30/06/2022 08:14 GMT+7

Thượng đỉnh NATO: điểm nóng Ukraine

H.MINH
H.MINH

TTO - Ngay trước hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO, người đứng đầu liên minh quân sự này kêu gọi các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng trong một thế giới ngày càng 'bất khả đoán' và 'nguy hiểm'.

Thượng đỉnh NATO: điểm nóng Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Getty Images

Cuộc chiến Ukraine đã dẫn tới "sự dịch chuyển cơ bản" trong cách tiếp cận của NATO, theo lời Tổng thư ký Jens Stoltenberg. Tại hội nghị khai mạc ngày 28-6, sự dịch chuyển đó càng được nhấn mạnh khi liên minh công bố sẽ chào đón thêm hai thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển.

Kết nạp thành viên, tăng quân

Lúc đầu phủ quyết tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau đó đã ký ghi nhớ chung với lãnh đạo hai nước Bắc Âu, bày tỏ "sự ủng hộ nhau đầy đủ trong việc đảm bảo an ninh". 

Thỏa thuận ba bên "xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ lời mời Phần Lan và Thụy Điển vào NATO ở Hội nghị thượng đỉnh Madrid" - Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói trong một tuyên bố.

Quan trọng không kém, các nước NATO đã nhất trí tăng lực lượng phản ứng nhanh lên gần 8 lần, từ 40.000 lên 300.000 quân, theo AFP. Lực lượng mới dự kiến vẫn đóng ở các nước sở tại nhưng dành riêng cho việc triển khai nhanh tới các quốc gia cụ thể ở sườn đông NATO, giáp với Nga. 

"Để có thể phòng thủ trong một thế giới nguy hiểm hơn, chúng ta cần đầu tư lớn hơn cho quốc phòng", Reuters dẫn lời ông Stoltenberg. Cấp thiết hơn, đứng đầu trong nghị trình hiện tại của NATO là tăng chi tiêu để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Cuộc chiến Ukraine hiện bước sang tháng thứ tư và là ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Joe Biden. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho NATO với tỉ lệ áp đảo: 22% kinh phí vào năm 2021. 

"Ông ấy (Biden) sẽ tới Hội nghị thượng đỉnh NATO trong bối cảnh liên minh chưa bao giờ đoàn kết như bây giờ" - Đài NBC dẫn lời John Kirby, điều phối viên liên lạc chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.

Mức chi tiêu và Trung Quốc

Tuy nhiên, hiện chỉ 9 trong 30 thành viên NATO đáp ứng được mục tiêu chung của tổ chức là chi tiêu 2% GDP hằng năm cho quốc phòng. Ngay cả nước chủ nhà hội nghị lần này là Tây Ban Nha hiện cũng chỉ chi khoảng 1% GDP. 

Tranh luận về chi tiêu quốc phòng là vấn đề gây nhiều chia rẽ trong nội bộ NATO, nhất là ở nhiệm kỳ tổng thống Mỹ trước, khi ông Donald Trump liên tục gây sức ép đòi các đồng minh phải đáp ứng mục tiêu 2% GDP. 

Trang The Hill dẫn lời bà Rose Gottemoeller, cựu phó tổng thư ký NATO, nói nhiều khả năng hội nghị lần này sẽ biến yêu cầu 2% GDP thành ràng buộc pháp lý thay vì tự nguyện như trước nay.

Hội nghị 3 ngày ở Madrid cũng sẽ thiết lập lộ trình chiến lược cho NATO trong nhiều năm tới, bao gồm một đề cương chiến lược trong đó nêu ra các ưu tiên và mục tiêu cho một thập niên nữa.

Một chủ đề quan trọng khác là sự chia rẽ trong nội khối về hành xử với Trung Quốc - một siêu cường đang nổi lên không chỉ về kinh tế mà ngày càng về sức mạnh quân sự. 

Đề cương Chiến lược NATO dự kiến đề cập chi tiết vấn đề này khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ngày càng quan tâm tới cục diện châu Á - Thái Bình Dương. Ở Hội nghị thượng đỉnh Madrid, lần đầu tiên NATO đã mời các nước Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và New Zealand tham gia.

Tuần trước, ông Stoltenberg nói NATO "không coi Trung Quốc là đối thủ" nhưng cũng khẳng định Bắc Kinh "đặt ra một số thách thức với những giá trị, lợi ích và an ninh của chúng tôi". Chính quyền Biden khẳng định họ sẽ tiếp tục tập trung vào Trung Quốc ngay trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine. 

"Thay vì khiến chúng tôi phân tâm với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Trung Quốc, sự lãnh đạo của tổng thống trong nỗ lực ủng hộ Ukraine thực ra bao gồm việc vận động lãnh đạo ở khu vực đó và kết nối hiệu quả những nỗ lực Á - Âu với các nước châu Á sẽ tham gia thượng đỉnh NATO", ông Kirby nói.

Từ Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu ngày 29-6 có bài viết tựa đề "Thượng đỉnh NATO để chứng tỏ đoàn kết giữa những chia rẽ". Bài báo nêu câu hỏi về việc châu Âu có hoàn toàn chấp nhận "kế hoạch chiến lược mà Mỹ áp đặt với họ?".

Ngày 28-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói việc NATO coi Trung Quốc là thách thức là tâm lý kiểu chiến tranh lạnh "bình cũ rượu mới" hòng nghĩ ra "những kẻ thù tưởng tượng" để tìm kiếm sự đối đầu.

Reuters thì bình luận NATO thật ra chưa nhất trí được hoàn toàn: Trong khi Mỹ và Anh muốn những lời lẽ và hành động mạnh mẽ hơn nhắm vào Trung Quốc, Pháp và Đức muốn "chừng mực hơn".

Ngày 27-6, Thủ tướng Bỉ (nước đặt trụ sở NATO) Alexander De Croo cảnh báo "chúng ta sẽ không muốn quay lưng hoàn toàn với Trung Quốc như đã quay lưng hoàn toàn với Nga".

Ông De Croo giải thích Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng, 21 trong 30 nước thành viên NATO là thành viên EU và năm 2021 Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU.

NATO có thể hỗ trợ dài hạn cho Ukraine, mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có thể hỗ trợ dài hạn cho Ukraine, mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập

TTO - Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 29-6, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg khẳng định các đồng minh sẵn sàng hỗ trợ dài hạn cho Ukraine.

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: NATO Ukraine Biden Nga