Những sinh viên vượt qua nghịch cảnh để vươn lên đến từ 19 tỉnh thành Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.
"Không tin là sự thật!"
Nguyễn Thị Hồng Mai, tân sinh viên ngành quản trị ngân hàng Trường đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên, chia sẻ trước khi lên xe đến Hà Nam nhận học bổng Tiếp sức đến trường, bạn "không tin đó là sự thật".
Đi cùng Mai còn có mẹ của bạn, bà Nguyễn Thị Lan. Năm nay 65 tuổi, bà Lan bị chứng đau lưng hành hạ, đi lại khó khăn nhưng vẫn quyết tâm đi ba chặng xe khách, vượt hơn 200 cây số để cùng con gái nhận học bổng.
Bà Lan kể bà một mình nuôi con. Hai mẹ con sống nhờ vào gánh hàng rau nhỏ ở chợ trung tâm xã. Trước khi Mai nhận học bổng, bà chạy vạy gần chục nhà anh em, bạn bè mới đủ tiền cho con đóng học. Khó khăn chất chồng nhưng bà Lan vẫn quyết tâm nuôi cô con gái duy nhất thực hiện ước mơ tới giảng đường đại học.
"Tôi mừng lắm! Học bổng cho con gái tôi làm cả nhà tôi đỡ khó khăn, cháu có động lực để tiếp tục đến trường", bà Lan chia sẻ.
Còn cô tân sinh viên Nguyễn Thị Hồng Mai lại không khỏi xúc động. Nước mắt Mai đã rơi khi kể lại giây phút nhận được tin được nhận học bổng Tiếp sức đến trường.
"Tôi nhắn tin hỏi cô giáo chủ nhiệm có phải sự thật em được nhận học bổng không? Cô giáo nói phải. Em lại sốt ruột nhờ người hỏi ban tổ chức xem có đúng không. Người nhà em cũng nhờ người hỏi nhiều nơi. Đúng là em được nhận học bổng".
Nguyễn Lệ Hằng, tân sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, mất mẹ từ nhỏ, bố đi bước nữa. Đến năm học lớp 9, bố của bạn mất vì căn bệnh ung thư, Hằng ở với mẹ nuôi, cũng là mẹ kế. Từ ngày bố mất, cả nhà chật vật vì bao nhiêu tiền của đã chạy chữa cho bố. Mẹ nuôi của Hằng làm công nhân của một xưởng may, thu nhập chẳng đáng là bao lại nuôi ba đứa con, cả con chồng, con riêng.
Trước khi lên học đại học, Hằng nhờ cô họ ở Hà Nội tìm việc. Hằng được nhận làm trợ giảng môn toán của một trung tâm giáo dục. Hằng ngày cứ tan học buổi trưa là Hằng chạy đi làm trợ giảng cách trường hơn chục cây số. Xong tiết đầu, khoảng 14h cô mới tranh thủ lót dạ để dạy tiếp. Công việc vất vả nhưng cô quyết tâm vừa học, vừa làm vì hoàn cảnh gia đình không cho phép cô ngơi nghỉ...
"Nghị lực của các bạn là động lực của chúng tôi"
Bà Lê Thị Hoài Thương, trưởng phòng đối ngoại cấp cao Công ty TNHH Nestle Việt Nam, cũng chia sẻ: "Nghị lực của các bạn tân sinh viên là động lực của chúng tôi". Bà Hoài Thương cho hay đây là lần thứ 8 Nestle đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong chương trình "Tiếp sức đến trường". Những năm trước, Nestle tham gia trao thưởng ở các cụm phía Nam, đây là lần đầu tiên công ty cùng báo Tuổi Trẻ trao học bổng cho các bạn tân sinh viên ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên của công ty luôn dõi theo hoạt động của "Tiếp sức đến trường".
Bà Thương cho hay Nestle hướng đến chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, tạo sinh kế cho người dân và hướng đến những hoạt động chung tay vì cộng đồng. Vì vậy, chương trình "Tiếp sức đến trường" và uy tín, giá trị nhân văn lan tỏa trong suốt hơn 20 năm qua khiến Nestle luôn muốn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
"Chúng tôi được chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng của các em. Những câu chuyện ấy khiến chúng tôi rất xúc động và cảm thấy được truyền thêm động lực từ những câu chuyện ấy", bà Thương cho hay.
Chia sẻ của ông Vũ Hải Sơn - phó tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Vinacam, và bà Lê Thị Hoài Thương - trưởng phòng đối ngoại cấp cao Công ty TNHH Nestle Việt Nam - Thực hiện: NGUYÊN BẢO - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN
Ông Vũ Hải Sơn, phó tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Vinacam, cho hay Vinacam đã đồng hành với chương trình "Tiếp sức đến trường" 21 năm nay. Ông đánh giá trong các hoạt động thiện nguyện thì "Tiếp sức đến trường" là chương trình hết sức ý nghĩa.
Chương trình đã hỗ trợ được hàng nghìn bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường, học tập và cống hiến cho đất nước. Theo ông Hải Sơn, tài trợ cho các bạn sinh viên vượt khó học tập chính là góp phần xây dựng cho tương lai.
"Chúng tôi rất mong các bạn thực sự cố gắng, tập trung học tập, đạt được kết quả tốt nhất. Đó là mong muốn của chúng tôi và cũng là cách báo đáp tốt nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi mong muốn chúng ta thấy được tinh thần của người Việt luôn luôn chia sẻ với những khó khăn, luôn chia sẻ, giúp đỡ những tấm gương vượt khó", ông Sơn nói.
Cam kết tiếp tục hỗ trợ tân sinh viên khó khăn
Tại buổi lễ, nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nhắc lại câu chuyện đúng một năm trước, cũng tại Phủ Lý (Hà Nam), báo Tuổi Trẻ đã trao 120 suất học bổng cho các bạn tân sinh viên. Ngày hôm nay, cũng tại nơi đây, báo Tuổi Trẻ trao 132 suất học bổng cho các tân sinh viên khó khăn khác.
Nhà báo Trần Xuân Toàn nhắc lại để minh chứng cho cam kết của báo Tuổi Trẻ và các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ những bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Dịp này, nhà báo Trần Xuân Toàn tặng các bạn tân sinh viên ba chữ "yêu": yêu bản thân, yêu gia đình và yêu quê hương đất nước. Tình yêu bản thân không phải là tình yêu ích kỷ mà là những kỹ năng để tự chăm sóc mình, biết vượt qua khó khăn, cám dỗ để học tập.
Yêu gia đình để luôn nhớ đến người thân, những người ở phía sau để các bạn được đến giảng đường. Chữ yêu thứ ba là yêu quê hương đất nước. "Khi các bạn yêu quê hương, yêu đất nước mình, các bạn mới có nghị lực cố gắng và cống hiến. Các bạn sau này sẽ thành công, nhưng sau khi các bạn thành công phải có sự sẻ chia, đóng góp cùng đất nước. Chúng tôi không cần các bạn trả lại hay đền đáp, mà mong các bạn có những đóng góp cho cộng đồng. Chính các bạn sẽ là người làm nên kỷ nguyên Vươn mình của đất nước", nhà báo Trần Xuân Toàn nói.
Thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc
Tại buổi lễ, bà Đinh Thị Lụa, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Nam, chia sẻ trong những năm qua, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai phức tạp. Vừa qua, khu vực Đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng nặng nề vì bão Yagi, khiến cuộc sống của người dân chồng chất khó khăn. Nhiều tân sinh viên đứng trước nguy cơ không được đến trường. "Sự hiện diện của báo Tuổi Trẻ với học bổng Tiếp sức đến trường thắp lên hy vọng cho các em vượt khó để viết tiếp ước mơ, trưởng thành và phát triển. Mỗi tân sinh viên là một câu chuyện của nghị lực vượt khó, vươn lên đỉnh cao của tri thức", bà Lụa nói.
Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Nam, mỗi suất học bổng không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc. Đặc biệt hơn, với tinh thần người đi trước nâng bước người đi sau, hơn 20 năm qua nhiều sinh viên nhận được hỗ trợ của học bổng đã "quay về" góp thêm sức vào quỹ học bổng, góp phần lan rộng thông điệp Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ.
Bà Đinh Thị Lụa nhận định những tân sinh viên có mặt ngày hôm nay có thể cảm thấy mình không phải là những người may mắn nhưng các em hãy biết tự hào vì bản thân đã không đầu hàng số phận để tiếp tục còn được chinh phục ước mơ. "Mong các em trân trọng món quà, tiếp tục vươn lên, không ngừng trau dồi tri thức, để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng quê hương đất nước", bà nói.
Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Hà Nam ngày 2-11-2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn Hà Nam và các Tỉnh, Thành đoàn phía Bắc tổ chức.
Tổng kinh phí chương trình hơn 2 tỉ đồng do Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.
Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có 2 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suốt 4 năm học và 5 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập.
Năm 2024 là năm thứ 21 của học bổng và là điểm trao thứ 9 trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024 của báo Tuổi Trẻ dành cho hơn 1.100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của cả nước với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng.
Ngoài những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 19 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, chương trình còn được tổ chức trao học bổng Tiếp sức đến trường theo các khu vực: miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khu vực Tây Bắc...
Chương trình Tiếp sức đến trường được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam) và các Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị, Phú Yên; Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam; ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 balo trị giá khoảng 250 triệu đồng; Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng.
Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận