Ngoài giờ học Lạc còn làm thêm, sửa đồ điện tử, lắp WiFi - Ảnh: THÁI THỊNH
Hành trình đặt chân đến giảng đường ĐH của Lạc không êm ả. Lạc sinh ra chân tay không lành lặn. Khi con vừa tròn 4 tháng tuổi, vì quá nghèo, mẹ quấn Lạc trong một chiếc khăn đặt trước thềm Trung tâm Y tế huyện An Nhơn kèm theo 200.000 đồng.
18 năm, Lạc lớn lên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội tỉnh Bình Định, là nhân vật chính trong bài viết "Cánh én Lạc mơ ngày mai tươi sáng" và nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ năm 2017.
Khó khăn là thử thách
Ngày gặp chúng tôi, Lạc đang cùng nhóm bạn trong CLB Nhân Ái do chính Lạc lập ra, len lỏi giữa những con đường bụi bặm, nắng gắt ở TP Quy Nhơn nhặt nhạnh từng mẩu ve chai để gây quỹ giúp trẻ em mồ côi.
Lạc tâm sự vào ĐH là một hành trình mới mở ra trong cuộc đời mình. Anh Phan Hồng Hải, nhân viên quản lý trẻ em mồ côi, khuyết tật tại Trung tâm bảo trợ xã hội, nói rằng với những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật lớn lên ở trung tâm nhiều thiệt thòi mà học hết cấp III đã là điều hiếm hoi.
"Ngân sách nhà nước chuyển về trung tâm, theo tiêu chuẩn chỉ hỗ trợ Lạc mỗi tháng được 810.000 đồng tiền ăn học" - anh Hải nói.
"Khi nghe tin được nhà trường miễn giảm học phí rồi cầm trên tay suất học bổng 7 triệu đồng của báo Tuổi Trẻ, mình mừng đến phát khóc chạy khắp trung tâm, gặp ai cũng khoe. Các cô chú nuôi mình từ nhỏ ai cũng mừng và động viên dữ lắm. Đó là sự giúp đỡ trong thời điểm mình hoang mang nhất, bước đệm cho mình an tâm vào ĐH" - Lạc nhớ lại.
Cô Nguyễn Thị Hòa, người chăm sóc cho Lạc từ ngày Lạc mới 5 tháng tuổi, tâm sự con đường học của Lạc là sự nỗ lực lớn của chính bạn ngay khi còn rất nhỏ.
"Không có bàn tay, Lạc đan hai tay vào nhau để có thể cầm bút tập viết, tay phải ghì chặt bút vào cùi tay trái rồi viết. Cũng không nhớ bao nhiêu lần Lạc làm rơi bút, ban đầu đau, giữ lâu tay bị tê nhưng rồi dần dần da chai đi không còn đau nữa" - cô Hòa kể.
Ước mơ đẹp ngày ra trường
Bước vào ĐH, Lạc được ở ký túc xá của trường cùng bảy sinh viên khác. Lạc được các bạn trong phòng tình nguyện giặt đồ giúp. Lạc đeo chân giả, cứ mỗi khi trái gió trở trời cơn đau buốt lên ê ẩm. "Mỗi khi tháo hay gắn chân giả, các bạn trong phòng thường hay giúp đỡ, thậm chí nắn bóp chân cho mình. Bọn mình ăn ở căngtin, thường đi cùng nhau nên vui lắm" - Lạc cho biết.
Ngoài công việc học tập, Lạc tham gia các hoạt động Đoàn trường, gây quỹ từ thiện. Sau nửa học kỳ đầu tiên, Lạc được tín nhiệm bầu vào ban chấp hành Đoàn của lớp.
CLB Nhân Ái của Lạc ra đời trong một dịp gần Tết Nguyên đán năm 2017, khi nhìn thấy những đứa trẻ lang thang trên đường, không có người thân. "Tết mà không có bố mẹ, người thân, không có nhà để ở thì cực lắm" - Lạc nói.
Từ đó, Lạc lên các trang mạng xã hội kêu gọi các bạn trong lớp, trong trường thành lập nhóm để đi gom ve chai, quần áo bán hỗ trợ các em nhỏ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn. Chỉ trong vòng vài tuần, CLB của Lạc đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn trong trường.
"Bọn mình đã trao được nhiều phần quà đến gia đình các bạn học sinh hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra nhóm mình còn nhận dạy kèm cho hai bạn nhỏ mồ côi" - Lạc cho biết.
Lạc chọn học ĐH ngành công tác xã hội vì muốn gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội tỉnh sau tốt nghiệp. "Sau này mình sẽ trở lại xin được làm việc tại trung tâm, nơi đã nuôi sống mình, tiếp tục giúp đỡ các bạn, các em và các cô chú có hoàn cảnh như mình" - Lạc nói.
Trao 118 suất học bổng cho tân sinh viên 3 tỉnh
Lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" (thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ) dành cho tân sinh viên vượt khó học giỏi của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định lúc 15h ngày 5-9, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH Bình Định.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Bình Định, Đài PT-TH Bình Định tổ chức. Kinh phí học bổng do CLB "Tiếp sức đến trường" Quảng Ngãi, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty ôtô Đô Thành và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.
Tổng số học bổng cho tân sinh viên khó khăn của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên trong đợt này là 118 suất, mỗi suất trị giá 10-15 triệu đồng, tổng kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận