Anh Huỳnh Kỳ Nam dành nhiều thời gian để chăm sóc chú bò vừa mới mua được bằng khoản tiền được vay từ Công ty GreenFeed - Ảnh: LÂM THIÊN
Trở lại ngôi nhà nhỏ, đơn sơ của anh Huỳnh Kỳ Nam (43 tuổi, ở xã Tây An, huyện Tây Sơn) - một trong 40 hộ vừa được nhận vốn vay của chương trình Tiếp sức nhà nông năm 2020 tại Bình Định, không khí những ngày này bỗng trở nên tươi vui hơn hẳn. Trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông này, những nụ cười cũng thường xuyên xuất hiện với ánh mắt đầy hi vọng.
Cách đây 4 năm, vợ anh Nam bị bạo bệnh rồi qua đời, bỏ lại 2 đứa con thơ cho người chồng đáng thương này một mình chăm sóc. Mãi khắc ghi câu nói cuối cùng của vợ: "Anh ráng cho hai con ăn học tới nơi tới chốn, đừng để con thất học. Ở dưới suối vàng em sẽ phù hộ cho ba cha con", anh Nam vất vả làm đủ thứ việc để lo lắng cho hai con.
Tuy nhiên làm lụng cực nhọc suốt mấy năm qua nhưng chẳng dư được đồng nào trong khi các con đều đang tuổi ăn tuổi học, lòng anh Nam ngổn ngang trăm bề. Anh cho biết: "Một mình làm suốt ngày suốt đêm nhưng nuôi 2 đứa con đuối quá. Tiền trường, tiền học, tiền chi tiêu đủ thứ. Tôi rất lo".
Sau khi nhận được 20 triệu đồng của Công ty GreenFeed, anh Nam lập tức đi mua thêm một con bò, chỉnh sửa lại chuồng trại để thuận tiện chăm sóc cho vật nuôi của mình.
"Nhận được tiền vay của công ty GreenFeed, tôi mượn thêm anh em mỗi người một ít rồi mua thêm con bò này để nuôi. Từ ngày mua về, bò ăn uống ngon lành, tôi rất vui. Mong sao mọi việc thuận lợi để tôi có tiền trả nợ rồi lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn", anh Nam chia sẻ.
Gia đình chị Võ Thị Bích Hạnh (42 tuổi, ở thôn Nhơn Thuận, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) có 7 nhân khẩu với 4 đứa con đang tuổi ăn học và một mẹ già đã năm nay đã ngoài 90 tuổi.
Thu nhập của vợ chồng chị chủ yếu dựa vào người chồng làm thợ xây thường xuyên lang bạt theo các công trình ở xa. Mọi công việc đồng áng, chăm sóc gia đình đều do chị Hạnh một mình gánh vác.
Hai đứa con lớn năm nay đều đang học đại học còn 2 đứa nhỏ thì vẫn còn quá nhỏ, không giúp được gì cho chị. Theo chị Hạnh, thu nhập hàng tháng của cả nhà chưa đến 6 triệu đồng. Cả nhà phải chắt chiu từng đồng để gửi cho con học hành ở Sài Gòn. Ở quê, chị tằn tiện, tích góp từng đồng để lo cho gia đình. Cuộc sống lúc nào cũng chật vật, thiếu thốn.
Đã vậy, đứa con thứ 2 đang học tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM lại mắc bệnh thiếu máu, sức khỏe rất kém khiến vợ chồng chị lại càng lo lắng đủ bề.
"Ảnh đi làm xa liên tục chứ không ở nhà vì làm ở nhà đồng tiền thấp, nuôi con không nổi. Giờ vợ chồng xác định tất cả đều phải đặt tương lai các con lên hàng đầu chứ mình thì coi như đã an bài rồi. Sợ con học không được thôi chứ đã học được thì mình phải lo chu đáo", chị Hạnh cho biết.
Sau khi mua thêm con bò mới từ tiền vay của Công ty GreenFeed, hiện tại gia đình chị Võ Thị Bích Hạnh đã có 3 con bò. Đây là niềm hi vọng để chị lo cho con ăn học - Ảnh: LÂM THIÊN
Sau khi nhận vốn vay từ Công ty GreenFeed, chị Hạnh tự tay dọn dẹp lại chuồng trại rồi cơi nới thêm để có chỗ nuôi thêm con bò. "Chồng tôi đi làm tết mới về, vì vậy một mình cứ làm hết mọi việc. Chuồng thì lợp thêm tôn, đóng thêm trụ. Đóng xong, tôi giao tiền rồi dắt bò về nuôi", chị Hạnh chia sẻ.
Theo chị Hạnh, những năm qua, cuộc sống gia đình luôn chật vật, dù muốn mua thêm vật nuôi để tăng gia sản xuất nhưng không hề có vốn khiến mọi dự định của vợ chồng chị rơi vào bế tắc. Từ khi nhận được vốn vay, hai vợ chồng vui mừng khôn xiết.
"Ảnh nói ảnh sẽ ráng làm kiếm thêm tiền về làm lại chuồng trại cho vững chắc để tôi yên tâm. Từ giờ tới tết, con bò lớn bán ra cũng dư ít tiền. Tôi sẽ lấy tiền dư lo cho các con học hành. Còn lại bao nhiêu, tôi sẽ mua bò về nuôi tiếp. Mong sao đàn bò lớn nhanh, sang năm tôi bán được là có tiền trả cho công ty. Có dư, tôi sẽ dành dụm nuôi con học hết đại học", chị Hạnh hi vọng nói.
Trước đó, sáng 20-12-2020, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam (gọi tắt là GreenFeed) phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức lễ trao vốn Chương trình "Tiếp sức nhà nông" cho 40 hộ nông dân tỉnh Bình Định.
Đây là những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng có quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững, có con em vượt khó học giỏi. Chương trình hỗ trợ vốn vay không lãi suất trong thời gian hai năm với tổng kinh phí 920 triệu đồng (bao gồm 800 triệu đồng tiền mặt, phiếu thức ăn chăn nuôi trị giá 120 triệu đồng) cho 40 hộ nông dân của huyện Tây Sơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận