Sáng 11-11, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), báo Tuổi Trẻ phối hợp với các Tỉnh đoàn Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Định tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 50 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 3 tỉnh.
Trong 50 suất học bổng được trao đợt này có 2 suất đặc biệt, mỗi suất 50 triệu đồng/4 năm học dành cho 2 tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 48 suất còn lại mỗi suất 15 triệu đồng.
Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận
Đây là điểm trao thứ 11 trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 577 của báo Tuổi Trẻ.
Đến tham dự buổi lễ có ông Đinh Văn Thiệu - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Võ Hoàn Hải - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa; ông Phạm Văn Chi - phó chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học khuyến tài Khánh Hòa, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; bà Bùi Thị Hồng Tiến - giám đốc Quỹ Khuyến học Khuyến tài Khánh Hòa… cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành tại Khánh Hòa.
Có mặt từ sớm nhiều bạn tân sinh viên và phụ huynh bày tỏ sự háo hức khi được đến tham dự lễ trao học bổng.
Trích học bổng mua gạo và sách vở cho em
Đến TP Nha Trang từ chiều 10-11 để tham dự chương trình, bạn Nguyễn Thị Hồng Diệu (quê Bình Định) - tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Quy Nhơn cho biết từ khi bạn còn nhỏ, ba đã mất sớm, Diệu cùng hai em gái lớn lên trong vòng tay mẹ, cuộc sống thiếu thốn nhưng gia đình vẫn cố gắng cho Diệu đi học.
"Khoản học phí ở trường Đại học Quy Nhơn đến nay em vẫn chưa có tiền đóng. May mắn hôm nay nhận được học bổng Tiếp sức đến trường, số tiền này em sẽ đóng học phí và tiền nhà trọ". Diệu cũng dự định số tiền học bổng bổng sau khi đóng học phí, sẽ trích ra mua gạo và sách vở cho hai đứa em ở nhà.
Lớn lên từ vùng đất nắng gió ở huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), tân sinh viên Nguyễn Quan Vinh là anh cả trong gia đình có ba anh em. Ba mẹ làm nông trồng củ cải trắng, hành lá... nuôi các con đến trường. Thời điểm nhận thông báo trúng tuyển ngành marketing, trường Đại học Công Thương TP.HCM cả nhà phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền cho Vinh nhập học.
"Em sẽ dùng số tiền học bổng này để đóng học phí, phần còn lại em để dành chi tiêu hằng ngày ở TP.HCM, chứ ba mẹ ngoài quê không còn tiền nữa" - Vinh nói và cho biết đây cũng là lần đầu tiên đến Nha Trang và hạnh phúc khi được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.
"Bé nhà tôi đậu Đại học Văn Hiến, bé là con đầu đi học xa nhà nên gia đình cũng có nhiều lo lắng. Hôm nay tôi nghỉ bán bánh, bán chè một bữa, đưa con đi nhận học bổng. Nghe tin con sẽ có một khoản kinh phí để hỗ trợ việc học, gia đinh rất mừng, cảm ơn quý báo và nhà tài trợ rất nhiều" - chị Tâm, mẹ của tân sinh viên Cẩm Tú, chia sẻ.
Phan Gia Hân - tân sinh viên khoa Y dược trường Cao Đẳng y tế Lâm Đồng - không giấu được niềm vui khi tham dự chương trình để nhận học bổng Tiếp sức đến trường. Hân chia sẻ ba em đã mất, mẹ bị u nang không còn khả năng lao động, việc học của Hân được duy trì đến nay phụ thuộc hoàn toàn vào các loại học bổng khác nhau.
"Gia đình em thuộc hộ nghèo, mẹ em lúc trước bán buôn ngoài chợ, em đi làm phục vụ quán ăn, ba mẹ con nương tựa nhau sống qua ngày. Nay mẹ đổ bệnh, em học xa nhà nên cũng rất lo lắng, em còn đứa em đang học lớp 10 nữa. Sau khi ổn định việc học, em sẽ tìm việc làm thêm để trang trải việc học và phụ giúp mẹ nuôi em ăn học" - Hân bộc bạch.
"Hãy nhớ để đừng gục ngã!"
Tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ rằng 50 bạn trẻ ngồi đây không ai mong muốn mình nghèo, khó để phải nhận sự giúp đỡ của người khác. Hoàn cảnh sống là điều mà người ta không thế lựa chọn từ khi mới sinh ra, cũng như khó khăn và thử thách là những lực cản không thể thiếu trên đường đời. Tuy nhiên, nghị lực và thái độ mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh thì không phải ai cũng làm được.
"Chúng tôi rất khâm phục các em. Học bổng chúng tôi trao cho các em hôm nay là những ân tình lớn hơn khoản vật chất mà các em nhận được, như đang trao sự tin tưởng và kì vọng vào một lớp trẻ biết phấn đấu vươn lên.
Trên đường đến giảng đường, nếu có khó khăn khiến các bạn chùng bước, nếu có lúc nào nản chí, hãy nhớ đến lý do vì sao mình được ngồi đây hôm nay, nhớ đến lý do mà mình nuôi khao khát tìm tri thức để đổi đời, và nhớ đến những người tốt đã tin tưởng chìa tay giúp đỡ mình. Hãy nhớ để đừng gục ngã!", nhà báo Hoàng Nguyên động viên.
Tiếp lời tại buổi lễ trao học bổng, bà Trịnh Thị Hồng Vân - phó tổng giám đốc Công ty yến sào Khánh Hòa, chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa - cho hay trong hành trình 20 năm học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, Công ty Yến sào Khánh Hòa là một trong những đơn vị đầu tiên đồng hành với chương trình để gieo mầm hạnh phúc, giúp đỡ các tân sinh viên viết tiếp những ước mơ học tập, thay đổi cuộc đời.
"Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn sinh viên được quan tâm, tiếp sức, vững vàng hơn trên đường đến trường, con đường tương lai để thực hiện ước mơ của mình và trở thành những tài năng đóng góp cho đất nước, xây dựng xã hội ngày một phát triển. Công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ các tân sinh viên, em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp, giúp các em đủ tự tin, hành trang bước vào đời", bà Vân nói.
Bày tỏ sự xúc động khi xem kỷ yếu về 50 gương mặt tân sinh viên của 3 tỉnh nhận học bổng đợt này, ông Đinh Văn Thiệu - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cũng cho biết vào thời điểm hiện tại, chi phí để học cao đẳng, đại học đối với sinh viên xuất thân trong gia đình bình thường đã thấy khó, còn với các em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo thì khó khăn tăng gấp bội phần. Nếu chỉ với khát khao và nghị lực, khó có sinh viên nào đi đến cùng suốt 4-5 năm học.
"Như vậy để thấy rằng học bổng Tiếp sức đến trường cho mỗi tân sinh viên có ý nghĩa rất lớn, đó chính là tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho các em", ông Thiệu nói.
Giữ lời hứa đến trường với cha, mẹ
Hai tân sinh viên mồ côi vào đại học nhờ sự cưu mang của hàng xóm và người thân
Tại lễ trao, phần giao lưu của hai tân sinh viên khiến không ít người xem lặng lẽ xúc động. Cả hai đều là những đứa trẻ mồ côi, người được ông nội đã gần 90 nuôi nấng, người sống nhờ tình thương của hàng xóm.
Dù có quá nhiều bất hạnh, thua thiệt trong cuộc sống nhưng những tân sinh viên này vẫn nuôi dưỡng ý chí, hoài bão lớn lao.
Có mặt tại khán phòng, nhiều người không khỏi rơi nước mắt khi nghe câu chuyện của Ngô Thị Hồng Hạnh - tân sinh viên ngành kỹ thuật hóa học - Trường ĐH Nha Trang. Cha rời bỏ hai anh em Hạnh từ hồi hai anh em còn nhỏ, mọi việc trong gia đình đều đổ dồn lên vai người mẹ.
Với bạn Ngô Thị Hồng Hạnh, việc đến giảng đường đại học là để thực hiện ước mơ làm dược sĩ chế tạo một loại thuốc cứu chữa những người bệnh tim như mẹ em, cũng là thực hiện lời hứa đến trường với anh trai - người đã nhường cơ hội được tiếp tục đi học cho em mình.
Nhưng biến cố lại ập đến, vào hè năm Hạnh học lớp 8, mẹ em cũng qua đời. Mất mẹ, anh trai Hạnh phải ở nhà người quen, rồi đi làm thêm phụ gửi tiền nuôi em. Sau đó anh trai Hạnh cũng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Còn Hạnh sống với bà Ngô Thị Bảy - một người hàng xóm tốt bụng đã cưu mang em từ đó đến nay.
"Mẹ em từng nói rằng, cuộc sống này nhìn lên mình không bằng ai nhưng nhìn xuống mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Vì vậy em phải cố gắng mỗi ngày vì bên cạnh em luôn là những lời động viên, sự quan tâm của bạn bè, thầy cô và người thân", Hạnh nói trong nước mắt.
Có mặt tại chương trình bà Bảy đã có những chia sẻ xúc động: "Hạnh rất chăm ngoan học giỏi. Tôi ước mình có thật nhiều điều kiện kinh tế để lo cho Hạnh ăn học, khi biết tin Hạnh nhận học bổng tôi rất mừng".
Chăm chú lắng nghe câu chuyện của Hạnh, bạn Lê Văn Sỹ - tân sinh viên trường Cao đẳng y tế Khánh Hòa cũng là một hoàn cảnh đầy nghị lực khác khi Sỹ đã phải mất cả ba và mẹ trong một vụ tai nạn giao thông vào 13 năm trước. Bốn anh em Sỹ thành trẻ mồ côi, thiếu hơi ấm tình thương từ sớm. Tất cả đều phụ thuộc vào ông nội của các em nay đã gần 90 tuổi.
"Bốn anh em được ông nội nuôi nấng, nhiều lúc nhìn những cơn đau, mệt mỏi của ông mà em lại đau lòng. Em phải đi học ra trường để báo đáp công ơn và tình thương của ông", Sỹ nói.
Sỹ dự định sau khi tốt nghiệp 3 năm cao đẳng, Sỹ sẽ đi làm trong chuyên ngành về nha khoa, để có thể chăm sóc sức khỏe cho ông nội và đóng tiền học phí cho em trai.
Niềm vui nhân đôi
Tại buổi trao học bổng, bà Bùi Thị Dung - chủ tịch Công ty Nha khoa Anna - đã quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập trong suốt thời gian tân sinh viên Lê Văn Sỹ theo học chuyên ngành kỹ thuật phục hình răng tại trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa.
Dù cha, mẹ không còn bên cạnh, nhưng cả Hạnh và Sỹ đều tin rằng đấng sinh thành của mình vẫn luôn âm thầm theo dõi và ủng hộ các con ở một nơi xa.
Hành trình đến giảng đường của các tân sinh viên vẫn còn dài, dù còn lắm khó khăn nhưng các bạn đều đang cố gắng từng ngày cho tương lai.
Vì các bạn hiểu rằng thành công sẽ đến với những ai biết rõ mình muốn điều gì và không bao giờ bỏ cuộc.
Tổng kinh phí chương trình hơn 750 triệu đồng do Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Khánh Hòa, Công ty CP Chế biến Lâm thủy sản Khánh Hòa, Tổng công ty Khánh Việt, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam (Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp) và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.
Bên cạnh đó chương trình còn tặng 3 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập do Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty CP Tập đoàn Vinacam tài trợ. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 8 suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS cho tân sinh viên tỉnh Khánh Hòa, và Công ty Yến sào Vietwings tài trợ 50 set yến chưng cao cấp cho các tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận