10/07/2023 06:19 GMT+7

Tiêm vắc xin an toàn để bảo vệ mình và người thân

Thời gian gần đây, nhiều người dân đã nâng cao ý thức tự đi và đưa người dân của mình đi tiêm vắc xin phòng bệnh.

Được tiêm vắc xin đầy đủ, trẻ nhỏ có cơ hội phát triển toàn diện, hạn chế nguy cơ mắc bệnh

Được tiêm vắc xin đầy đủ, trẻ nhỏ có cơ hội phát triển toàn diện, hạn chế nguy cơ mắc bệnh

Trong đó, lựa chọn cơ sở có hệ thống bảo quản vắc xin chất lượng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm chủng an toàn được người dân đặt lên hàng đầu.

Mới đây, ông Trương Hữu Phúc đưa mẹ là bà Lê Thị Bông (91 tuổi) đến tiêm ngừa vắc xin cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Mong mẹ luôn khỏe mạnh, sống lâu cùng con cháu

Bà Bông tự hào chia sẻ: "Đã hơn 10 năm nay, năm nào con trai cũng dẫn tôi đi tiêm vắc xin cúm, không sót mũi nào, các loại vắc xin khác tôi đã được tiêm đầy đủ, người khỏe mạnh, không bị bệnh vặt gì". Bà còn cho biết cứ 3 tháng bà lại được con trai đưa đi khám bệnh tổng quát.

Ông Phúc bày tỏ: "Bản thân tôi cũng tiêm vắc xin hằng năm để hạn chế các mầm bệnh lây nhiễm. Với những người lớn tuổi như mẹ tôi thì một mũi vắc xin đáng giá hơn rất nhiều tiền bạc. 

Tôi hy vọng mẹ tôi sẽ luôn khỏe mạnh để sống lâu dài với con cháu. Tôi nghĩ đây là sự quan tâm thiết thực nhất đối với những người thân trong gia đình vì các bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng tăng".

Còn chị Trần Thu Hà, 35 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức, TP.HCM, cho hay chị có một bé gái 3 tuổi. Có loại vắc xin nào cho trẻ chị đều đăng ký tiêm hết cho con với mong muốn con chị được bảo vệ, không mắc các bệnh đã có vắc xin phòng ngừa và nếu có lỡ mắc thì thường nhẹ, không gây nguy hiểm gì đến sức khỏe. 

Ngoài tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch cho con, vợ chồng chị cũng tiêm vắc xin hằng năm cho chính mình. "Tôi chọn tiêm ở VNVC vì VNVC có sự đầu tư lớn và công khai về hệ thống bảo quản vắc xin đạt chuẩn quốc tế. 

Tôi được hướng dẫn cùng các điều dưỡng giám sát quy trình tiêm chủng, đặc biệt kiểm tra rất kỹ về loại vắc xin, hạn sử dụng, liều lượng và các thông tin quan trọng khác. Điều này làm tôi rất yên tâm", chị Hà chia sẻ.

Không chỉ những người dân khu vực ở TP mới có ý thức cao về việc tiêm vắc xin mà ngay cả những người dân ở vùng xa cũng đã ý thức được việc tiêm vắc xin chính là bảo vệ sức khỏe cho mình và những người thân của mình.

Trung tâm tiêm chủng VNVC Yên Bái tiếp nhận chị Giàng Thương, 38 tuổi, dân tộc Mông, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cùng gần 20 gia đình khác trong thôn bản đã vượt 120km để đến tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu khuẩn vào tháng 3-2023.

Chị Thương kể cán bộ ở địa phương thông tin bệnh cúm A rất nguy hiểm, nguy cơ bùng thành dịch. 

Những năm trước đã có nhiều người trong địa phương mắc bệnh, có người còn bị bệnh nặng phải chuyển lên bệnh viện trung ương điều trị, thậm chí có người mắc cúm A/H1N1 đã tử vong nên dân làng ai cũng lo, bàn nhau cùng đi tiêm vắc xin, phòng bệnh.

Bệnh viện Nhi đồng TP vẫn gặp những bệnh nhi mắc bệnh sởi, thủy đậu, quai bị... do không tiêm vắc xin ngừa các bệnh này trước đó. Những trường hợp này phải nhập viện, điều trị kéo dài, thậm chí để lại những ảnh hưởng về sau ở trẻ. Do vậy, các bậc phụ huynh nên chích ngừa cho trẻ đầy đủ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP)

Hạn chế nguy cơ mắc bệnh

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - UNICEF, vắc xin đã cứu sống gần 3 triệu người mỗi năm. Trung bình cứ mỗi 5 phút trôi qua, có 5 người được cứu sống nhờ vắc xin. 

Tuy nhiên, việc gián đoạn tiêm chủng do dịch bệnh hay thiếu nguồn cung vắc xin đã khiến hàng triệu trẻ em không được bảo vệ. Vấn đề này được xem là một trong những nguy cơ y tế công cộng. UNICEF cũng thống kê 1,5 triệu ca tử vong có thể ngăn ngừa được nếu tăng độ bao phủ của tiêm chủng trên toàn cầu.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, cho biết tại Bệnh viện Nhi đồng TP vẫn gặp những bệnh nhi mắc bệnh sởi, thủy đậu, quai bị... do không tiêm vắc xin ngừa các bệnh này trước đó. 

Những trường hợp này đã phải nhập viện, điều trị kéo dài, thậm chí đã để lại những ảnh hưởng về sau ở trẻ. Cụ thể, những trẻ mắc bệnh thủy đậu nặng có thể nhiễm trùng huyết, viêm não, sẹo xấu, còn những trẻ mắc bệnh quai bị nặng có nguy cơ gây viêm tinh hoàn, gây vô sinh... Do vậy, bác sĩ Minh Tiến khuyên các bậc cha mẹ nên chích ngừa cho trẻ đầy đủ.

Còn theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ em nhờ tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết nên tỉ lệ mắc các loại bệnh như ho gà, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, rubella hoặc sởi, quai bị có dấu hiệu giảm rõ rệt. 

Được bảo vệ sức khỏe từ bé tới lớn, trẻ nhỏ có cơ hội phát triển toàn diện, đảm bảo sức khỏe ổn định, hạn chế nguy cơ mắc bệnh, gây ảnh hưởng tới thể chất cũng như trí não.

Không những vậy, sau khi tiến hành tiêm phòng bệnh, chúng ta thấy rõ ràng trẻ nhỏ sẽ giảm tỉ lệ đối mặt với nguy cơ bị biến chứng, dị tật hoặc tử vong. Đây là dấu hiệu tốt và đáng mừng mà các bậc phụ huynh nên biết và cho con em đi tiêm chủng.

Bác sĩ Tuấn Quy nhấn mạnh trẻ em rất ít khi bị biến chứng nguy hiểm sau khi tiêm phòng vắc xin. Nếu không may mắc bệnh, nhờ có tiêm chủng mà việc điều trị trở nên dễ dàng hơn, khả năng phục hồi cao hơn, tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí điều trị so với những người không được tiêm chủng.

Tọa đàm "Tiêm chủng vắc xin an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng"

Theo các chuyên gia, tiêm chủng an toàn là tiêm chủng vắc xin chất lượng, được bảo quản nghiêm ngặt bởi hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP, hệ thống dây chuyền lạnh Cold Chain và tuân thủ sử dụng trong quy trình an toàn.

Hiện nay, thực trạng các cơ sở tiêm chủng không thực hiện đầy đủ tiêu chí bảo quản vắc xin an toàn trong điều kiện của kho lạnh và dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin đạt chuẩn GSP và không tuân thủ quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt là một vấn đề đáng lo ngại.

Vậy quy trình thực hành tiêm chủng như thế nào mới đảm bảo an toàn? Vắc xin phải được bảo quản ra sao mới đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả phòng bệnh? Làm thế nào để lan tỏa nhận thức của cộng đồng về tiêm vắc xin an toàn? Đây là những điều mà người dân luôn quan tâm.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ những nội dung trên, báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, tổ chức buổi tọa đàm và tư vấn trực tuyến về vắc xin và tiêm chủng vào lúc 9h sáng ngày 10-7, tại khách sạn Sheraton Hà Nội. Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, như:

PGS.TS Lê Việt Dũng - phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

TS Đinh Bích Thủy - trưởng khoa khám theo yêu cầu Bệnh viện Phụ sản trung ương.

TS Lưu Thị Dung - phó trưởng khoa quản lý hệ thống chất lượng Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.

TS Đặng Thanh Huyền - phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

PGS.TS.BS Phạm Quang Thái - phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

BS CK1 Bạch Thị Chính - giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC.

• Cùng các chuyên gia uy tín khác.

MINH HUỲNH

Những vắc xin nào cần tiêm cho trẻ em, thanh niên, người già, phòng được những bệnh nào?Những vắc xin nào cần tiêm cho trẻ em, thanh niên, người già, phòng được những bệnh nào?

Thay vì chỉ cần tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ có thai như nhiều bậc cha mẹ vẫn nghĩ trước đây, hiện nay các trung tâm tiêm chủng có tới trên 40 loại vắc xin, sử dụng tiêm ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm cho nhiều lứa tuổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên