Nhiều loại thuốc trừ cỏ với các hoạt hoạt chất độc hại được mua dễ dàng về phối trộn để sử dụng trong nông nghiệp - Ảnh: K.TÂM
Theo các chuyên gia, lợi nhuận cực lớn là lý do khiến các doanh nghiệp đổ xô vào sản xuất và kinh doanh thuốc diệt cỏ độc hại, rồi đua nhau quảng bá, khuyến khích nông dân sử dụng bất chấp sức khỏe của người dân.
Mua thuốc trừ cỏ dễ như mua... kẹo
Ngày 14-8, theo ghi nhận tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tình trạng mua bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc trừ cỏ rất dễ dàng như mua viên kẹo.
Tại "thủ phủ" trái cây huyện Kế Sách (Sóc Trăng), tất cả cửa hàng vật tư nông nghiệp đều có bán thuốc trừ cỏ, trong đó nhiều loại có chứa hoạt chất glyphosate.
"Tất cả các loại thuốc trừ cỏ đều nằm trong danh mục được phép lưu hành, có giấy phép hẳn hoi nên chúng tôi không sợ bị kiểm tra, làm khó" - một chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã An Lạc Thôn (huyện Kế Sách) cho hay.
Theo lão nông Dương Văn Tám (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách), việc lạm dụng thuốc trừ cỏ là không tốt, nhưng đành chấp nhận.
"Nếu không phun thuốc, cỏ mọc um tùm, tranh ăn phân bón sẽ không tốt cho cây trồng. Hơn nữa, lao động bây giờ đang thiếu, tiền thuê mướn làm cỏ lại cao, trong khi chỉ cần một chai thuốc là có thể giải quyết được 5 công đất" - ông Tám nói.
Anh Trần Út Nhỏ (xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) nói không thể phân biệt loại nào độc, loại nào không độc bởi loại nào cũng hợp pháp.
"Đại lý nói loại nào mạnh thì mua. Tôi cho rằng yêu cầu dán thông báo các loại chất cấm tại trụ sở ấp, xã, trường học, nhất là đại lý phân bón, thuốc trừ sâu để bà con nông dân biết mà tránh".
Trong khi đó, ông Lê Văn Đá - chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Kiên Giang - bày tỏ ngạc nhiên khi cho rằng thuốc diệt cỏ Roundup đã bị cấm sử dụng tại một số nước lân cận, không hiểu sao VN chưa cấm.
"Tại VN, sản phẩm Roundup chỉ cho sử dụng diệt cỏ trong môi trường rừng, cấm sử dụng trên lúa và hoa màu, nhưng như vậy là không nên vì không thể kiểm soát được" - ông Đá nói.
Ông Huỳnh Ngọc Hạp, chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng, cho biết toàn bộ hoạt chất thuốc trừ cỏ hay thuốc trừ sâu của VN đều được nhập từ nước ngoài.
"Giấy phép do Cục BVTV cấp. Địa phương chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, quản lý thị trường tiêu thụ. Còn việc có độc hay không độc cũng không biết được" - ông Hạp nói, đồng thời đề nghị cần sớm có biện pháp hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ và thuốc trừ sâu.
Phải cấm ngay nếu độc hại
Theo ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, nếu đã xác định một số hoạt chất trong thuốc diệt cỏ là độc thì phải cấm ngay, không nên gia hạn tới cả năm như vừa qua đối với 2 loại hóa chất 2.4D và Paraquat.
Trước đây cũng từng có một số hoạt chất sử dụng trong thuốc diệt cỏ bị cho là gây ô nhiễm nguồn nước, gây ung thư... nhưng từ khi phát hiện, kiến nghị tới lúc cấm mất cả năm, thậm chí vài năm, như vậy là rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Hiền - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh An Giang - cho biết trên địa bàn hiện có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm có chứa hoạt chất glyphosate, trong khi cơ quan này vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) nên chưa thể cảnh báo bà con không sử dụng.
Theo ông Hiền, nếu Bộ NN&PTNT có văn bản cảnh báo hoặc cấm sử dụng hoạt chất glyphosate, địa phương sẽ tuyên truyền cho nông dân và tăng cường kiểm tra xử lý, còn hiện tại không thể cấm mua bán vì không có cơ sở pháp lý.
"Cần tổ chức hội thảo khoa học để phân tích trước tình trạng lùm xùm về hoạt chất này. Nếu có hội thảo sẽ có nhiều chuyên gia hàng đầu VN lên tiếng" - ông Hiền kiến nghị.
Ông Trần Anh Tuấn, chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hậu Giang, cho biết nhiều loại thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất glyphosate hiện đang được bày bán tràn lan và nông dân vẫn sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới địa phương này sẽ tổ chức tuyên truyền cho nông dân về những tác hại của thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất glyphosate, đồng thời khuyến cáo nông dân chuyển qua sử dụng loại thuốc khác không gây hại cho con người.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới):
Nhiều doanh nghiệp tham gia do lợi nhuận cao
Cùng với việc tăng diện tích các loại cây trồng, xu hướng thâm canh và tác động của quảng bá, nông dân VN ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hóa chất độc hại.
Đây là lĩnh vực đem lại lợi nhuận rất lớn cho các nhà sản xuất và kinh doanh nên ngày càng có nhiều đơn vị tham gia thị trường này. Trong đó, VN thuộc top quốc gia có danh mục thuốc trừ sâu được phép sử dụng trên cây trồng đa dạng nhất, với 1.700 hoạt chất và trên 4.000 tên thương phẩm.
Cả nước có trên 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, gần 100 nhà máy chế biến thuốc cùng với khoảng 30.000 đại lý thuốc BVTV trên toàn quốc.
T.MẠNH
Nhập hơn 244.000 tấn thuốc trừ cỏ mỗi năm
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu hóa chất BVTV của VN trong tháng 7-2018 đạt 85 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 547 triệu USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm 2018 chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm 49,8% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này.
Cùng với xu hướng thâm canh cây trồng và thiếu nhân công lao động, việc sử dụng các hóa chất trừ cỏ (phần lớn có gốc glyphosate) trong những năm gần đây tăng mạnh.
Theo số liệu hải quan, trong ba năm gần đây, cơ cấu các loại thuốc BVTV nhập khẩu và sử dụng tại VN có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ lệ thuốc trừ cỏ một cách rõ rệt.
Năm 2017, riêng lượng nhập khẩu thuốc trừ cỏ đã chiếm 38,1% tổng thị phần nhập khẩu thuốc BVTV các loại với trên 244.000 tấn.
Các công ty nhập khẩu nhiều nhất thuốc trừ cỏ là Công ty CP Nicotex, Công ty TNHH Việt Thắng và Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời.
TRẦN MẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận