07/03/2021 12:06 GMT+7

Thức tỉnh 'gen xanh'

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Thấy giấy báo, túi nilông, quần áo cũ và rác điện tử... bị vứt bỏ khắp nơi, Đặng Thị Thơm (18 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cùng các bạn đứng ra lập nhóm thu gom rác khi chỉ mới học lớp 12.

Thức tỉnh gen xanh - Ảnh 1.

Gặp gỡ nhiều người giúp Thơm tự tin, năng động hơn khi thiết kế các hoạt động sống xanh - Ảnh: CÔNG TRIỆU

"Nhiều người thấy tụ tập ở quốc lộ chỉ để thu gom rác đã bảo mình là con điên, bỏ tiền túi ra để mang rác về nhà. Nhưng có người quan tâm, dừng lại hỏi han. Khi biết ý nghĩa từ việc làm đó, họ hứa sẽ tự phân loại, tái chế rác tại nhà.

Đặng Thị Thơm

Từ hoạt động nhỏ lẻ, Thơm "liều mình" đứng ra "chiêu binh" và tổ chức thành công nhiều chương trình về môi trường tại TP.HCM.

"Tha" rác về nhà

Gặp Thơm lần đầu vào tháng 6-2020 khi cô đang dồn hết tâm huyết thực hiện chương trình về môi trường ở quận 1, cũng là địa phương đầu tiên mà nhóm Gen Xanh do cô thành lập tổ chức ở TP.HCM.

Không chỉ thế, tại nơi mình sống Thơm vẫn thường thực hiện các chương trình như đổi giấy vụn, rác điện tử lấy ống hút tre, bình thủy tinh. Ban đầu cô cùng một số bạn tự bỏ tiền mua ống hút tre, bình thủy tinh để đổi tặng cho mọi người. Rác sau khi thu gom, Thơm mang về nhà. Nhóm sẽ tự xử lý bằng cách làm gạch sinh thái, tái chế hoặc gửi đến các nhà máy nhận xử lý, tái chế.

Cô từng đăng bài lên các trang, nhóm về sống xanh, soạn thư gửi tới cả chục công ty, đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường xin tài trợ. Song hồi đáp mong đợi ấy chỉ là sự hoài nghi bởi Thơm còn quá trẻ. "Họ sợ rằng mình làm chương trình theo dạng phong trào, sợ mình phải học, không theo được rồi bỏ ngang" - Thơm kể.

Thuyết phục bằng việc học tốt

Giờ đây, Thơm tự tin nói rằng cô chẳng buồn hờn gì khi bị gọi như vậy. Từ "tiếng thơm" lẫn lời chê bai ấy giúp nhóm nhận được sự chú ý và hỗ trợ của một số đơn vị chuyên sản xuất vật phẩm ống hút thân thiện môi trường. Một, hai, ba rồi cả chục chương trình ý nghĩa khác về sống xanh, tái chế, đổi rác lấy quà lần lượt hình thành, tạo tiếng vang trong "giới" sống xanh.

Tổ chức ở quê nhà (huyện Củ Chi) thành công, Thơm đưa hoạt động lên trung tâm TP. Khi không còn đồng đội là những bạn ở quê đồng hành, điều gây ấn tượng với mọi người vẫn là lần cô "chiêu binh" có "một không hai" cho Gen Xanh.

Bất kỳ tình nguyện viên nào hỏi về Gen Xanh đều được Thơm thông báo là đã có sẵn team (đội). Cho đến buổi họp mặt đầu tiên, Thơm đứng lên và thông báo thực sự nhóm hiện hữu mỗi mình cô, mọi người tham gia đều là thành viên mới. "May sao ai cũng có chung sở thích nên tất cả ồ cười rồi đồng ý làm cùng, chẳng hề than trách. Đúng là tay không bắt giặc mà" - cô nhớ lại.

Thơm bảo mỗi tháng tốn một khoản chi phí để làm những hoạt động trên nên bố mẹ, thầy cô cho tới bạn bè đều "xì xầm" nói "làm chuyện bao đồng". "Mình tìm cách trò chuyện với bố mẹ, thầy cô để họ hiểu hơn về chuyện đang làm. Kết quả học tập ngày một tốt lên sẽ như minh chứng rằng việc làm này không phải là vô bổ như mọi người nghĩ, từ đó người thân không ngăn cấm nữa" - Thơm tâm sự.

Thơm tin rằng trong bản thân mỗi người đều có "gen" ý thức về môi trường, nhưng chỉ vì cuộc sống còn nhiều lo toan nên bản "gen" ấy chưa chạm tới và "thức tỉnh". Việc đặt tên tổ chức là Gen Xanh, cô mang hi vọng "mưa dầm thấm lâu", dần hình thành ý thức chung tay bảo vệ, cải tạo môi trường sống và di truyền lối sống xanh ấy từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Gom gần 200kg rác thủy tinh

Từ 10 chương trình, workshop lớn về thu gom, đổi rác lấy quà, gian hàng 1.000 đồng... do Gen Xanh tổ chức trong nửa năm qua đã thu về hơn 7,5 tấn áo quần cũ, hàng tấn pin, rác điện tử, túi nilông...

Đầu năm nay, nhóm đã thực hiện thành công chương trình thu gom rác thủy tinh: "Thủy tinh luôn là loại rác gây đau đầu cho các hộ gia đình lẫn công nhân vệ sinh môi trường. Với gần 200kg rác thủy tinh thu được, chúng tôi đã kết nối với một công ty chuyên xử lý loại rác này và chắc chắn sẽ còn nhiều chương trình khác nữa".

Hành trình thiện nguyện trồng cây xanh Hành trình thiện nguyện trồng cây xanh

TTO - Giải pháp chị Vũ Thị Thu Hà đưa ra là trồng bổ sung cây vào rừng, khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi canh tác từ độc canh sang xen canh đa tầng, canh tác vườn rừng.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên