Tôi còn nhớ như in năm tôi học lớp 4 (1989), mẹ tôi cùng người làng đi đào lấy củ cây khau đoóc đem về thái mỏng, phơi khô rồi gánh hàng chục cây số sang Trung Quốc bán, khi trở về mẹ và những người làng đã mua về cái phích đựng nước.
Đó là những cái phích giữ ấm đầu tiên của làng, nên ai cũng coi như một báu vật. Hồi đó mỗi khi đi đám cưới đem theo cái phích nước, cái chăn con công, cái chậu đồng để tặng cho gia chủ thì quý hóa lắm. Việc học hành lứa chúng tôi cũng rất vất vả trường lớp tạm bợ, nhà mái ngói âm dương, trát vách, bàn ghế làm bằng thân cây tre, vầu.
Lớp học không có cửa, trường không có tường rào, không điện. Tối về học bài dưới ánh đèn dầu tù mù, nhìn con chữ nhá nhem nhảy múa. Có nhà không có đủ dầu thắp phải thắp sáng bằng những hạt bưởi... Năm 1994, làng tôi, ngôi làng cửa ngõ của huyện Trùng Khánh có điện thắp sáng. Lưới điện không phải Nhà nước đầu tư, mà do Công ty khai thác khoáng sản Mangan đầu tư cho làng để được khai thác quặng mangan tại địa phương. Ngày đóng điện, cả làng vui như hội. Những cái đèn dầu được cất kỹ vào góc bàn.
Cả một ngôi nhà chỉ cần thắp hai cái bóng đèn sợi đốt Rạng Đông là nhìn thấy mọi ngóc ngách. Thuở ban đầu chưa lắp công tơ, thắp khoán nhiều người dùng toàn bóng 100W thắp sáng cả đêm. Càng khuya điện càng mạnh, bóng đèn càng sáng. Điện đã làm thay đổi cuộc sống của bà con trong làng.
Những ngày đầu có điện làm cho những con gà cũng không nhớ thời điểm gáy đón chào bình minh. Cứ bảy, tám giờ tối, những con gà trống, thiến thi nhau gáy loạn cả lên, làm cho những người già nơm nớp lo sợ điềm báo xấu đối với gia đình. Tôi không nhớ gia đình mình đã mua về bao nhiêu bóng đèn sợi đốt Rạng Đông và bóng đèn tuýp Rạng Đông nữa. Do lưới điện không ổn định nên bóng đèn tuổi thọ không được lâu.
Những năm đó việc mất điện như cơm bữa. Hồi đó thủy điện Thoong Cot chưa hòa vào lưới điện quốc gia, khi mất điện bóng đèn sợi đốt giảm độ sáng dần rồi mới tắt hẳn. Việc mất điện vào giờ ăn cơm tối khiến nhiều người hú lên, tìm lại những cái đèn dầu được cất ở góc khuất nào đó để thắp lên. Và cười sung sướng khi có điện trở lại. Cùng với bóng đèn, phích nước Rạng Đông cũng được bày bán ở chợ. Những cái phích Trung Quốc cũng dần vắng bóng và biến mất từ lúc nào không ai còn nhớ rõ nữa. Làng tôi nhà nào cũng có một cái phích giữ nước ấm, có nhà có 2, 3 cái.
Mùa đông cần nước ấm để rửa mặt, pha nước tắm, pha chè uống bên bếp lửa hồng. Những ngày rét đậm, rét hại, những cụ già ngồi quanh bếp lửa, bên ấm chè nóng, phích nước đun sôi ôn lại chuyện ngày xưa. Các cụ bảo bây giờ hiện đại thật, có bình đun nước siêu tốc, nhưng các cụ vẫn thích đun siêu nước bằng bếp củi, giữ nóng bằng phích như ngày nào. Bây giờ có nhiều loại phích to, nhỏ, đun một siêu nước sôi, cho vào phích dùng cả ngày được. Đun bằng ấm siêu tốc vừa tốn điện, pha trà lại không ngon bằng nước đun sôi bằng bếp lửa. Xã hội ngày càng phát triển, chợ bây giờ không còn những cái chăn con công một thời huy hoàng, làm mưa làm gió, ao ước có được của không ít gia đình. Giờ ở chợ chỉ có những cái chăn hơi nhẹ mà đắp ấm lắm.
Bây giờ đám cưới người trong gia đình, họ hàng thân thích vẫn được tặng những tấm chăn hơi, chăn lông, phích nước. Đây là cái lệ có từ xa xưa, một nét đẹp văn hóa ở làng quê miền biên viễn. Có lẽ không còn một bản, làng nào trong huyện Trùng Khánh đến nay chưa có điện thắp sáng. Tôi đã chứng kiến những thay đổi của những chiếc bóng đèn. Giờ rất khó để mua được bóng đèn sợi đốt 100W thuở nào.
Bây giờ chỉ có những chiếc bóng đèn LED tiết kiệm điện, nhưng lại sáng gấp nhiều lần bóng đèn sợi đốt, tuổi thọ bóng đèn lại cao hơn gấp nhiều lần. Nhưng bóng đèn sợi đốt nhãn hiệu Rạng Đông, cùng với cái phích nước giữ ấm đã khiến tôi nhớ về quãng tuổi thơ đầy thiếu thốn, không thể nào quên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận