15/12/2019 14:29 GMT+7

Thương chiến Mỹ - Trung: Ngừng leo thang nhưng chưa đột phá

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ thoát đợt áp thuế này.

Thương chiến Mỹ - Trung: Ngừng leo thang nhưng chưa đột phá - Ảnh 1.

Thế giới kỳ vọng nhiều hơn những cam kết trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 - Ảnh: Financial Times

Sau khi Mỹ - Trung tuyên bố đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ ngày 14-12, theo giờ Việt Nam, thông báo sẽ “đình chỉ vô thời hạn” đợt áp 15% thuế quan bổ sung lên 160 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào ngày 15-12.

Cam kết giai đoạn 1 có gì?

Trước đó, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã tuyên bố giảm một nửa mức thuế quan được đưa ra vào ngày 1-9 đối với 120 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, tức còn 7,5%. Tuy nhiên, mức thuế 25% áp lên 250 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc vẫn sẽ được Nhà Trắng giữ nguyên để làm đòn bẩy trên bàn đàm phán.

Trong cuộc họp báo ngày 13-12, các quan chức Bắc Kinh thông báo sẽ hủy bỏ các loại thuế quan trả đũa Mỹ dự tính có hiệu lực cùng ngày, trong đó bao gồm mức thuế quan 25% đánh lên xe hơi do Mỹ sản xuất.

Theo Reuters, phía Mỹ nhấn mạnh việc Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ lên ít nhất 200 tỉ USD trong vòng 2 năm. Washington cũng kỳ vọng mức nhập khẩu này sẽ tiếp tục tăng sau đó. Những mặt hàng có mặt trong cam kết của Bắc Kinh, bao gồm hàng sản xuất, nông sản, năng lượng và dịch vụ, được cho là sẽ thu hẹp mức thâm hụt thương mại 419 tỉ USD của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay.

Ngoài ra, Bắc Kinh cam kết rút lại các rào cản phi thuế quan đối với sản phẩm gia cầm, hải sản và thức ăn chăn nuôi, cũng như phê duyệt các sản phẩm công nghệ sinh học của Mỹ.

Bên cạnh các cam kết cụ thể trong vấn đề thuế quan và thâm hụt thương mại, Trung Quốc cũng hứa hẹn thực hiện thay đổi một số về trọng tâm phía Mỹ đưa ra như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tránh thao túng tiền tệ, mở cửa thị trường tài chính và đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp nước ngoài. Nếu những cam kết này không được thực hiện, cả hai nước sẽ cùng đối thoại từ cấp thấp lên cao và sẽ có biện pháp chế tài khi cần thiết.

Đặt lại luật chơi?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được Washington khơi lên nhằm thay đổi các tập quán thương mại của Bắc Kinh, đòi lại sự công bằng cho doanh nghiệp của Mỹ. Tuy nhiên, toàn thế giới cũng phải trả giá cho tham vọng này.

Các nghiên cứu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức khác cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác đã chững lại vì tác động từ thương chiến.

Dù vẫn cần thông qua các thủ tục tiếp theo để tiến đến ký kết chính thức, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đại diện cho 21 tháng dài của các loạt thuế quan trả đũa qua lại, đảo ngược những nỗ lực tự do hóa thương mại toàn cầu trong 70 năm qua. Các chuỗi sản xuất bị gián đoạn vì doanh nghiệp tìm cách chuyển khỏi Trung Quốc hòng tránh thuế quan của Mỹ, theo Washington Post.

Những công ty không nhanh chân bị kẹt lại với mức áp thuế bổ sung kéo dài đến gần 1 năm tài chính. Hơn 28 tỉ USD tiền thuế của Mỹ đã phải chi cho gói cứu trợ nông dân thua lỗ. Để đối phó với việc thương chiến làm ảnh hưởng đến sự tự tin của doanh nghiệp và giới đầu tư, Cục Dự trữ liên bang Mỹ buộc phải thay đổi chính sách, bắt đầu giảm lãi suất.

Người nộp thuế trong khi đó phải chi hơn 28 tỉ USD - gấp đôi chi phí của gói cứu trợ ngành công nghiệp ôtô năm 2009 - để bù đắp cho nông dân bị mất doanh thu.

"Nếu nó đúng như tôi nghĩ, nó thậm chí gần như không đáng. Nếu bạn gạt nó qua một bên thì nó cũng sẽ trở nên vô hình" - ông Scott Kennedy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định.

Washington Post nhận định thỏa thuận trên đã đặt lại "luật chơi" cho dòng thương mại 700 tỉ USD xuyên Thái Bình Dương. Một số chuyên gia cho rằng đây là thành tựu đầu tiên trong chiến dịch "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump nhằm điều chỉnh cách Trung Quốc làm ăn với Mỹ.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 13-12 cũng tuyên bố đây chỉ mới là thành công đầu tiên của một chiến dịch dài hơi nhằm thay đổi quan hệ thương mại "bất công" giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chờ tin tốt tuần mới

Theo CNBC, một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận được công bố ngày 13-12 chính là điều mà thị trường đang chờ đợi. Ông Art Hogan - trưởng chiến lược gia mảng thị trường của Hãng National Securities - cho rằng thị trường sẽ chứng kiến những hệ quả tích cực của thông tin này vào ngày 16-12, tức thứ hai đầu tuần sau.

"Tôi nghĩ chúng ta sẽ tỉnh dậy vào sáng thứ hai và chứng kiến nhiều thứ tồi tệ đáng lẽ xảy ra vào tuần mới đã không ập đến... Thị trường thường dễ biến động về giá. Nhưng đây là tin tốt. Chúng ta đã ngăn thương chiến Mỹ - Trung leo thang" - ông Hogan nói.

Thương chiến Mỹ - Trung: Ai chịu đau tốt hơn? Thương chiến Mỹ - Trung: Ai chịu đau tốt hơn?

TTO - Ngày 15-8, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thông qua kết luận về việc Mỹ áp thuế đối với một số mặt hàng của Trung Quốc, bật đèn xanh cho Trung Quốc tìm kiếm các biện pháp đòi bồi thường.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên