Đôi dép đầu tiên của con tôi là đôi sandal Biti’s và đôi dép cuối cùng tôi mua tặng ba mình cũng đến từ thương hiệu này.
Mẹ tôi mua cho tôi đôi Biti’s đầu tiên là khi tôi học cấp 2, đó là đôi dép xốp màu xám trắng, hơi rộng so với khổ bàn chân hiện tại để có thể đi được 2 năm học. Thời ấy, mỗi ngày đi học tôi đi bộ khoảng 3km, lội qua hai con suối nhỏ, vì dép xốp ngấm nước lâu nên mỗi lần lội sang, tôi cởi dép, gắn vào quai cặp, chân lò dò dẫm dưới đàn đá cuội sáng màu của dòng suối vùng cao, lội qua bãi cát nhỏ và xỏ chân vào dép. Cuối tuần, đôi dép được chà rửa sáng trắng, mới nguyên, treo ở dây phơi đồ cho được nắng.
Các em tôi cũng vậy, mẹ mua cho đôi dép sandal, có băng dính để tiện thu vào, mở ra khi bàn chân lớn lên. Trẻ con chân nhanh lớn, nếu dép còn dùng được thì nhường đôi dép lại cho đứa em kế tiếp. Nhưng có khi, đến đứa em thì đôi dép đã mòn vẹt hẳn một bên. Tôi thuận chân trái, nên dép của tôi cũng mòn khác đi, đến khi em gái nhận lại, nó tập tễnh, không đi được thi đôi dép ấy mới nghỉ ngơi.
Thời ấy nhà tôi nghèo nhưng mẹ vẫn chọn đôi Biti’s, dòng giày dép thuộc “hạng sang” của chợ thị trấn vùng cao, bởi lẽ nó rất bền, không có chuyện bị sút quai, há mõm, để tiết kiệm chi phí nuôi 4 đứa con sàn sàn tuổi nhau. “Biti’s có thể mang được 2 năm sau đó có thể tái sử dụng cho đứa kế tiếp”, mẹ tôi vừa ngồi vá áo, vừa nhẩm tính.
Đến khi em trai tôi đi học đại học, mẹ lại chọn đôi Biti’s bỏ vào hành lý. Hết hết kỳ 1 về, em tôi chê: “Quê lắm mẹ, đó là đôi dép dành cho học sinh cấp ba thôi”. Thế mà đi học ra trường, tôi lại nhìn thấy đôi Crocs và giày tây của Biti’s trong tủ dép của cậu.
Một lần đưa con trai đi chọn quà Tết, con chỉ vào đôi giày thể thao Biti’s màu đỏ đen có giá “hơi chát” của dòng Biti’s hunter. Tôi nói con, nó đẹp nhưng mắc, mẹ nghĩ con nên chọn đôi giày khác, chỉ bằng nửa giá đôi này, nhưng nó cũng có chức năng tương tự. Vì tôi quy định, quà Tết nhà mình mỗi người được chọn là dưới 500.000 đồng. Con nói với tôi, “Dạ, con biết rồi, nhưng đôi kia con không thích, nếu mẹ không mua thì thôi ạ, con mặc giày cũ”. Tôi chở con về nhà.
Trong bữa cơm tối, con kể chuyện với bố, “con thích đôi giày đỏ đen, nhưng nó mắc quá, nên mẹ không mua”. Chồng tôi nói với con: “Nếu con chọn đôi giày đó, thì đến sinh nhật, con sẽ không có quà nữa, nếu con đồng ý thì nói chuyện với mẹ”.
Vậy là đến hôm sau, tôi và con cùng đến cửa hàng và chọn đôi giày đó cho con. Tôi biết qua câu chuyện đó tôi đã dạy cho con được cách thương lượng, trì hoãn khi có nhu cầu, dù thế nào cũng phải biết tiết kiệm. Cậu chàng đến cửa hàng, chạy đến ngay chỗ trưng bày đôi giày, và ôm lấy nó, cậu thì thầm: “Con chỉ sợ đôi giày đã bị người khác mua mất!”.
Tối đi ngủ, cậu cũng dành một chiếc gối bên cạnh cho đôi giày. Tôi hỏi vì sao, anh chàng đáp, con sợ kẻ trộm thấy đôi giày đẹp mà cuỗm mất. Thay vì cất nó ở tủ dép cậu lại để nó ở trên khung cửa sổ phòng ngủ và lấy làm thích thú mỗi khi nhìn ngắm. Khi mặc không còn vừa nữa, cậu chàng cũng lưỡng lự khi mẹ giặt sạch, cho vào túi, đưa đến cho các em ở trung tâm Bảo trợ xã hội. Tôi nói với con rằng: mẹ tin, khi con trao món quà này cho người khác, các em ấy cũng sẽ trân trọng nó như con, vì con đã rất thích nó. Cậu chàng đáp, con cũng nghĩ vậy đó mẹ…
Tôi làm việc cho một ngôi trường nuôi trẻ mồ côi, các con ở trường tôi được một đơn vị tặng giày dép đi học, tụi con gái được nhận những đôi crocs hồng của Biti’s, ngày mưa, chúng đi bộ đến trường, quần xắn cao, núp mình trong áo mưa rộng thùng thình, dưới bàn chân nhỏ nhắn, những đôi dép xinh xắn màu hồng di chuyển đều đặn dưới con đường lấp lánh nước. Tôi mỉm cười và nghĩ, từng ngày như vậy, từng bước chân như vậy sẽ nâng chúng trưởng thành.
Trong tủ giày nhà tôi, từ dép đi học của con, giày đi làm của bố, sandal của mẹ đều đến từ thương hiệu này. Tôi luôn mang tâm niệm, người Việt, ưu tiên dùng hàng Việt để thúc đẩy sản xuất trong nước, trong khi nó cũng đẹp, bền, hợp thời trang và quan trọng là nó đáp ứng với nhu cầu sử dụng của cả gia đình tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận