ngoài nuôi heo, gà, mượn ruộng cấy lúa, chị Khương mượn thêm vài sào vườn để trồng ổi. Hiện tại nhiều nông dân đang khốn khó vì dịch COVID-19 hoành hành, chị Khương đã có cuộc sống ổn định. Hai con heo chuẩn bị phối giống, chị nhẩm tính vài tháng nữa có đàn heo ít nhất 20 con, thêm 6 tháng nữa lại phối giống tiếp...

Hàng nghìn nông dân được tiếp sức vượt đại dịch

Anh cán bộ Hội Nông dân Hưng Yên chia sẻ trong 2 năm qua, người nông dân ở Hưng Yên chịu đại dịch "kép". Họ vừa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi, giá heo hơi xuống thấp, vừa giá con giống, thức ăn lại tăng cao. Sản xuất chưa kịp ổn định, dịch COVID-19 lại ập đến, mọi hoạt động gần như "đóng băng".

Tuy nhiên qua theo dõi và đánh giá của hội, những hộ nông dân được vay vốn từ Quỹ Tiếp sức nhà nông của GREENFEED sử dụng vốn hiệu quả. Nhiều hộ đã vượt qua giai đoạn khó khăn, có cuộc sống ổn định.

Chị Vũ Thị Huế ở thôn Thung Linh, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) bàng hoàng kể lại những tháng ngày "chạy ăn từng bữa". Cuộc sống gia đình chị bị đảo lộn từ khi cô con gái lớn phát hiện bị ung thư máu.

Căn bệnh quái ác ập xuống cô bé lên 10, đôi mắt tròn xoe ngơ ngác phải liên tục lên Hà Nội truyền máu. Mái tóc đen nhánh của em không còn một sợi, đôi má ngây thơ của đứa trẻ xanh tái sau những lần điều trị. Chị Huế, anh Thịnh - chồng chị - nhiều lần quay đi giấu giọt nước mắt trước những câu hỏi ngây thơ của cháu bé.

Anh chị giấu cảm xúc để cháu kiên cường chống chọi với bệnh tật. Anh đi làm thợ xây trên Hà Nội, chị tần tảo ruộng đồng nuôi con. Miếng đất vườn ông bà để lại cũng phải bán rẻ để lấy tiền chạy chữa..., cứ thế gần năm năm trời hai vợ chồng gồng gánh vừa nuôi con, vừa chạy chữa cho cháu bé.

Năm ngoái, khi nhận được đồng vốn hỗ trợ từ chương trình Tiếp sức nhà nông do GREENFEED phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên trao tặng, chị Huế đầu tư nuôi gà.

Chia sẻ cách làm của mình, chị Huế cho hay đàn gà không nhiều nhưng vì được hướng dẫn kỹ lưỡng nên có lãi. Việc đầu tiên chị làm là sửa chuồng trại, đảm bảo thông thoáng, khử trùng cho con gà đỡ bệnh. Có phiếu thức ăn của Công ty GREENFEED hỗ trợ, chị không lo đội giá như nhiều hộ chăn nuôi khác. Con gà sinh trưởng nhanh, tái đàn nhanh nên cách chăn nuôi của chị Huế là bước khởi đầu tốt để tiến tới những mô hình chăn nuôi lớn hơn, có thu nhập cao hơn.

Hơn 2.000 hộ nông dân nghèo được hỗ trợ vốn

nha nong 1

Chị Trần Thị Mạo (Thanh Chương, Nghệ An) đầu tư nuôi gà, bò sau khi nhận được vốn Tiếp sức nhà nông - Ảnh: VŨ TUẤN

Theo Công ty cổ phần GREENFEED, sau hơn 10 năm đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ, Hội nông dân và Tỉnh đoàn ở các địa phương, công ty đã hỗ trợ vốn cho 2.140 hộ nông dân nghèo có quyết tâm vượt khó. Tổng số tiền hỗ trợ lên đến 70 tỉ đồng (từ năm 2010-2021).

Điều đặc biệt ở chương trình này là công ty hỗ trợ vốn vay không lãi suất, nhưng sẽ thưởng 20% nếu người vay trả đúng hạn. Chia sẻ về cách làm này, cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho hay hiếm có nguồn vốn đặc biệt nào mà người đi vay lại được hưởng lãi như đồng vốn của chương trình này.

"Bên cạnh hỗ trợ vốn, phía đơn vị tài trợ còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ mua thức ăn với giá ưu đãi, quan trọng hơn là họ tiếp tục đồng hành với người nông dân, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ để đồng vốn về tay người nông dân đảm bảo phát huy hiệu quả. Đây là điểm mà chúng tôi đánh giá rất cao chương trình này" - phó chủ tịch Hội Nông dân Hải Dương Phạm Thanh Thủy cho hay.

Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam tặng 1 tỉ đồng cho trẻ em mồ côi vì COVID-19 Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam tặng 1 tỉ đồng cho trẻ em mồ côi vì COVID-19

TTO - Trước tiên học bổng sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em mồ côi ba, mẹ hoặc cả ba lẫn mẹ, có hoàn cảnh khó khăn, là con của công nhân, lao động làm việc ở TP.HCM không may qua đời trong đại dịch COVID-19.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên