08/07/2023 09:40 GMT+7

Những vắc xin nào cần tiêm cho trẻ em, thanh niên, người già, phòng được những bệnh nào? 1

Thay vì chỉ cần tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ có thai như nhiều bậc cha mẹ vẫn nghĩ trước đây, hiện nay các trung tâm tiêm chủng có tới trên 40 loại vắc xin, sử dụng tiêm ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm cho nhiều lứa tuổi.

Tiêm chủng vắc xin tại Hệ thống tiêm chủng VNVC 

Tiêm chủng vắc xin tại Hệ thống tiêm chủng VNVC

Trong số hơn 40 vắc xin hiện có, có các vắc xin rất mới như vắc xin ngừa hội chứng nhiễm trùng, viêm màng não, viêm phổi; ngừa ung thư cổ tử cung do vi rút HPV, sắp tới có thể có vắc xin ngừa tay chân miệng và nhiều vắc xin khác.

Chính vì vậy, khái niệm "tiêm chủng" đã thay đổi, trước đây mọi người vẫn nghĩ chỉ trẻ em mới cần tiêm chủng, ngày nay có nhiều loại vắc xin dành cho người lớn, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, vị thành niên và thanh niên. 

Vì lứa tuổi cần tiêm chủng đã thay đổi, những vắc xin nào cần tiêm cho lứa tuổi nào? Hiệu quả tiêm chủng ra sao? Sau tiêm cần chăm sóc như thế nào để đảm bảo an toàn là những câu hỏi nhiều người quan tâm.

Để giải đáp những câu hỏi mà bạn đọc quan tâm về vắc xin và tiêm chủng, báo Tuổi TrẻHệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức cuộc tọa đàm và giao lưu trực tuyến "Tiêm chủng vắc xin an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng", từ 9-11h ngày 10-7.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có câu hỏi về an toàn tiêm chủng, các vắc xin hiện có, lịch tiêm chủng, vắc xin cần tiêm... có thể gửi tới các khách mời của chúng tôi, qua địa chỉ email tiemngua@tuoitre.com.vn. Các khách mời gồm:

- TS Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia.

- TS Lưu Thị Dung, phó trưởng khoa quản lý hệ thống chất lượng, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.

- TS Đinh Bích Thủy, trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản trung ương

- Bác sĩ Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC

- PGS-TS Phạm Quang Thái, phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương

Câu trả lời sẽ được cập nhật trên tuoitre.vn từ 9-11h sáng 10-7, mời bạn đọc đón xem.

6 lần đi tôi mới được tiêm vắc xin mũi thứ nhất6 lần đi tôi mới được tiêm vắc xin mũi thứ nhất

Tôi là giáo viên, thuộc đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 từ giữa tháng 6-2021. Buổi sáng 23-6-2021, tôi nhận được tin nhắn của hiệu trưởng nhà trường thông báo 15h30 cùng ngày đến điểm tiêm đặt tại Trường THCS Phước Thạnh.

Đặt câu hỏi đến
Gửi câu hỏi
NTBC:
Sau khi tiêm vắc xin xong, bác sĩ cho ở lại theo dõi 30 phút. Vậy sau khi tiêm 30 phút đó là đã yên tâm không có vấn đề (như sốc thuốc) gì nguy hiểm phải không ạ? Vì sau khi tiêm vắcxin cho con về nhà, tôi vẫn luôn để ý con vì sợ con bị sốc thuốc. Xin cảm ơn.
Ông Phạm Quang Thái:

Qua quá trình đánh giá các trường hợp phản ứng bất lợi sau tiêm, kết quả cho thấy phần lớn các phản ứng bất lợi nặng hiếm gặp sẽ xảy ra trong vòng 24h và tập trung vào thời gian 30 phút sau tiêm. Đây là lý do lưu người tiêm tại điểm tiêm 30 phút để theo dõi.

Tuy nhiên, sau 30 phút về nhà thì việc tiếp tục theo dõi sát 24h cũng như theo dõi tiếp sức khỏe 3-7 ngày sau tiêm để đảm bảo an toàn nhất. Nếu người chăm sóc thấy bất thường gì ở người được tiêm thì thông báo sớm nhất cho cơ sở tiêm chủng để được tư vấn hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

Đỗ Văn:
Nhiều loại vắc xin cần bảo quản lạnh. Có cơ chế nào kiểm soát, kiểm tra nào đang thực hiện để thực sự chúng đã được bảo quản tốt, tránh vắc xin bị hỏng do không được bảo quản đúng vẫn được tiêm cho người dân?
TS Đặng Thanh Huyền:

Vắc xin được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh từ nhà sản xuất cho đến điểm tiêm chủng. Nhiệt độ bảo quản vắc xin phải trong dải nhiệt độ cho phép.

Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin được trang bị các thiết bị chuyên dụng và đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Ngoài ra, tại tất cả các tuyến được trang bị đầy đủ thiết bị theo dõi nhiệt độ và có kế hoạch chủ động xử lý các trường hợp sự cố dây chuyền lạnh.

Các cán bộ làm công tác quản lý vắc xin cũng được đào tạo và đào tạo lại hàng năm về quy trình bảo dưỡng dây chuyền lạnh, bảo quản và vận chuyển vắc xin. Vì vậy, chất lượng vắc xin được đảm bảo khi đến với người dân.

Minh Minh:
Tôi đã tiêm vắc xin phòng cúm mùa nhưng đến mùa tôi vẫn mắc cúm như bình thường, vẫn mệt như những năm tôi chưa tiêm. Vậy vắc xin cúm có hiệu quả như thế nào? Trong trường hợp nào vắc xin cúm không đem lại hiệu quả như mong muốn?
Ông Phạm Quang Thái:

Cảm cúm, hắt hơi sổ mũi khi chuyển mùa có thể do nhiều tác nhân bao gồm cả vi khuẩn và vi rút. Rất khó có thể phòng hết các tác nhân này.

Vắc xin phòng cúm hiện có thể phòng 4 loại vi rút cúm (A-2 loại H1N1 và H3N2, cúm B-2 loại), với 4 chủng cúm có trong vắc xin, có thể phòng trên dưới 60% bệnh cúm mùa hàng năm nhưng không có nghĩa là phòng được hết.

Ngoài ra, nếu chủng cúm mới xuất hiện thì khả năng bảo vệ của vắc xin có thể không đạt như mong muốn.

Vì vậy, bên cạnh việc tiêm vắc xin, thói quen sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe và các biện pháp dự phòng không đặc hiệu như giữ ấm họng, vệ sinh tay, đeo khẩu trang cũng góp phần quan trọng vào việc giữ sức khỏe của bạn.

Đông Phương:
Thưa BS, các loại vắc xin như uốn ván, phế cầu, cúm... có an toàn cho nhóm người cao tuổi và có bệnh nền không? Người cao tuổi, có các bệnh nền như tim, Alzheimer, Parkinson cần lưu ý những gì khi tiêm chủng?
TS Đặng Thanh Huyền:

Các loại vắc xin trước khi được đưa vào sử dụng đều được kiểm tra nghiêm ngặt tại các cơ sở sản xuất, đảm bảo tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch. Đối với từng lô vắc xin nhập khẩu và sản xuất trong nước đều được kiểm định tại Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế. Vì vậy, bạn có thể yên tâm tiêm các vắc xin nêu trên.

Đối với những người mắc bệnh nền sẽ được nhân viên y tế khám sàng lọc và nếu đủ điều kiện sức khỏe sẽ được chỉ định tiêm chủng vắc xin. Các trường hợp Alzheimer, Parkinson, các trường hợp cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch...đã được điều trị ổn định không phải là lý do để tạm hoãn tiêm chủng.

Thu Triều:
Tôi được biết VNVC sử dụng 2 loại kim tiêm trong 1 thao tác tiêm, loại kim lớn và loại kim nhỏ, vì sao lại như thế?
Bà Bạch Thị Chính:

Sử dụng một kim hay hai kim đều được trong quá trình tiêm chủng đều được. Tuy nhiên, VNVC sử dụng 2 loại kim tiêm với mục đích một loại dùng để lấy pha thuốc, một loại dùng để tiêm. Sử dụng hai loại khác nhau để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm, nhất là độ sắc của kim tiêm, tạo cảm giác dễ chịu cho khách hàng.

Ngô Bùi Thế Bảo:
Thưa bác sĩ, do vắc xin 5 trong 1 đã thiếu từ tháng 2 nên con tôi đã hoãn lịch tiêm mũi 2 đến nay, vậy nếu có vắc xin cho cháu đi tiêm lại có hiệu quả như tiêm đúng lịch hay không?
TS Đặng Thanh Huyền:

Chào bạn, trước khi tiêm chủng, bạn cần được nhân viên y tế khám sàng lọc để xem xét tình hình sức khỏe có đủ điều kiện thực hiện tiêm chủng hay không. Các trường hợp phổ biến như đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng, sốt cao… sẽ được tạm hoãn đến khi tình trạng sức khỏe ổn định trở lại. Các mũi tiêm bị hoãn sẽ được tiêm sớm nhất khi có thể mà bạn không cần phải tiêm lại từ đầu.

Vắc xin viêm gan B là vắc xin rất an toàn, hiệu quả cao. Hàng chục triệu liều vắc xin đã được tiêm an toàn cho trẻ em từ khi mới sinh ra. Sau tiêm vắc xin viêm gan B bạn có thể gặp một vài triệu chứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, thường tự khỏi sau 1-2 ngày. Vì vậy bạn hãy yên tâm khi đi tiêm chủng.

Phùng Thị Cẩm:
Hạn sử dụng của vắc xin như thế nào là an toàn? Quy trình kiểm soát hạn sử dụng của vắc xin tại VNVC được thực hiện như thế nào để đảm bảo tiêm đúng vắc xin, an toàn cho người dân?
Bà Ngô Thị Tuyết Sương:
Giám đốc chất lượng hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam

Hạn sử dụng của vắc xin được nhà sản xuất đưa ra và ghi rõ trên bao bì của vắc xin.

Nhà sản xuất đã nghiên cứu độ ổn định rất kỹ lưỡng để đưa ra hạn dùng cho vắc xin. Nếu vắc xin được bảo quản đúng yêu cầu của nhà sản xuất thì vắc xin sẽ vẫn an toàn và hiệu quả đến ngày cuối cùng của hạn dùng.

Tại VNVC xây dựng hệ thống quy trình đáp ứng hướng dẫn thực hành tốt bảo quản vắc xin GSP.

Minh Đức:
Hiện vắc xin ở nhiều cơ sở tiêm chủng vẫn đang rất thiếu, ở VNVC thì cuối 2022 khi đưa con đi tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV cũng không đủ vắc xin. Nếu mua vắc xin theo gói thì có đảm bảo đủ vắc xin cung cấp hay không?
Bà Vũ Thị Thu Hà:
Giám đốc cung ứng hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam

Hiện nay VNVC đã có đầy đủ vắc xin Gardassil 9, Gardassil để phục vụ khách hàng. Do ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp của nhà sản xuất nên có những giai đoạn thiếu hụt trong thời gian ngắn. Hiện khách hàng có thể đi tiêm bù nếu chưa hoàn tất lịch tiêm.

Nguyễn Duy Nhẫn:
54 tuổi cần tiêm vắc xin gì thưa bác sĩ?
Bà Bạch Thị Chính:

Với người 54 tuổi cần tiêm (ưu tiên):

+ Vắc xin cúm (tiêm nhắc hàng năm).

+ Vắc xin phế cầu 1 mũi.

+ Vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (tùy lịch sử tiêm ngừa trước đó, nếu đã tiêm đầy đủ thì sẽ tiêm 1 mũi, tiêm nhắc mỗi 10 năm).

Ngoài ra tùy tình hình dịch bệnh có thể tiêm những loại vắc xin khác (gặp bác sĩ tư vấn).

Lam An:
Khái niệm tiêm chủng hiện nay mở rộng là "tiêm chủng trọn đời", khái niệm này có ý nghĩa như thế nào?
Bà Bạch Thị Chính:

Tiêm chủng không chỉ dành cho trẻ em từ 0 đến 5 tuổi mà còn phải ở giai đoạn tiêm học đường, vị thành niên, thanh thiếu niên, người lớn, người cao tuổi, người có bệnh nền, mỗi một giai đoạn tuổi đều có vắc xin phù hợp tránh những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tấn Phát, quận 12 TPHCM:
Tôi đang bị cảm sốt khá nặng, ăn uống kém, xin phép nghỉ làm nhưng một ngày nữa tới lịch tiêm nhắc lại mũi vắc xin ngừa viêm gan B. Sức khỏe tôi như vậy có cần đi tiêm cho đúng lịch không? Nếu tiêm thì cần lưu ý gì, có gặp tác dụng phụ không?
TS Đặng Thanh Huyền:

Chào bạn, trước khi tiêm chủng, bạn cần được nhân viên y tế khám sàng lọc để xem xét tình hình sức khỏe có đủ điều kiện thực hiện tiêm chủng hay không. Các trường hợp phổ biến như đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng, sốt cao… sẽ được tạm hoãn đến khi tình trạng sức khỏe ổn định trở lại. Các mũi tiêm bị hoãn sẽ được tiêm sớm nhất khi có thể mà bạn không cần phải tiêm lại từ đầu.

Vắc xin viêm gan B là vắc xin rất an toàn, hiệu quả cao. Hàng chục triệu liều vắc xin đã được tiêm an toàn cho trẻ em từ khi mới sinh ra. Sau tiêm vắc xin viêm gan B bạn có thể gặp một vài triệu chứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, thường tự khỏi sau 1-2 ngày. Vì vậy bạn hãy yên tâm khi đi tiêm chủng.

Lâm Thị Quỳnh Anh:
Thông thường, tùy vào tình hình dịch tễ bệnh tật sẽ được tiêm chủng các loại vắc xin phù hợp. Hiện Việt Nam có rất nhiều loại vắc xin, nhưng không có thống kê về mô hình bệnh tật nên có nơi tư vấn tiêm có còn hơn không. Trong khi đó các loại vắc xin dịch vụ rất đắt. Xin bác sĩ có thể tư vấn các loại vắc xin trẻ không nên bỏ lỡ và các loại vắc xin nào tiêm bổ sung trong điều kiện kinh tế cho phép.
TS Đặng Thanh Huyền:

Chào bạn, để tư vấn cụ thể chúng tôi cần biết con bạn đang ở độ tuổi nào.

Hiện tại chương trình tiêm chủng mở rộng đang triển khai tiêm chủng miễn phí vắc xin phòng 10 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến tại Việt Nam bao gồm: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, bại liệt, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản.

Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các vắc xin nêu trên. Bạn hãy cho con đến các trạm y tế xã phường để được tư vấn cụ thể và tiêm miễn phí nếu trẻ trong độ tuổi quy định.

Trường hợp có điều kiện, bạn có thể cho cháu đến cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm thêm vắc xin phòng bệnh phế cầu, quai bị, cúm, thủy đậu…

Ngọc Diệp:
Vắc xin chống viêm phổi hiệu quả như thế nào và chống được các tuýp viêm phổi nào, thưa bác sĩ? Vắc xin này có nhất thiết phải tiêm vào thời điểm nào trong năm hay không ạ?
Bà Bạch Thị Chính:

Bệnh lý viêm phổi có thể do nhiều nguyên nhân:

- Do siêu vi như: cúm, SARS-CoV-2;

- Do vi trùng: vi trùng phế cầu, vi trùng não mô cầu, vi trùng H.influezea.

Hiện nay chúng ta có các loại vắc xin:

- Vắc xin phòng COVID-19 (của nhà nước quản lý)

- Những vắc xin dịch vụ gồm:

+ Vắc xin phòng bệnh cúm mùa phòng 4 loại: 2 loại cúm A: H1N1- H3N2; 2 loại cúm B: Victoria và Gamajata. Tiêm phòng mỗi năm.

+ Vắc xin phòng H.influezea (Hib) có trong vắc xin 5 trong 1 (phòng bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, Hib). Đây là vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng có trong vắc xin 6 trong 1 (phòng bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, Hib, bại liệt).

+ Vắc xin phòng não mô cầu: Hiện nay có 2 loại là vắc xin phòng não mô cầu BC tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi cho đến 45 tuổi; vắc xin não mô cầu ACWY tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi.

+ Vắc xin phòng vi trùng phế cầu có 2 loại: vắc xin phế cầu PVC 10 tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi; vắc xin PVC 13 tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến người lớn.

Vắc xin chứa thành phần kháng nguyên của siêu vi trùng hoặc vi trùng nào thì phòng đúng loại siêu vi trùng hoặc vi trùng đó.

Việc tiêm phòng vắc xin có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào khi chúng ta nghĩ đến và hiện tại có nguồn cung cấp trên thị trường. mỗi vắc xin có lịch tiêm khác nhau, bác sĩ sẽ là người hướng dẫn lịch tiêm cho khách hàng.

B.Đ.:
Thưa bác sĩ, cháu rất vui khi nghe bác đề cập đến việc vắc xin phòng bệnh tay chân miệng EV71 ở nước ngoài đã được nộp hồ sơ đăng ký, nếu được xin bác sĩ chia sẻ thêm thông tin về vắc xin này.
TS Đặng Thanh Huyền:

Hiện nay trên thế giới vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm trong đó có vắc xin phòng chân tay miệng vẫn đang được các tổ chức quốc tế, các nhà sản xuất nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng được lưu hành và sử dụng.

Hy vọng trong thời gian tới vắc xin này sau khi được nghiên cứu đầy đủ về tính an toàn và tính sinh miễn dịch sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi để phòng bệnh cho nhiều trẻ em.

Hạnh Dung:
Tôi được biết VNVC có quy trình tiêm chủng an toàn, quy trình này do VNVC tiên phong sáng kiến và trở thành quy trình chuẩn mực ứng dụng cho hàng trăm trung tâm VNVC cho đến nay. Quy trình này được thực hiện như thế nào thưa bà?
Bà Ngô Thị Tuyết Sương:
Giám đốc chất lượng hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam

VNVC xây dựng hệ thống SOP (quy trình thao tác chuẩn) gồm những quy trình bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho lĩnh vực tiêm chủng và bảo quản vắc xin. Ngoài ra, VNVC còn xây dựng những quy trình riêng nhằm đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng. Các quy trình này được triển khai và áp dụng tại gần 115 trung tâm tiêm chủng thuộc hệ thống tiêm chủng, dịch vụ VNVC trên toàn quốc.

An toàn tiêm chủng bao gồm: An toàn vắc xin và an toàn trong công tác tổ chức tiêm chủng.

- An toàn vắc xin bao gồm:

+ Nguồn vắc xin rõ ràng, có đầy đủ hoá đơn và chứng từ pháp lý, được nhập từ đơn vị được Bộ Y tế cấp phép.

+ Bảo quản đúng yêu cầu của nhà sản xuất trong suốt quá trình vận chuyển, bảo quản và sử dụng. Tại VNVC có hệ thống dây chuyền lạnh hiện đại (cold chain) bao gồm xe lạnh để vận chuyển vắc xin, các kho lạnh tổng 3 miền và các kho lạnh tại các trung tâm tiêm chủng để bảo quản vắc xin và tủ lạnh chuyên dụng để bảo quản vắc xin trong quá trình sử dụng.

- An toàn trong tổ chức hoạt động tiêm chủng :

+ Khám sàng lọc trước tiêm chủng đúng theo hướng dẫn của quyết định 1575 của Bộ Y tế.

+ An toàn trong khâu tiêm 5 đúng: đúng thuốc, đúng liều, đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng đường tiêm.

+ An toàn trong theo dõi sau tiêm 30p tại VNVC, sau đó theo dõi tại nhà.

VNVC có hệ thống tổng đài hỗ trợ khách hàng, đồng hành cùng khách hàng trong theo dõi sức khỏe sau tiêm tại nhà.

Thiếu Khanh:
VNVC có chương trình hỗ trợ nào cho trẻ là con em người lao động thu nhập trung bình không, thưa bà? Cảm ơn bà!
Bà Vũ Thị Thu Hà:
Giám đốc cung ứng hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam

Những hỗ trợ từ VNVC :

- Miễn phí mũi tiêm lao, VAT cho khách hàng, tùy theo chương trình.

- Ưu đãi giá trực tiếp hoặc tặng các voucher tiêm chủng để hỗ trợ chi phí tiêm chủng.

- Hỗ trợ giá cho khách hàng gói.

- Hỗ trợ giải pháp tài chính trả góp "tiêm trước trả tiền sau" cho khách hàng gói. Toàn bộ chi phí lãi vay sẽ do VNVC hỗ trợ.

Thùy Dương:
Tiêm chủng an toàn là gì? Người dân cần giám sát như thế nào để biết mình được tiêm chủng an toàn? Vì sao phải khám trước khi tiêm chủng?
Bà Bạch Thị Chính:

1. Tiêm chủng an toàn là một quy trình nhằm đảm bảo:

+ Không nguy hại cho người được tiêm.

+ Không gây nhiễm cho người tiêm.

+ Không tạo chất thải nguy hiểm cho người khác và cho cộng đồng.

Đối với tiêm chủng, tiêm chủng an toàn đòi hỏi:

+ Vắc xin phải đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo quy trình bảo quản vắc xin đúng yêu cầu của Bộ Y tế và Quốc tế.

+ Khám sàng lọc chỉ định theo đúng quy định của Bộ Y tế.

+ Tiêm chủng phải thực hiện 5 đúng: đúng người được tiêm, đúng vắc xin, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng đường tiêm.

+ Theo dõi phát hiện xử trí những phản ứng sau tiêm nếu có xảy ra.

2. Tiêm chủng an toàn là một quy trình đòi hỏi phải có sự phối hợp từ hai phía:

+ Một bên là nơi cung cấp dịch vụ: thực hiện những quy trình bắt buộc của Bộ Y tế, của công ty xây dựng trong việc khám sàng lọc, tiêm chủng và quản lý rác thải y tế theo quy định của Bộ Y tế.

+ Một bên là khách hàng: phối hợp thực hiện, cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết trong quá trình khám sàng lọc cho bác sĩ, ví dụ: lịch sử tiêm chủng, lịch sử về bệnh (bẩm sinh, mạn tính, cấp tính), thực hiện đầy đủ những hướng dẫn của bác sĩ về vấn đề phản ứng sau tiêm sau 30 phút và tại nhà, đồng thời khách hàng là người giám sát việc khám sàng lọc có đủ bước hay không, tiêm chủng có đúng quy định

3. Phải khám sàng lọc trước khi tiêm nhằm:

+ Để chỉ định đúng loại vắc xin theo lứa tuổi giúp cho trẻ được phòng bệnh sớm và đầy đủ.

+ Hạn chế thấp nhất những phản ứng sau tiêm chủng có thể xảy ra do những bệnh lý trùng lặp.

+ Hướng dẫn cho phụ huynh biết được những tác dụng không mong muốn sau khi tiêm ngừa, đặc biệt những dấu hiệu nặng có thể xảy ra sớm trong vòng 30p hoặc muộn hơn nhằm có thể xử trí kịp thời. Ngoài ra, hướng dẫn cho phụ huynh biết những phản ứng nhẹ có thể chăm sóc tại nhà sau khi tiêm chủng, giúp phụ huynh an tâm khi đưa con em mình đi tiêm chủng.

Lợi ích của khám sàng lọc còn giúp cho phụ huynh biết được lịch tiêm chủng của từng loại vắc xin để trẻ - khách hàng có thể tiêm chủng đầy đủ đúng lịch.

Tùng Lâm:
Thưa bác sĩ, tôi tiêm vắc xin COVID-19 mũi đầu có sốt, vậy nếu tôi tiêm các loại vắc xin khác có triệu chứng sốt vậy không?
Ông Phạm Quang Thái:

Sốt là một phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin, điều này thể hiện việc cơ thể đã có đáp ứng đối với kháng nguyên có trong vắc xin từ đó tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, nếu sốt cao sẽ không có lợi và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy nếu sốt cao cần được xử lý với các biện pháp hạ sốt phù hợp.

Việc tiêm bị sốt với một loại vắc xin không có nghĩa là sẽ bị sốt với một loại vắc xin khác, thậm chí là ngay cả với chính vắc xin đó thì mũi 2 cũng không chắc sẽ bị sốt như vậy.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ khoảng 5-6% số người sẽ lặp lại tình trạng phản ứng bất lợi như đã thấy ở lần tiêm trước. Và ngược lại, một người tiêm không có phản ứng gì thì không có nghĩa là lần sau họ cũng sẽ như vậy. Chính vì thế, việc theo dõi sau tiêm một cách thận trọng là hết sức cần thiết để đảm bảo an toàn cho người được tiêm trong mọi tình huống.

Đăng Khoa:
Độ tuổi nào tiêm vắc xin HPV là phù hợp nhất? Nếu đã ngoài 20 tuổi thì hiệu quả còn tốt không và có nên tiêm cho nam thiếu niên?
Bà Đinh Bích Thủy:

Độ tuổi tiêm hiệu quả nhất là 9-26 tuổi. Ngoài 20 tuổi vẫn có hiệu quả tốt và có thể tiêm cho nam giới.

Bảo Ngọc:
Việt Nam đã có những loại vắc xin được sản xuất trong nước và được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng? Chất lượng, độ an toàn, hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh của các loại vắc xin này như thế nào ạ?
TS Lưu Thị Dung:

Hiện nhiều loại vắc xin được sản xuất trong nước đã được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng như: vắc xin bại liệt (OPV), vắc xin lao (BCG), vắc xin sởi - rubella (MR), viêm gan B, vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT)...

Các loại vắc xin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng đã được các nhà sản xuất nghiên cứu đầy đủ về tính an toàn, hiệu quả của vắc xin khi sử dụng trên người Việt Nam, đồng thời tất cả các lô vắc xin đều được các cơ quan quản lý dược của Bộ Y tế bao gồm: Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành, được kiểm định chất lượng bởi Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế trước khi đưa vào tiêm chủng.

Phan Thị Huyền Linh:
Gia đình tôi có mẹ già đã 75 tuổi, tôi định tiêm vắc xin ngừa viêm phổi có được không? Mong bc tư vấn giúp, xin cảm ơn.
Bà Bạch Thị Chính:

Hiện nay, tại Việt Nam có loại vắc xin phòng các bệnh lý có liên quan đến phổi là vắc xin phòng phế cầu khuẩn (bệnh nặng: viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, bệnh nhẹ như: viêm xoang, viêm tai giữa) cho trẻ từ 6 tuần tuổi cho đến người lớn. Với người từ 2 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 mũi.

Ngoài ra có 1 loại vắc xin khác phòng những bệnh liên quan đến phổi là vắc xin cúm tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn. Với trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi, nếu tiêm lần đầu sẽ tiêm 2 liều cách 1 tháng rồi sau đó tiêm nhắc mỗi năm. Từ 9 tuổi trở lên vắc xin này phải tiêm phòng hàng năm.

Nguyễn Văn Tùng:
Vắc xin COVID-19 của Việt Nam một thời rầm rộ giờ sao rồi thưa chị? Chúng ta còn tiếp tục không và có lãng phí không?
TS Đặng Thanh Huyền:

Chúng ta đã trải qua gần 3 năm ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 đến sức khỏe toàn bộ người dân, đời sống kinh tế xã hội. Với việc triển khai rộng rãi vắc xin COVID-19, chúng ta đã tạo ra nền tảng miễn dịch bảo vệ người dân khỏi các biến chứng ngiêm trọng của bệnh, thậm chí tử vong mà chúng ta đã chứng kiến trong giai đoạn chưa có vắc xin.

Nền kinh tế, hoạt động lao động sản xuất, học tập của người lớn và trẻ em được khôi phục. Vì vậy, hiệu quả của việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 là không thể phủ nhận.

Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn đưa vắc xin phòng COVID-19 vào hoạt động thường xuyên để tiếp tục tiêm chủng cho nhóm người nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người cao tuổi, người có bệnh nền, người hệ miễn dịch suy giảm...). Đồng thời, tiêm các mũi cơ bản và mũi tiêm nhắc, tiêm bổ sung cho nhóm trẻ em từ 4 lên 5 tuổi, 11 tuổi lên 12 tuổi.

Phạm Thảo:
Tất cả những người sinh năm 1980 chúng tôi đều không được tiêm vắc xin phòng lao. Vậy giờ có cần tiêm không và nên thế nào để giảm nguy cơ?
Ông Phạm Quang Thái:

Hiện tại Việt Nam không có vắc xin phòng lao cho người trên 1 tuổi. Vì vậy các biện pháp dự phòng cho người trên độ tuổi này đều là không đặc hiệu như vệ sinh, khẩu trang... và nâng cao thể trạng.

Lê Thiện Hữu:
Làm sao để người dân được giám sát tiêm chủng an toàn? Việc bảo quản vắc xin liên quan đến tiêm chủng an toàn như thế nào?
Bà Ngô Thị Tuyết Sương:
Giám đốc chất lượng hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam

Để người dân giám sát được tiêm chủng an toàn, những người làm công tác chuyên môn tiêm chủng cần truyền thông, kiến thức về tiêm chủng an toàn cho người dân để người đi tiêm có hiểu biết để giám sát hoạt động tiêm chủng.

tuyet suong
Bà Ngô Thị Tuyết Sương, giám đốc chất lượng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - Ảnh: NAM TRẦN
Văn Tài:
Quy trình tiêm phòng viêm gan B như thế nào? Ở trẻ em và người lớn có khác nhau không?
TS Đặng Thanh Huyền:

Vắc xin viêm gan B được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997 để tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi. Từ năm 2003, vắc xin này được triển khai tiêm chủng cho trẻ sơ sinh tại các cơ sở có phòng sinh như bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế.

Cũng như các vắc xin khác, quy trình tiêm chủng vắc xin viêm gan B đã được quy định và cập nhật trong hướng dẫn gần đây nhất của Bộ Y tế về khám sàng lọc trước tiêm chủng.

Đối với trẻ sơ sinh, các tiêu chuẩn về sức khỏe như khóc to, môi hồng, bú tốt, thân nhiệt ổn định là những dấu hiệu thể hiện trẻ đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng liều vắc xin viêm gan B sơ sinh.

Đối với trẻ sinh tại bệnh viện với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, hầu hết trẻ em đều được tiêm chủng. Đối với các cơ sở tiêm chủng tuyến dưới, các trường hợp có bệnh lý bẩm sinh hoặc cân nặng dưới 2kg sẽ được hoãn tiêm.

Đối với trẻ em ngoài 1 tháng tuổi và người lớn nếu không ở trong tình trạng cấp cứu, không có phản ứng phản vệ mức độ vừa và nặng với mũi tiêm vắc xin tương tự trước đó, không mắc các bệnh cấp tính hoặc trong giai đoạn cấp tính của bệnh mãn tính sẽ được nhân viên y tế chỉ định tiêm chủng.

Đối với nhóm trẻ trên 1 tháng tuổi và người lớn sẽ cần tiêm 3 liều vắc xin.

Nguyễn Hoàng Diệu Thanh:
VNVC có trung tâm ở Vĩnh Long không ạ, cho em xin địa chỉ, em cảm ơn ạ!
Bà Vũ Thị Thu Hà:
Giám đốc cung ứng hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam

VNVC hiện nay đã có 115 trung tâm tiêm chủng trên cả nước. Có VNVC Vĩnh Long tại 170/2 Phạm Hùng, phường 9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Nếu anh chị cần thêm thông tin, hãy liên hệ trang web vnvc.vn hoặc gọi số hotline 028. 7102. 6595 để được hỗ trợ.

Trọng Nguyễn:
VNVC có hơn 100 trung tâm, đối với việc cung ứng vắc xin đến từng trung tâm, làm thế nào để đảm bảo vắc xin an toàn khi di chuyển?
Bà Vũ Thị Thu Hà:
Giám đốc cung ứng hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam

VNVC đã trang bị thiết bị chuyên dụng vận chuyển (xe lạnh chuyên dụng) để vận chuyển vắc xin. Các trang thiết bị này được thẩm định, hiệu chuẩn trước khi đi vào hoạt động ở các điều kiện khác nhau.

Với hệ thống kho lạnh tổng tại 3 miền Bắc - Trung - Nam và các kho trung chuyển giúp cho vắc xin được bảo quản tốt nhất theo tiêu chuẩn khuyến cáo của nhà sản xuất.

vu thi thu ha
Bà Vũ Thị Thu Hà, giám đốc cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - Ảnh: NAM TRẦN
Hữu Tín:
Chuyên chở vắc xin từ nước ngoài về và khi vận chuyển đến các địa phương thường mất nhiều ngày, việc bảo quản vắc xin tiến hành như thế nào ạ?
TS Lưu Thị Dung:

Việc chuyên chở vắc xin từ nước ngoài về thông thường sẽ được vận chuyển về bằng đường hàng không và được kiểm soát tại hải quan và được bảo quản trong các thiết bị bảo quản vắc xin chuyên dụng.

Sau khi được thông quan, vắc xin sẽ được vận chuyển bằng xe lạnh về kho tổng sau đó sẽ được phân phối về các tuyến trung ương, khu vực, các tỉnh, thành phố, quận, huyện.

Trong quá trình đó, toàn bộ dữ liệu về nhiệt độ bảo quản, chỉ thị đông băng điện tử sẽ được tích hợp trong các thiết bị bảo quản để giúp quá trình giám sát nhiệt độ của vắc xin trong suốt quá trình vận chuyển.

Văn Việt:
Thưa bác sĩ, có thông tin cho rằng tiêm vắc xin COVID-19 làm giảm trí nhớ, vậy có đúng không?
Ông Phạm Quang Thái:

Thông tin này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Khi đánh giá triển khai vắc xin trong đời thực, không có sự khác biệt nào giữa nhóm tiêm vắc xin COVID-19 với nhóm không tiêm về vấn đề giảm trí nhớ.

Thực tế trong quá trình dịch COVID-19 xảy ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng việc mắc bệnh COVID-19 mới là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giám trí nhớ do sự tấn công của vi rút này vào tất cả các cơ quan trong cơ thể, trong đó có tế bào thần kinh.

Vu Thanh Long:
Tôi hiện 30 tuổi và muốn tiêm vắc xin ngừa quai bị thì có cần thiết hay không?
Ông Phạm Quang Thái:

Hoàn toàn được nếu như bạn chưa từng bị quai bị trong quá khứ. Hiện tại không có vắc xin quai bị đơn nhưng vắc xin có 3 thành phần sởi, quai bị, rubella cũng có thể là lựa chọn tốt cho người lớn để phòng bệnh cho bản thân và góp phần vào miễn dich chung cộng đồng.

Hải Yến:
Những phản ứng có thể gặp ở trẻ sau khi tiêm phòng là gì? Phản ứng do chất lượng vắc xin có khác biệt so với những lý do khác? Cha mẹ cần trang bị kiến thức gì, ở đâu, trước khi cho con đi tiêm?
TS Lưu Thị Dung:

Việc tiêm vắc xin gây ra các phản ứng thông thường như sưng, đau tại chỗ tiêm, sốt.

Việc ghi nhận sốc phản vệ do chất lượng vắc xin không đảm bảo chưa được báo cáo mà chủ yếu do đối tượng tiêm chủng đã có một số bệnh lý mà trong quá trình khám sàng lọc chưa phát hiện ra, hoặc do bản thân người tiêm có yếu tố mẫn cảm với các thành phần của vắc xin.

Các mức độ sốc phản vệ sau tiêm bao gồm:

+ Phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin có thể nhẹ nhàng (độ I - nhẹ) như xuất hiện các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.

+ Độ 2 - nặng: thường xuất hiện mày đay, phù mạch nhanh, khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi, đau bụng, nôn, ỉa chảy, huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

+ Phản ứng phản vệ thậm chí ảnh hưởng hô hấp, tuần hoàn, ý thức (độ III - nguy kịch) như xuất hiện tiếng rít thanh quản, phù thanh quản, thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở, rối loạn ý thức vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn, sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

+ Độ IV có nguy cơ ngưng tuần hoàn, hô hấp.

Khi đưa con đi tiêm, cha mẹ có thể tìm hiểu các thông tin về loại vắc xin mà mình sẽ cho con tiêm thông qua các phương tiện truyền thông hoặc trao đổi kỹ hơn với bác sĩ tại các cơ sở tiêm chủng, có thể phòng tránh các nguy cơ tiềm ẩn sau khi tiêm.

Cha mẹ cần quan tâm đến thể trạng, lịch sử bệnh lý của trẻ để trao đổi với bác sĩ khi khám sàng lọc trước khi tiêm. Sau khi tiêm, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi tình trạng của trẻ trong 24-48 giờ sau tiêm.

NTBC:
Con gái tôi đã tiêm vắc xin ung thư cổ tử cung 10 tuổi. Lúc này con đang trong giai đoạn tiêm thuốc dậy thì sớm mỗi tháng 1 lần ở Bệnh viện nhi đồng 2. Tôi nghĩ lại không biết tiêm vắc xin cho con trong giai đoạn này có bị ảnh hưởng gì không ạ?
Bà Đinh Bích Thủy:

Việc tiêm này không ảnh hưởng gì đến quá trình dậy thì của cháu.

Như Ý:
Cha mẹ tôi có cho tôi tiêm nhiều loại vắc xin từ nhỏ, thế nhưng sổ tiêm chủng đã mất, vậy làm sao để biết tôi đã từng tiêm vắc xin nào thưa bác sĩ? (tôi năm nay 25 tuổi)
Ông Phạm Quang Thái:

Ngoại trừ việc xét nghiệm đánh giá kháng thể thì rất khó để biết bạn đang được bảo vệ phòng những bệnh gì. Tuy nhiên, người lớn cũng có lịch tiêm riêng và vắc xin cho người lớn chủ yếu được tiêm 1 liều giống như lịch tiêm nhắc, vì vậy bạn không cần lo lắng về lịch tiêm cũ.

Bạn cần đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn vắc xin phù hợp nhất cho bạn.

Thanh Nhàn:
Vì sao đã tiêm ngừa viêm gan B nhưng vẫn phải đánh giá kháng thể và tiêm lại? Vắc xin này có giảm hiệu quả theo năm không?
Ông Phạm Quang Thái:

Vắc xin ngừa viêm gan B được sản xuất theo công nghệ tái tổ hợp là công nghệ hiện đại, an toàn. Tuy nhiên, kết quả sau tiêm tạo ra kháng thể lại không như nhau trong quần thể, theo đó một số người sau tiêm đủ liều vắc xin lại không đạt được nồng độ kháng thể ở mức cao.

Ngoài ra, hiệu quả bảo vệ có giảm dần theo thời gian, vì vậy việc đánh giá kháng thể đối với viêm gan B là cần thiết và do xét nghiệm này không đắt nên nếu được sử dụng phù hợp sẽ đảm bảo việc người đi tiêm có được sự bảo vệ tối ưu trước bệnh viêm gan B.

Hào Anh:
Tôi năm nay 30 tuổi và chưa tiêm phòng vắc xin HPV. Xin bác sĩ cho tôi hỏi độ tuổi này tiêm vắc xin HPV có còn hiệu quả không? Độ tuổi thích hợp nhất để tiêm loại vắc xin này là khi nào?
Bà Đinh Bích Thủy:

Bạn hoàn toàn có thể tiêm được. Độ tuổi tiêm phù hợp là 9-26 tuổi và phụ nữa chưa quan hệ tình dục sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Còn lứa tuổi đã có con rồi thì hiệu quả sẽ thấp hơn.

Có hai loại văc xin tiêm phòng chống HPV: loại 1 là Gardasil của Mỹ (tứ giá, chín giá, 9-26 tuổi), loại 2 Cervarix (của Bỉ, nhị giá, 10-25 tuổi). Cả hai loại văc xin này đều phải tiêm 3 mũi, loại 1 là 0, 2, 6 tháng; loại 2 là 0, 1, 6 tháng. Tiêm 3 mũi, mỗi mũi 0,5ml vào bắp thịt.

Đặng Thị Hiền, Bình Chánh TPHCM:
Tôi đang đi tiêm nhiều loại vắc xin trước khi mang bầu, trong đó có loại vắc xin chỉ tiêm 1 mũi, có loại phải tiêm nhắc 2-3 lần nên cũng tốn nhiều thời gian. Thưa bác sĩ, tại sao có loại vắc xin phải tiêm nhắc lại, có thể dồn tiêm 1 mũi được không?
Bà Đinh Bích Thủy:

Có nhiều loại vắc xin phải nhắc lại 2-3 lần. Ví dụ, vắc xin COVID, HPV. Những mũi 2, 3 để tăng lượng kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh.

Trần Thanh Hiệp:
Bảo quản vắc xin sẽ có những yêu cầu gì quan trọng nhất? Nên bố trí tủ vắc xin như thế nào để tránh nhầm lẫn? Sau khi đưa vắc xin về trạm y tế, cơ sở tiêm chủng thì trữ bao lâu là đảm bảo?
TS Lưu Thị Dung:

Theo điều 4 Thông tư 34/2018/TT-BYT, vắc xin phải được bảo quan theo quy định tại điều 8 Nghị định số 104/106/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng. Theo đó, việc bảo quản vắc xin cần tuân thủ các quy định sau:

a, Vắc xin phải được bảo quản riêng trong thiết bị dây chuyền lạnh, không bảo quản chung với các sản phẩm khác.

b, Sắp xếp vắc xin đúng vị trí, tránh làm đông băng vắc xin.

c, Bảo đảm vệ sinh khi thực hiện thao tác với họp, lọ vắc xin.

d, Thực hiện việc theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin hằng ngày (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) và ghi vào bảng theo dõi nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ngày vào buổi sáng bắt đầu làm việc và buổi chiều trước khi kết thúc ngày làm việc.

đ, Đối với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng: Ngoài việc thực hiện các quy định tại các điểm a,b,c,d khoản này, phải có thiết bị cảnh báo nhiệt độ buồng lạnh, có nhật ký tự động ghi lại nhiệt độ đối với kho bảo quản vắc xin trong tiêm chủng mở rộng của trung ương và khu vực; có nhiệt kế và chỉ thị thông băng điện tử đối với kho hoặc tủ lạnh bảo quản vắc xin của tuyến tỉnh và tuyến huyện; có nhiệt kế đối với tủ lạnh, hòm lạnh hoặc phích vắc xin của tuyến xã.

Đối với các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thời gian lưu trữ vắc xin được quy định cụ thể theo từng tuyến:

+ Kho tiêm chủng mở rộng quốc gia, khu vực: 12 tháng.
+ Kho trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, thành phố: 6 tháng.
+ Kho trung tâm y tế quận, huyện: 3 tháng.
+ Cơ sở y tế: 1 tháng.

Trên thực tế, hầu hết các trạm y tế thường thực hiện tiếp nhận vắc xin và thực hiện tiêm chủng tập trung trong ngày, trong trường hợp vắc xin chưa sử dụng hết sẽ được chuyển về tuyến trên để tiếp tục bảo quản. Do vậy, việc bảo quản vắc xin tại tuyến trạm y tế gần như không thực hiện.

Trần Thị Huyền:
Con tôi muốn tiêm chủng ngừa ung thư cổ tử cung. Nhưng nhiều loại quá, loại giá rẻ thì đến luôn bảo đã hết. Phải chăng loại rẻ không hiệu quả và không lãi nhiều nên ít cho nơi lựa chọn?
Bà Bạch Thị Chính:

Hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại vắc xin phòng các bệnh do HPV gây ra:

+ Gardasil phòng 04 type HPV (6-11-16-18): phòng các bệnh ung thư: ung thư cổ tử cung, ung thư âm hô, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư dương vật, mào gà sinh dục.

+ Gardasil 09 phòng được 09 chủng HPV: 6-11-16-18 -31-33-45-52 và 58.

Để mở rộng phòng những bệnh do HPV gây ra gồm những bệnh như trên và ung thư vùng đầu cổ, anh chị có thể gặp trực tiếp các bác sĩ để được hướng dẫn.

bach thi chinh
Bà Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - Ảnh: NAM TRẦN
Bích Nga:
Sau khi bị chó mèo cắn bao nhiêu ngày thì trong thời hạn có thể tiêm ngừa? Nếu không bị cắn mà chỉ bị cào thì có nhất thiết phải tiêm không?
Ông Phạm Quang Thái:

Vắc xin phòng bệnh dại cần được tiêm sớm nhất có thể sau khi bị chó mèo cắn. Kể cả việc bị cào thì móng vuốt của chó mèo có thể có vi rút do thói quen liếm láp của các động vật này nên cũng cần phải tiêm phòng.

Việc trì hoãn tiêm chủng sẽ gây ra nguy cơ nhiễm bệnh và những trường hợp tử vong do dại gần đây hầu hết đến từ sự chủ quan của người bị chó mèo cắn, nghĩ là vật nuôi trong nhà nên khi bị cào cắn đã không tiêm sớm.

Ngoài ra, việc ủ bệnh dại có thể có thời gian rất dài, đến hàng năm, vì vậy không có giới hạn thời gian nào về việc có thể tiêm ngừa đối với vắc xin phòng bệnh dại. Người bị chó mèo cào, cắn cần đến ngay cơ sở tiêm phòng để được tư vấn và tiêm phòng kịp thời.

Minh Tiến:
Trước đây hay có dịch vụ tiêm chủng tại nhà và con tôi cũng đã tiêm một số mũi tại nhà (nay cháu 23 tuổi). Xin hỏi TS Dung với yêu cầu về bảo quản thì tiêm tại nhà như vậy có bảo đảm chất lượng?
TS Lưu Thị Dung:

Khoản 1 điều 10 Nghị định 104/2016/NĐ-CP đã có quy định cụ thể về hoạt động tiêm chủng lưu động tại nhà chỉ thực hiện tại các xã vùng sâu, vùng xa, xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn khi đáp ứng các điều kiện:

+ Việc tiêm chủng tại nhà chỉ áp dụng đối với hoạt động tiêm chủng các vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch.

+ Việc tiêm chủng tại nhà phải được thực hiện do các cơ sở tiêm chủng đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng.

+ Khi thực hiện tiêm chủng tại nhà, vắc xin cần phải được bảo quản đúng theo quy định. Cơ sở thực hiện tiêm chủng tại nhà cần có phích vắc xin, có đủ các dụng cụ tiêm chủng, hóa chất sát khuẩn và các vật tư cần thiết khác... Bên cạnh đó cần có hộp chống sốc, phác đồ chống sốc để kịp thời xử lý phản ứng sau tiêm (nếu có). Sau khi kết thúc tiêm chủng tại nhà cần phải có dụng cụ chứa chất thải y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, khi tiêm chủng tại nhà, nhân viên y tế tham gia hoạt động này cần được đào tạo, tập huấn chuyên môn về tiêm chủng đầy đủ.

Do trường hợp của bạn đưa ra chưa có đầy đủ các thông tin về hoạt động tiêm chủng tại nhà, nên chúng tôi chưa thể đưa ra câu trả lời chính xác với trường hợp của bạn.

Chúng tôi cũng khuyến cáo cho người dân nên đến các trung tâm tiêm chủng, cơ sở y tế uy tín để thực hiện tiêm chủng theo đúng các quy trình của Bộ Y tế để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của vắc xin.

luu thi dung
TS Lưu Thị Dung, phó trưởng khoa quản lý hệ thống chất lượng, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế - Ảnh: NAM TRẦN
Khánh An:
Có cần phải tiêm vắc xin thương hàn cho trẻ không vì hiện nay trẻ mắc bệnh này rất ít?
TS Đặng Thanh Huyền:

Bệnh thương hàn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và vẫn còn lưu hành tại Việt Nam. Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng chỉ cung cấp các vắc xin phòng bệnh nguy hiểm, phổ biến nhất. Vắc xin phòng bệnh thương hàn không thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nếu có nhu cầu, bạn có thể cho con đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và tiêm chủng vắc xin này.

Bà Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia
Bà Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Ảnh: NAM TRẦN
Phạm Thảo Như, TPHCM:
Tôi nay 28 tuổi, lên kế hoạch tiêm các vắc xin phòng bệnh trước khi mang bầu, trong đó có vắc xin phòng phế cầu nhưng loại này tôi nhớ mang máng (không chắc chắn) là đã tiêm lúc nhỏ. Như vậy, trong tình huống này tôi có nên tiêm không. Nếu đúng là lúc nhỏ tôi đã tiêm vắc xin ngừa phế cầu thì bây giờ tiêm nữa có ảnh hưởng gì không?
Ông Phạm Quang Thái:

Trường hợp của bạn không nên lo lắng vì vắc xin phòng phế cầu cũng chỉ mới được đưa về Việt Nam trong thời gian gần đây, vì vậy việc bạn tiêm từ nhỏ là không xảy ra.

Vắc xin ngừa phế cầu ngoài tác dụng bảo vệ cho bản thân người được tiêm còn giúp giảm nguy cơ mang vi khuẩn, từ đó có giá trị bảo vệ cộng đồng, bảo vệ cho con của bạn khi chưa có cơ hội tiêm vắc xin, do đó bạn nên tiêm vắc xin này khi có điều kiện.

Đông Phương:
Thưa BS, tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin viêm gan B Engerix B (lịch tiêm 29/11/2013, 29/12/2013, 29/5/2014), vậy bây giờ tôi có cần tiêm lại hoặc tiêm nhắc để ngừa viêm gan B không? Nếu có, nên tiêm cùng loại hay loại vắc xin khác? Có vắc xin nào ngừa cả hai chủng viêm gan A, B?
Bà Bạch Thị Chính:

Theo lịch trên, bạn đã tiêm đúng lịch, theo đúng phác đồ tiêm ngừa viêm gan siêu vi B. Với những người khỏe mạnh, có sức khỏe bình thường thì không cần phải tiêm nhắc.

Hiện nay chúng ta có hai loại vắc xin phòng viêm gan siêu vi A và viêm gan siêu vi B. Bạn đã tiêm phòng viêm gan siêu vi B, bạn có thể tiêm phòng viêm gan siêu vi B.

Hiện tại Việt Nam có 3 loại vắc xin có thành phần viêm gan siêu vi A:

- Vắc xin của Việt Nam: Havax - tiêm cho trẻ em từ 2 tuổi đến dưới 18 tuổi, 2 liều cách nhau từ 6 tháng đến 12 tháng.

- Vắc xin của Sanofi - Vắc xin Avaxin: tiêm cho trẻ từ 1 tuổi đến dưới 16 tuổi, 2 liều cách nhau từ 6 tháng đến 12 tháng.

- Vắc xin của GSK - vắc xin Twinrix: Tiêm cho người từ 1 tuổi trở lên:

+ Tiêm cho người từ 1 tuổi đến 15 tuổi: 2 liều cách nhau từ 6 tháng đến 12 tháng.

+ Tiêm cho người từ 16 tuổi trở lên: 3 liều theo lịch 0 - 1- 6.

Lê Thùy Thanh Vân:
Khi đi tiêm chủng, có nơi y bác sĩ có gọi phụ huynh để chứng kiến mở lọ/ống vắc xin và nếu cần giữ vỏ hộp thì cơ sở cũng giao, điểm này có cần thiết hay không?
TS Lưu Thị Dung:

Việc chứng kiến mở lọ/ống vắc xin trước khi tiêm chủng là việc làm cần thiết vì điều này giúp cho người tiêm chủng biết loại vắc xin mình sẽ tiêm là loại nào, đồng kiểm tra thông tin về lô vắc xin, hạn sử dụng của vắc xin, cũng như tình trạng nguyên vẹn của vắc xin...

Việc làm này giúp cho người được tiêm chủng nắm bắt thông tin rõ ràng, cụ thể và không bị nhầm lẫn về loại vắc xin sẽ tiêm khi đi tiêm chủng.

Thúy Phượng, Đồng Nai:
Tôi nay 30 tuổi, đã lập gia đình và có một con nhỏ hơn 1 tuổi. Nay tôi muốn tiêm vắc xin HPV ngừa bệnh ung thư cổ tử cung thì còn được không? Hiệu quả vắc xin đạt đến đâu?
Bà Đinh Bích Thủy:

Bạn hoàn toàn có thể tiêm được, tuy nhiên chỉ định tiêm vắc xin HPV từ 9-26 tuổi và với những phụ nữ chưa quan hệ tình dục thì sẽ đạt hiệu quả phòng chống virut HPV cao nhất. Còn lứa tuổi đã có con rồi thì hiệu quả sẽ thấp hơn.

Bác sĩ Đinh Bích Thủy
Bác sĩ Đinh Bích Thủy, trưởng khoa khám theo yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản trung ương - Ảnh: NAM TRẦN
Trần Ngọc Bảo Châu:
Việc tiêm nhiều loại vắc xin cùng một lúc có gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ hay không? Hiện có quy định nào về các loại vắc xin không nên tiêm cùng đợt không?
Ông Phạm Quang Thái:

Hàng ngày cơ thể chúng ta chịu rất nhiều áp lực tấn công từ bên ngoài vào và hệ miễn dịch vẫn làm việc rất tốt để phân loại tác nhân và xử lý cùng lúc nhiều tác nhân cùng lúc. Đây cũng là cơ sở khoa học của việc tiêm nhiều loại vắc xin trong cùng một buổi tiêm mà vẫn đảm bảo tính sinh miễn dịch cũng như an toàn cho trẻ.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện việc tiêm an toàn và hiệu quả, các nhà sản xuất và các đơn vị chuyên môn liên quan đã phải liên tục đánh giá việc phối hợp vắc xin cũng như các vấn đề về an toàn hiệu quả sau đó. Từ các kết quả này, các nhà sản xuất điều chỉnh thông tin kê toa và từ đó điều chỉnh lại thực hành lâm sàng.

Đây chính là cơ sở pháp lý cho việc tiêm đồng thời cũng như phối hợp vắc xin. Bên cạnh thông tin kê toa, các hướng dẫn của Bộ Y tế cũng là cơ sở cho thực hành tiêm chủng, theo đó, việc tiêm đồng thời các vắc xin trong một ngày tiêm cũng được quy định một cách chi tiết.

Lê Hà Thu, Long An:
Người từng tiêm vắc xin dại thì có kháng thể vĩnh viễn không, thưa bác sĩ? Nếu không, vắc xin dại thường có hiệu lực bao lâu, kể từ lúc tiêm ạ?
Ông Phạm Quang Thái:

Người từng tiêm vắc xin dại sẽ có kháng thể với bệnh dại và kèm theo đó có trí nhớ miễn dịch nhất định với vi rút này. Tuy nhiên kháng thể này giảm dần theo thời gian, vì vậy những người làm nghề tiếp xúc với động vật hoặc làm việc trong phòng thí nghiệm có liên quan đến bệnh dại vẫn phải tiêm nhắc thường xuyên.

Thêm nữa, do bệnh đặc biệt nguy hiểm, nếu đã phát bệnh thì chắc chắn tử vong nên không ai dám đảm bảo việc hiệu lực vắc xin là bao lâu từ lúc tiêm. Bản thân các hãng dược cũng khuyến cáo tiêm lại nếu bị động vật cắn, cào cho dù trước đó đã tiêm vắc xin dại. Chỉ khác là nếu đã được tiêm đủ theo phác đồ trước đó thì số mũi tiêm nhắc lại có thể ít hơn tùy theo khoảng cách đến lần tiêm cuối cùng.

pham quang thai
Ông Phạm Quang Thái, phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - Ảnh: NAM TRẦN
Minh Quang:
Việt Nam đang tiến tới loại trừ bệnh sởi, những năm gần đây số mắc cũng không nhiều, như vậy có phải nhất thiết tiêm vắc xin sởi? Với vắc xin ngừa sởi Đức, người lớn muốn tiêm thì tiêm loại nào?
TS Đặng Thanh Huyền:

Chào bạn, sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bệnh lây lan rất nhanh và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bội nhiễm với các nhiễm trùng khác, thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ trong bối cảnh bùng dịch với ca bệnh tăng cao.

Dịch sởi tại Việt Nam thường có diễn biến theo chu kỳ, trung bình mỗi 4-5 năm lại ghi nhận tình trạng tăng cao của các ca bệnh sởi.

Trên thế giới, và đặc biệt là các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương, còn nhiều quốc gia chưa loại trừ được bệnh sởi, căn bệnh này vẫn là một thách thức trên toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo dịch sởi, bại liệt quay trở lại sau dịch COVID-19, do đó nguy cơ bệnh sởi xâm nhập và bùng phát trở lại Việt Nam là rất lớn.

Vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng ngừa căn bệnh này. Vắc xin sởi sẽ còn được sử dụng trong nhiều năm tới đây. Trong ba năm dịch COVID vừa qua, tỉ lệ tiêm chủng giảm mạnh, hàng trăm ngàn trẻ chưa được tiêm chủng đủ mũi trong cộng đồng. Đây là yếu tố thuận lợi cho bệnh sởi quay trở lại, vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý kiểm tra lại xem con mình đã tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi chưa. Nếu chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi vắc xin chứa thành phần sởi thì cần nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm trước khi bước vào mùa thu - đông.

Người lớn có thể mắc bệnh sởi và sởi Đức (rubella) nếu chưa có miễn dịch phòng bệnh như đã từng mắc bệnh hoặc đã từng tiêm chủng. Bệnh rubella đặc biệt nguy hiểm đối với thai nhi. Vì vậy, người lớn, đặc biệt là nữ tuổi sinh đẻ, cũng cần tiêm vắc xin phòng sởi và rubella, tốt nhất là trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.

Vắc xin sởi-rubella hoặc sởi - quai bị - rubella an toàn và rất phổ biến tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Bạn có thể đến các cơ sở này để được tư vấn cụ thể.

Thanh An:
Tôi vừa phát hiện mình mắc viêm gan B mạn tính nhưng đã tiêm 1 mũi vắc xin, vậy xin hỏi bác sĩ tôi có khả năng nhiễm viêm gan B mạn tính không?
TS Đặng Thanh Huyền:

Vắc xin viêm gan B là vắc xin sản xuất theo công nghệ tái tổ hợp, không chứa vi rút viêm gan B nên rất an toàn và không có khả năng gây bệnh.

Đối với vắc xin viêm gan B, bạn cần hoàn thành 3 mũi tiêm trước khi tiếp xúc với vi rút thì vắc xin mới có khả năng bảo vệ bạn không mắc bệnh.

Nếu đã xác định bị nhiễm vi rút viêm gan B, bạn không cần tiêm mũi vắc xin tiếp theo. Bạn cần đến cơ sở khám chữa bệnh định kỳ để được theo dõi, xác định mức độ, tư vấn cụ thể.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận