25/08/2019 09:52 GMT+7

Thương chiến Mỹ - Trung không còn đường lùi?

PHÚC LONG - BẢO DUY
PHÚC LONG - BẢO DUY

TTO - Hôm thứ sáu (23-8), sau khi Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên áp bổ sung 5-10% thuế lên 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ, Tổng thống Donald Trump phản ứng lập tức bằng cách tăng thuế đối với 550 tỉ USD hàng Trung Quốc, cao nhất lên đến 30%.

Thương chiến Mỹ - Trung không còn đường lùi? - Ảnh 1.

Thương chiến Mỹ - Trung không có lợi cho môi trường kinh doanh, theo một khảo sát các doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc công bố tháng 5-2019 - Ảnh: AFP

Nó đã trở thành một cuộc chiến không có mục đích, không có chiến lược và không có điểm dừng rõ ràng. Nó lại diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang xấu đi, cứ như bất ổn đổ thêm vào bất ổn.

Ông CRAIG ALLEN, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, nhận xét.

"Chúng ta không cần Trung Quốc, và thẳng thắn mà nói, thà không có họ còn tốt hơn" - tổng thống Mỹ viết trên Twitter.

Cuộc chiến không dễ dàng

Theo Đài CNN, giới quan sát ở Mỹ lo ngại bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực lên kinh tế toàn cầu vào thời điểm vốn đã không bình yên, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là bước qua năm 2020 với nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Đến nước này, có ý kiến cho rằng đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã không còn lối thoát, ít nhất ngày nào ông Trump còn ngồi trong Nhà Trắng (chính xác là 17 tháng nữa).

Bên cạnh đó, cuộc đối đầu giữa hai siêu cường còn là điểm ngoặt nguy hiểm đối với trật tự thế giới cũ, vốn đã suy yếu do sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Đây rõ ràng không phải là cuộc chiến "dễ dàng" như ông Trump từng tuyên bố hồi năm 2018.

Theo nhận xét của nhà phân tích Stephen Collinson và Donna Borak của CNN, nếu hành động trả đũa của Trung Quốc hôm thứ sáu là nhằm gây hoang mang cho ông Trump về cơ hội tái đắc cử (do kinh tế Mỹ suy yếu), thì chắc họ đã thành công.

Kể từ cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 ở Buenos Aires (Argentina) hồi năm ngoái, các chuyên gia đã lo ngại về khả năng một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất nếu họ không thể giải quyết các bất đồng.

Rủi ro từ chủ trương không đối thoại còn ảnh hưởng ghê gớm hơn cả chính sách "nước Mỹ trên hết" của tổng thống Mỹ, theo các nhà phân tích.

Cánh diều hâu trong Nhà Trắng, đại diện là cố vấn Peter Navarro, không dưới một lần kêu gọi tách hẳn ra khỏi Trung Quốc để bảo vệ thế độc tôn của Mỹ, trong khi những người khác thì quan ngại về sức mạnh quân sự của Bắc Kinh...

Lần tiếp theo ông Trump và ông Tập gặp nhau sẽ là Hội nghị thượng đỉnh hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào tháng 11, nhưng với tình hình xấu như hiện nay, hi vọng về một cái bắt tay nồng ấm khá mong manh. Cả hai nhà lãnh đạo đều đối mặt với một áp lực chính trị nhất định từ trong nước.

Cuộc chiến hiện nay đã trở thành "ai là người chịu đau giỏi hơn". Mỹ có ưu thế về sức mạnh thương mại, nhưng ông Tập Cận Bình không phải lo chuyện có tái đắc cử vào năm sau không như Tổng thống Trump.

Bắc Kinh dường như đang cược vào khả năng ông Trump "chịu không nổi nhiệt" ở quê nhà nếu kéo dài.

Rõ là một thế khó xử cho ông Trump: xuống nước với Bắc Kinh và từ bỏ một mục tiêu chính trị lớn, hay là chiến đấu tiếp và chấp nhận rủi ro?

Trung Quốc tuyên bố "chiến tới cùng"

Ngay sau động thái tăng thuế nhập khẩu mới của ông Trump, Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã cho đăng tải một bài xã luận với giọng điệu gay gắt, tuyên bố Bắc Kinh "sẽ chiến đấu tới cùng" và gọi các biện pháp thuế quan mới của Mỹ là "man rợ".

"Lịch sử đã chứng minh người đứng về phía công bằng và công lý sẽ là người mỉm cười vào phút cuối", tờ báo của chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh. Trong khi đó, China Daily - một tờ báo chính thống tiếng Anh của Trung Quốc - tuyên bố Bắc Kinh sẽ "chiến đấu để bảo vệ lợi ích cốt lõi và lợi ích quốc gia".

Tờ này cáo buộc Mỹ đang tiến hành chính sách "beggar-thy-neighbor", tức mong muốn giải quyết các vấn đề kinh tế của Mỹ bằng cách làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của nước khác.

"Cho tới khi nào Washington tuân thủ Đồng thuận Osaka, sẽ không có thỏa thuận nào giữa hai nước" - China Daily khẳng định.

Chuyên gia Bill Reinsch thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nhận định khả năng xuống thang thương chiến hầu như không có bởi hai bên chưa cảm nhận được bất kỳ sự nhượng bộ nào được đảm bảo về mặt chính trị.

"Khi ông Trump tiếp tục đe nẹt Trung Quốc, Bắc Kinh ngược lại sẽ cố gắng chứng minh với thế giới rằng họ là người tốt".

Một khả năng ông Trump đã cảnh báo trong loạt tweet ngày 23-8 đó là ra lệnh cho các công ty Mỹ chấm dứt tất cả các hoạt động tại Trung Quốc. Tính khả thi của mệnh lệnh này vẫn còn là điều cần phải chờ, bởi các doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu phản ứng trước lệnh tăng thuế mới của ông Trump.

Chứng khoán Mỹ lại đỏ sàn

Thị trường chứng khoán Mỹ lập tức phản ứng tiêu cực với các diễn biến leo thang mới của thương chiến Mỹ - Trung. Chỉ số Dow Jones mất 623,34 điểm (2,4%), còn 25.628,90 điểm vào lúc chốt phiên giao dịch ngày 23-8.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite mất 3% khi chốt phiên, còn 7.751,76 điểm. Chỉ số S&P mất 2,6%, còn 2.847,11 điểm, theo Hãng tin UPI. Ngày thứ sáu (23-8) cũng là ngày thị trường chứng khoán Mỹ tồi tệ nhất kể từ 14-8 tới nay.

Xung đột với những diễn biến thay đổi quá nhanh hiện nay khiến các công ty Mỹ lo lắng. Không ít doanh nghiệp Mỹ đang phụ thuộc vào nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc cho cả khâu sản xuất lẫn thành phẩm của họ.

"Giới doanh nghiệp không thể lên kế hoạch cho tương lai trong môi trường kinh doanh kiểu này" - Hãng tin AFP dẫn lời ông David French thuộc Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ nói.

"Cách tiếp cận vấn đề của chính quyền rõ ràng không hiệu quả, và câu trả lời không phải là tăng thêm thuế với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Chuyện này sẽ kết thúc ở đâu?" - ông David nói thêm.

ĐỖ DƯƠNG

Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung leo thang, vàng SJC lên 42,4 triệu Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung leo thang, vàng SJC lên 42,4 triệu

TTO - Giá vàng thế giới đột ngột bật tăng trước những diễn biến mới của thương chiến Mỹ - Trung. Vàng thế giới xoay chiều tăng gần 30 USD/ounce trong phiên giao dịch cuối tuần, kéo giá vàng trong nước đồng loạt vọt qua 42 triệu đồng/lượng.

PHÚC LONG - BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên