20/09/2019 09:46 GMT+7

Thùng thuốc súng vùng Vịnh

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Ngày 18-9, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia công bố các bằng chứng cáo buộc Iran dính líu đến các vụ tấn công vào hai cơ sở lọc dầu của nước này.

Thùng thuốc súng vùng Vịnh - Ảnh 1.

Các khẩu đội tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo được bố trí trên lãnh thổ Saudi Arabia - Ảnh: AFP

Đây có thể sẽ là ngòi nổ châm vào thùng thuốc súng vốn âm ỉ đã lâu giữa Saudi Arabia và Iran ở vùng Vịnh.

Theo thông tin từ Saudi Arabia, 18 máy bay tàng hình và 7 tên lửa hành trình đã tấn công hai cơ sở lọc dầu của nước này tuần vừa rồi.

Mặc dù nhóm phiến quân Houthi thân Iran ở Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này nhưng ngày 18-9, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia tổ chức họp báo công bố bằng chứng để khẳng định các vụ tấn công là "do Iran bảo trợ".

Hai hổ không thể chung chuồng

Nếu nhìn vào bản đồ, có thể thấy Saudi Arabia và Iran là hai nước án ngữ ở vùng Vịnh, chiếm giữ vị trí huyết mạch trên tuyến sản xuất và vận chuyển dầu mỏ của thế giới. 

Là hai nước lớn nhất, có ảnh hưởng nhất trong khu vực, không khó để nhận thấy "hai hổ không thể chung chuồng", sự đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran vốn âm ỉ từ lâu.

Căng thẳng địa - chính trị giữa hai bên càng phức tạp thêm vì cạnh tranh giữa hai dòng Hồi giáo lớn. 

Trong khi Iran là nước lớn nhất của dòng Hồi giáo Shia thì Saudi Arabia lại xem mình là nước lãnh đạo của dòng Hồi giáo Sunni. Các nước nhỏ khác trong vùng bị chia rẽ dưới ảnh hưởng và sức ép của Saudi Arabia và Iran.

Từ lâu, Saudi Arabia, quê hương của Hồi giáo với thánh địa Mecca và Medina, thường tự xem mình là lãnh đạo của thế giới Hồi giáo. 

Nhưng với cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, Iran nổi lên cạnh tranh vị trí của Saudi Arabia bằng cách truyền bá tinh thần Hồi giáo Iran sang các nước khác trong vùng. 

Lãnh tụ tối cao Iran Khomeini từng phê phán triều đình Saudi Arabia là "xuyên tạc tinh thần Hồi giáo".

Sau một loạt biến cố xảy ra tại khu vực từ đầu những năm 2000, như việc chính quyền Saddam sụp đổ ở Iraq dẫn đến việc thành lập chính quyền Shia thân Iran ở Iraq; rồi trong các cuộc nổi dậy ở Syria, Yemen, Bahrain... mỗi bên ủng hộ các phe phái đối đầu nhau, dẫn đến việc va chạm ảnh hưởng và sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Saudi Arabia và Iran ngày càng gia tăng.

Dù có nguồn tiền khổng lồ từ dầu mỏ nhưng trong những năm gần đây, dường như Saudi Arabia đang ở thế yếu hơn khi các lực lượng đồng minh của Iran ngày càng chiếm ưu thế. 

Tại Syria, Tổng thống Assad được Iran hậu thuẫn vẫn nắm quyền, thậm chí ngày càng thắng thế trước các lực lượng nổi dậy do Saudi Arabia ủng hộ. 

Còn lực lượng Houthi với sự ủng hộ của Iran thường xuyên quấy rối, gây bất ổn cho vùng phía nam Saudi Arabia.

Tuy nhiên, đến nay hai bên đều tránh vướng vào một cuộc xung đột trực tiếp giữa hai nước. Các cuộc đối đầu thường được thực hiện qua "bên thứ ba". 

Trong khi Iran hậu thuẫn cho chính quyền Syria, cho lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen, Saudi Arabia có sự ủng hộ của một số nước trong Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh và Mỹ.

Ngòi nổ chiến tranh?

Cho đến nay, Saudi Arabia vẫn mập mờ, chưa khẳng định chắc chắn các tên lửa hành trình này được phóng đi từ Iran. 

Trong cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Saudi Arabia cũng mới chỉ ám chỉ Iran khi cáo buộc đường đi của các tên lửa đến từ hướng bắc, chứ chưa khẳng định chắc chắn là Iran. 

Hiện các chuyên gia của Mỹ, Pháp và Liên Hiệp Quốc đang trên đường đến Saudi Arabia để tiến hành các cuộc điều tra.

Nếu cáo buộc của Saudi Arabia là đúng thì đây là những cuộc tấn công trực tiếp nhất và nghiêm trọng giữa hai nước trong hàng thập kỷ qua, vượt ra khỏi khuôn khổ của một cuộc chiến qua tay "bên thứ ba". 

Điều này sẽ đẩy cuộc đối đầu giữa hai cường quốc lớn nhất ở vùng Vịnh này leo thang lên một cấp độ mới.

Trong trường hợp như vậy, rất có thể ngọn lửa xung đột sẽ bùng lên. Saudi Arabia sẽ không thể không có đòn trả đũa, nếu không muốn sẽ phải hứng chịu các cuộc tấn công tương tự trong tương lai và bị nhìn nhận là yếu thế trong con mắt của các đồng minh ở khu vực.

Và với thực lực quân sự của cả hai bên - Iran đứng thứ 14 và Saudi Arabia đứng thứ 25 về sức mạnh quân sự theo bảng xếp hạng Global Firepower, những thiệt hại của một cuộc đối đầu trực tiếp sẽ không nhỏ, và hơn thế sẽ gây rối loạn nguồn cung dầu mỏ cho toàn thế giới. 

Đồng thời, một cuộc chiến giữa hai thế lực lớn nhất ở vùng Vịnh chắc chắn kéo theo các đồng minh khác trong khu vực vào cuộc. 

Và nước Mỹ sẽ không thể đứng ngoài khi một đồng minh lớn như Saudi Arabia bị tấn công. Lúc đó chưa biết mọi việc sẽ dẫn đến đâu.

Chuyện gì đã xảy ra?

Saudi Arabia cho biết các tên lửa hành trình dùng tấn công hai cơ sở lọc dầu của nước này được bắn đi từ một địa điểm phía bắc (không phải từ phía nam, nơi có các lực lượng Houthi ở Yemen như thường thấy từ trước đến nay).

Tuy nhiên, Saudi Arabia chưa chính thức khẳng định Iran đã bắn các tên lửa hành trình này, và cho biết việc điều tra đang tiếp tục để xác định chính xác "địa điểm phóng" của các tên lửa này.

Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã lên đường đến Saudi Arabia và gặp lãnh đạo nước này để trao đổi cụ thể.

Ngay sau khi đặt chân đến Saudi Arabia, ông Pompeo tuyên bố đây là "hành động chiến tranh" và cho biết Mỹ đang xây dựng một liên minh để ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự trong tương lai. Đồng thời, Mỹ tuyên bố gia tăng mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

Iran ngay lập tức cũng khẳng định không liên quan đến các vụ tấn công. Iran gửi công hàm tới Mỹ thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran (Thụy Sĩ là nước đại diện cho quyền lợi của Mỹ tại Iran do giữa Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao) bác bỏ liên quan đến các vụ tấn công.

Lực lượng Houthi cũng tổ chức họp báo trưng ra các bằng chứng để khẳng định đã tiến hành các vụ tấn công này.

Iran tố Mỹ làm khó, không cho Tổng thống Rouhani đến New York Iran tố Mỹ làm khó, không cho Tổng thống Rouhani đến New York

TTO - Ngoại trưởng Iran ngày 19-9 tố Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cố tình trì hoãn việc cấp thị thực cho đoàn đại biểu Iran đến dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA), trong đó có Tổng thống Hassan Rouhani.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên